Thứ 4 | 15/05/2024

     Bảo tàng Hùng Vương là bảo tàng tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, được ví như cuốn sử bằng hiện vật. Bảo tàng tọa lạc trên đường Trần Phú, đối diện là Công viên Văn Lang – là trung tâm của Thành phố Việt Trì và cũng là trung tâm của Kinh đô Văn Lang xưa. Nơi đây chứa đựng một kho tàng văn hóa lịch sử đồ sộ với gần 12.000 hiện vật gốc có ý nghĩa đặc biệt đối việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vùng Đất Tổ.
     Bảo tàng Hùng Vương đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình là sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật; phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; được tổ chức hoạt động phát huy giá trị di sản văn hoá phục vụ xã hội và phục vụ khách tham quan.

Toàn cảnh Bảo tàng Hùng Vương (Ảnh tư liệu)

      Trong thời gian qua, với vai trò của mình cùng với thế mạnh thuộc vùng Đất Tổ cội nguồn, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương đã đón đông đảo du khách trong và ngoài nước tới thăm quan, tìm hiểu, khám phá. 6 tháng đầu năm 2023, Bảo tàng đã đón gần 1 triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch, khách học sinh và khách nước ngoài. Chiến lược đặt ra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra với phát triển du lịch văn hóa có gắn với các bảo tàng”, và Bảo tàng Hùng Vương đang phát triển theo đúng chiến lược do Bộ đề ra.

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng (Ảnh Đức Vũ)

