Thứ 3 | 07/02/2017
Phong tục nấu bánh Chưng và giã bánh Giầy trong các dịp lễ hội dân gian và tết Nguyên Đán hàng năm tại các gia đình trong các làng xã Việt Nam đã có từ rất lâu đời, nó gắn liền với các truyền thuyết dân gian phản ánh nguồn gốc xuất sứ của của hai loại bánh đặc trưng được chế biến từ sản phẩm hạt lúa nếp- Một sản phẩm tiêu biểu của nghề nông trồng lúa nước có từ thời các Vua Hùng dựng nước cách ngày nay hàng mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Những năm gần đây, để tỏ lòng thành kính tri ân công đức Các Vua Hùng đã có công lập dựng nên một phong tục đẹp đẽ của dân tộc, khởi nguồn cho đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Ngành Văn hoá thông tin ( Nay là ngành Văn hoá thể thao và Du lịch) đã phục dựng lại nét đẹp văn hoá truyền thống thông qua tổ chức Hội gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày và tổ chức với hình thức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng với sự tham gia của gần hai mươi tỉnh, thành trên phạm vi cả nước vào dịp 10/3 Âm lịch hàng năm nhằm phục vụ đồng bào cả nước và du khách quốc tế về dự lễ hội tại khu di tích lịch sử Đền Hùng. Qua thực tế tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày, chúng tôi thấy cần đánh giá một số kết quả bước đầu đã đạt được và rút ra một số kinh nghiệm trong công tác tổ chức hội thi cụ thể như sau:
1- Hiệu quả về mặt xã hội: Nhiều du khách thập phương và Việt Kiều ở nước ngoài về dự Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng khi được thưởng thức màn biểu diễn dân gian với hoạt động gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày tại sân hành lễ khu di tích lịch sử Đền Hùng đều bị thu hút bởi sức hấp dẫn do các động tác khéo léo, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và không khí sôi động do các nghệ nhân gói bánh chưng và giã bánh giày từ các tỉnh, thành trên cả nước trình diễn thể hiện qua những sản phẩm đặc trưng văn hoá dân gian là những chiếc bánh chưng xanh đẹp mắt và màu trắng tinh khôi của những chiếc bánh giày được làm nên từ những hạt gạo nếp đã được người nông dân làm ra từ “một nắng, hai sương” dâng lên các Vua Hùng trong ngày lễ trọng của dân tộc. Họ như được sống lại không khí ấm áp ngày Xuân với hơi ấm của quê hương, với khí thế tưng bừng ngày hội Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng. Từ đó càng tăng thêm lòng tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc, củng cố khối đại đạo kết toàn dân, tiếp thêm nguồn sức mạnh mới trên chặng đường đi tới tương lai.
2- Thông qua tổ chức Hội thi, bản sắc văn hoá của các dân tộc, các vùng miền được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách nước ngoài trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng. Nhân dịp này, các địa phương có điều kiện giới thiệu tuyên truyền, quảng bá các sản vật tự nhiên, các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương và quảng bá tiềm năng du lịch của các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước.
3- Với sự tham gia ngày một nhiều của các tỉnh thành trên phạm vi cả nước: Từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam và vùng Tây Nguyên… đã vượt qua những chặng đường xa xôi tham gia với trách nhiệm và sự nhiệt tình rất cao, tạo nên một bức tranh văn hoá dân gian đa sắc màu, làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng thêm sinh động, phong phú. Qua đó các tỉnh, thành có cơ hội biểu hiện tình đoàn kết thân ái giữa các dân tộc anh em đang cùng nhau chung sống trên dải đất Việt Nam yêu dấu. Cùng nhau tâm niệm đạo lý truyền thống: “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…” với triết lý sinh ra cùng một bọc. Có thể nói, đây là hoạt động mang tính giáo dục truyền thống rất hiệu quả để các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu sâu thêm về những nét đẹp của văn hoá dân gian đặc trưng của các dân tộc Việt Nam trên các vùng miền của Tổ quốc. Mặt khác, tô đậm thêm bức tranh đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều sắc màu tiêu biểu cùng về đây hội tụ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh nhằm tôn vinh truyền thống dựng nước và giữ nước của các dân tộc Việt Nam trong không khí sôi động của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng linh thiêng, hoành tráng.
3- Thông qua Hội thi, đồng bào các dân tộc thiểu số từ khắp mọi miền đất nước có dịp về thăm viếng Khu DTLS Đền Hùng và dự Giỗ Tổ Hùng vương- Lễ hội Đền Hùng. Có cơ hội giao lưu văn hoá, trao đổi những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình với các dân tộc khác cùng về tham gia hội thi, cùng chia sẻ tâm tư tình cảm thể hiện sự gắn bó cộng đồng trách nhiệm trước anh linh các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đoàn VHDG tỉnh Yên Bái tham dự Hội thi gói nấu bánh chưng giã bánh giầy

 
Tuy vậy, qua tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy, cần rút ra một số kinh nghiệm để tổ chức tốt các hội thi tiếp theo với một số nội dung như sau:
- Tỉnh Phú Thọ cần chủ động xây dựng kế hoạch, thể lệ, quy chế, lịch trình tổ chức hội thi để thông báo trước đến các tỉnh, thành trên cả nước để chủ động đăng ký tham gia Hội thi. Có như vậy, công tác chuẩn bị của các đoàn về tham gia hội thi mới chu đáo và số lượng các tỉnh thành tham gia sẽ nhiều hơn.
- Thời gian cho các đoàn về tham gia hội thi có thể dài hơn để các đoàn có thời gian thăm viếng khu di tích lịch sử Đền Hùng và các hoạt động được diễn ra trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng tại khu di tích và các địa điểm liên quan địa bàn tỉnh để tăng cường sự hiểu biết gắn bó giữa Đất Tổ với các tỉnh thành.
- Công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn nghỉ cho các đoàn tham gia hội thi cần được ưu tiên quan tâm hơn nữa để các đoàn có thời gian tập trung cho các hoạt động tham gia hội thi.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quản bá cho hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngày càng có nhiều tỉnh, thành đăng ký tham gia hội thi và ngày càng có đông đảo quần chúng tham quan các hoạt động của hội thi.
Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng đến nay ( năm Tân Mão- 2011) đã qua mấy năm tổ chức, bước đầu ghi nhận đôi điều về một hoạt động đang dần dần có “thương hiệu” trong Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Chắc chắn rằng Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy sẽ tạo được những ấn tượng sâu sắc in đậm trong lòng du khách gần xa trong mỗi dịp Xuân về Hội mở ./.
 
 
                    Việt Trì, tháng 4 năm 2011
                   Đặng Đình Thuận
Phó chủ tịch Hội VNDG Phú Thọ.
 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com