Thứ 4 | 01/12/2021
     Đặng Đình Thuận
PCT Hội văn nghệ dân gian Phú Thọ

      Cách ngày nay tròn 70 năm, mùa đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công lên Hòa Bình với âm mưu xây dựng “Xứ Mường tự trị” bao gồm địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mường ở vùng Tây Bắc, thực hiện dã tâm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, chúng mở rộng khu chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, ngăn chặn đường tiếp tế và liên lạc của ta từ Việt Bắc với Liên khu III và liên khu IV. Để thực hiện âm mưu đó, Thực dân Pháp đã tập trung quân và trang bị vũ khí xây dựng cứ điểm Tu Vũ thuộc xã Tân Tiến, huyện Thanh Sơn (nay là xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) thành một cứ điểm quân sự "Bất khả xâm phạm" với hệ thống các lô cốt, hầm ngầm, ụ chiến đấu kiên cố, có hào chiến đấu, hào giao thông nối liền tạo thành thế liên hoàn vững chắc được bao bọc với nhiều lớp hàng rào thép gai xen kẽ các bãi mìn dày đặc. Xung quanh cứ điểm được phát quang thành một "vành đai trắng”, rộng khoảng trên 100m để dễ bề quan sát phát hiện khi quân ta tiến công. Phía tây bắc cứ điểm, địch bố trí một sân bay dã chiến, trên cồn cát giữa sông Đà là một số công sự kiên cố án ngữ bảo vệ cứ điểm Tu Vũ. Tại đây, ngoài một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh Ma- rốc thứ nhất thiện chiến, địch còn tăng cường một đại đội thuộc tiểu đoàn ngụy Mường thứ 6 và 6 xe tăng, xe thiết giáp hỗ trợ khi bị tấn công. Địch tổ chức phân chia cứ điểm thành 3 khu: A, B và C. Mỗi khu đều có nhiều lô cốt chiến đấu và hỏa lực mạnh. Riêng khu B đặt sở chỉ huy được chúng tăng cường nhiều loại vũ khí như DKZ 57 mm, pháo 37 mm, 1 lô cốt lớn và nhiều ụ chiến đấu. Khi bị tấn công, Tu Vũ còn được yểm trợ của 19 khẩu pháo từ 3 trận địa ở Đá Chông, Chẹ, Thủ Pháp bên hữu ngạn sông Đà bắn sang và được tăng viện lực lượng từ canô, tầu chiến theo đường sông sang cứ điểm Tu Vũ.

      Xác định mặt trận Tu Vũ là một mắt xích quân sự quan trọng nằm trong tuyến phòng thủ then chốt của địch trên dọc tuyến sông Đà và đây là hướng tiến công chủ yếu của ta đánh địch trong chiến dịch Hoà Bình. Bộ chính trị và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải phá bằng được cứ điểm Tu Vũ: “ Tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ và Chẹ (Tu Vũ là chính). Nếu địch chiếm lại thì phải kiên quyết tiêu diệt, nhằm phá vỡ mắt xích quan trọng của phòng tuyến sông Đà, mở cửa A đưa lực lượng vào triền khai bao vây tiến công địch ở thi xã Hòa Binh. Trung đoàn 88 đánh có thể thuận lợi, nhưng cũng có thể phải trả giá rất đắt; một trung đoàn không xong thì ta dùng hai trung đoàn dù phải hy sinh bộ phận cho toàn bộ cũng phải làm …"
(Chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi giao nhiệm vụ cho đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ).

      Đúng 20 giờ ngày 10 tháng 12 năm 1951, tiếng súng trên mặt trận Tu Vũ mở đầu cho chiến dịch Hòa Bình bắt đầu nổ trên tất cả các hướng tiến vào trung tâm cứ điểm Tu Vũ. Trung đoàn 88 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương được lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ. Theo kế hoạch hiệp đồng, Trung đoàn 88 chia làm 3 mũi tiến công chiếm lĩnh trận địa: Tiểu đoàn 29, chiếm lĩnh phía đông, tiến đánh khu B, Tiểu đoàn 23 đánh phía bắc khu A, Tiểu đoàn 322 đột nhập khu vực Đông- Nam diệt khu C. Địch phát hiện bị quân ta bao vây tiêu diệt, hoả lực của chúng từ trong cứ điểm và ở 3 vị trí yểm trợ kháng cự quyết liệt, tạo thành một vành đai lửa bao quanh cứ điểm. Các đơn vị của ta bị pháo địch bắn dữ dội, nhưng với tinh thần anh dũng, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng, cán bộ, chiến sỹ bí mật tiếp cận mục tiêu, triển khai lực lượng, hình thành thế bao vây, cắt gỡ hàng rào dây thép gai, dùng hỏa lực chế áp quân địch, thọc sâu chia cắt tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch…Cuộc chiến đấu tại đây đã diễn ra vô cùng ác liệt đến rạng sáng ngày 11 tháng 12 năm 1951, sau hơn 5 giờ chiến đấu, Trung đoàn 88 và lực lượng vũ trang địa phương đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ; tiêu diệt 159 tên địch trong tiểu đoàn Âu- Phi tinh nhuệ của địch, 12 tên bị bắt sống, gần 100 tên tháo chạy, phá huỷ 4 xe tăng, xe thiết giáp, 1 tàu chiến, 7 ụ súng; thu 10 súng đại liên và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác.
  
Xe tăng, hiện vật quan trọng của chiến trường Tu Vũ 70 năm trước
 
      Chiến thắng Tu Vũ đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của quân đội Pháp. Trận đánh mở màn chiến địch giành thắng lợi, quân ta hoàn toàn làm chủ tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình, tạo điều kiện cho chiến dịch triển khai lực lượng đánh bại âm mưu của Pháp chiếm đóng vùng giải phóng Hòa Bình. Ngày 14 tháng 12 năm 1951, đại tướngVõ Nguyên Giáp đã đến tận đồn Tu Vũ để nghiên cứu, đánh giá kết quả trận đánh và Đại tướng đã gửi thư khen ngợi trung đoàn 88, trong đó có đoạn viết: “Chiến thắng Tu Vũ là một trận công kiên lớn nhất. mở màn chiến dịch. Chiến thắng Tu Vũ biểu hiện tinh thần quả cảm hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu, chứng tỏ bước tiến bộ mới của trung đoàn 88 nói riêng và của quân đội nói chung. Tiến bộ không chỉ đơn thuần về kỹ thuật, chiến thuật mà còn cả về mặt tư tưởng của quân đội cách mạng chỉ biết tiến công, không biết lùi bước. Tôi gửi lời khen ngợi các đồng chí trung đoàn 88 đã nêu cao gương anh dũng tuyệt vời của quân đội...

      Để ghi dấu mãi mãi chiến công oanh liệt của quân và dân ta tại mặt trận Tu Vũ, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận địa điểm chiến thắng Tu Vũ tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là di tích Cách mạng kháng chiến tại Quyết định số:3211/QĐ-BT ngày 12 tháng 12 năm 1994 bao gồm các khu: Khu C; Sân bay; Sở chỉ huy trung đoàn; Mộ các liệt sỹ đã hy sinh tại mặt trận Tu Vũ.

      Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Tu Vũ, là dịpchúng ta tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa và tầm vóc to lớn với chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong trận đánh cứ điểm Tu Vũ - Một trận đánh với chiến thuật “công kiên” có ảnh hưởng to lớn cho chiến thắng sau này tại Điện Biên Phủ kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, buộc Thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu)./.

 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com