     Hiện nay, hệ thống các bảo tàng trên cả nước không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc mà còn tạo ra được những giá trị vật chất nhất định đóng góp cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, Bảo tàng Hùng Vương nói riêng và hệ thống các bảo tàng trên cả nước cần phải có biện pháp để thu hút được đông đảo du khách đến bảo tàng trong thời gian tới:
     Thứ nhất: Cơ sở mới của Bảo tàng Hùng Vương được đưa vào sử dụng từ năm 2010, hệ thống trưng bày đã cũ, đơn điệu, nhiều chuyên đề trưng bày không đủ hiện vật trưng bày, yêu cầu đặt ra là cần phải chỉnh lý toàn bộ Bảo tàng. Trước mắt, Bảo tàng Hùng Vương cần thực hiện chỉnh lý từng phần, theo từng nội dung, chủ đề để phù hợp với ngân sách cũng như đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
     Thứ hai: Bên cạnh việc chỉnh lý, đổi mới trưng bày, Bảo tàng Hùng Vương cần phải tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm cho mọi lứa tuổi để lôi cuốn khách đến tham quan. Các hoạt động phải gắn với các di sản văn hóa địa phương như các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian.. tổ chức các game show sử dụng công nghệ để thu hút du khách tới khám phá và tìm hiểu. Bảo tàng cần phải xác định được nhu cầu và thị hiếu của khách tham quan trước mắt và lâu dài để có giải pháp đầu tư phù hợp, trước mắt tập trung thu hút khách là học sinh, sinh viên; tạo bước đệm hướng đến thu hút khách du lịch.
     Thứ ba: Tiềm năng từ việc phát huy giá trị của bảo tàng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách là rất lớn, do vậy cần phải có sự kết hợp giữa bảo tàng và du lịch. Trong thời gian gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có định hướng và chỉ đạo việc gắn kết để phát triển giữa hai ngành là Bảo tàng và Du lịch đã có những hoạt động cụ thể nhằm kết nối sản phẩm phục vụ và thu hút khách du lịch. Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được một số tour, tuyến du lịch có kết hợp với Bảo tàng như tour Du lịch làng cổ, trở về cội nguồn…Tuy nhiên, lượng khách lựa chọn tour không nhiều, khách về Phú Thọ vẫn theo hướng tự phát, khách chọn về Đền Hùng dâng hương sau đó tiếp tục hành trình tại những điểm ở tỉnh khác, nên lượng khách về Phú Thọ đông nhưng khách đến Bảo tàng chưa tương xứng.
     Thứ tư: Đội ngũ hướng dẫn viên đóng vai trò là cầu nối trực tiếp giữa du khách với bảo tàng. Đây là lực lượng để hỗ trợ và giúp du khách hiểu hơn về bảo tàng cùng với giá trị của các hiện vật trưng bày, có khả năng tăng thêm tính hấp dẫn cho bảo tàng. Tuy nhiên, tại Bảo tàng Hùng Vương đội ngũ thuyết minh viên còn mỏng và yếu, thuyết minh viên tiếng nước ngoài chưa có, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách tham quan. Trong thời gian tới, Bảo tàng Hùng Vương cần chú trọng công tác đào tạo thuyết minh, bổ sung nhân lực cho lĩnh vực thuyết minh hướng dẫn khách tham quan.
     Thứ năm: Ứng dụng công nghệ thông tin là việc làm cần thiết cho hoạt động thăm quan bảo tàng trong xu hướng hiện nay, vừa tăng tính hấp dẫn cho bảo tàng, hoạt động trải nghiệm cho du khách, vừa giúp giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên tại bảo tàng, nhất là về vấn đề ngôn ngữ. Hiện nay Bảo tàng Hùng Vương mới chỉ dùng ứng dụng thuyết minh tự động bằng phần mềm “63s Travel” phục vụ khách tham quan, như vậy chưa đủ trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
     Thứ sáu: Các dịch vụ bổ trợ trong khuôn viên của Bảo tàng như cửa hàng lưu niệm, đầu tư thiết kế sáng tạo và sản xuất các sản phẩm lưu niệm gắn với nét đặc trưng của bảo tàng; khu ẩm thực, cà phê,…đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm cho đầu tư xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động, tuy nhiên khách đến và kết hợp chưa nhiều, hoặc là khách đến café rồi về, hoặc là khách đến bảo tàng rồi về…Bảo tàng cần phải tăng cường hơn nữa công tác gắn kết giữa các đơn vị, mục tiêu lớn nhất là khách đã đến khuôn viên của Bảo tàng sẽ được tham quan, tìm hiểu bảo tàng vừa được thưởng thức những đặc sản của Đất Tổ, vừa lựa chọn được những sản phẩm quà tặng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền và vừa được nghỉ ngơi.
     Thứ bảy: Công tác truyền thông tại Bảo tàng phải được chú trọng hơn nữa; kết nối và chủ động cung cấp thông tin với cơ quan báo chí, câu lạc bộ nhà báo du lịch.Thời đại công nghệ số, khách du lịch cập nhật thông tin thông qua các trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử là chính, do vậy mọi hoạt động của Bảo tàng cần phải được tuyên truyền sâu rộng, quảng bá trên nhiều nền tảng mạng xã hội (hiện nay Bảo tàng Hùng Vương mới chỉ tuyên truyền trên trang Fb Bảo tàng, trang thông tin điện tử Baotanghungvuong.vn), việc liên kết với các cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội của các đơn vị khác là việc làm hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền và quảng bá hoạt động của Bảo tàng, cùng hỗ trợ nhau để du khách có thêm lựa chọn khi về với Đất Tổ.
     Thứ tám: Bảo tàng cần chủ động, tăng cường liên kết với các trường học, cơ sở đào tạo. Với những hiện vật và hình ảnh sẵn có, bảo tàng sẽ cung cấp những thông tin sống động, tạo hứng thú cho các học sinh, sinh viên; Bảo tàng có thể xây dựng những giờ học online cho học sinh, thiết kế những tour tham quan ảo, lồng ghép chương trình giờ học lịch sử địa phương tại nhà trường và Bảo tàng…
     Bên cạnh đó, Bảo tàng cần xây dựng các hình tượng, biểu tượng đặc trưng, độc đáo, trở thành điểm “check-in” cho du khách, đặc biệt với giới trẻ, vừa tạo hứng thú cho khách và những tấm hình được đăng một lần nữa sẽ quảng bá cho Bảo tàng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
      Du lịch về nguồn đã và đang thu hút được sự chú ý quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng. Nếu chúng ta – những người làm văn hóa biết trân trọng, đầu tư, khai thác, phát huy một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan về với Đất Tổ, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, xứng đáng là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Nhàn Nguyễn – Bảo tàng Hùng Vương

 

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com