Thứ 5 | 09/04/2015
1- Vài lời thưa trước: Nhận được giấy mời viết bài tham luận tại hội thảo "Di sản Bút Tre", tôi rất lo vì là thế hệ con cháu của nhà thơ Bút Tre- Đặng Văn Đăng, hiểu biết về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ chưa được nhiều. Thời niên thiếu và khi lớn lên cũng được nghe thơ Bút Tre và tôi cũng đã thuộc một số câu thơ Bút Tre, đại loại như:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng.
Đoàn tàu chở quặng a- pa,
Tít xuống Hà Nội, tít ra Hải Phòng.
Hoặc:
Anh đi công tác P- Lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra.
Và:
Con thuyền dịch đít sang ngang
Bên sông có một cái làng thò ra.
V...v và v...v.
Chẳng biết những câu thơ trên có phải của cụ Bút Tre chính hiệu hay không! Nhưng trong tay tôi có được tập thơ " Nắng chói sông Lô" chính hiệu của ông Bút Tre do ông Chu Đức Tính- quê xã Văn Lang huyện Hạ Hòa- Nguyên là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chuyển cho ông Phạm Bá Khiêm- Chủ tịch Hội VNDG tỉnh Phú Thọ và ông Khiêm lại chuyển đến tôi. Thế là cùng với những tư liệu của các bậc tiên sinh viết về nhà thơ Bút Tre. Tôi mạnh dạn viết bài tham luận này để tham gia hội thảo.
2- Một số hiểu biết về Nhà thơ Bút Tre- Đặng Văn Đăng:
 
Ông sinh ra và lớn lên tại làng Đồng Lương, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ trong một gia đình thuần nông của vùng trung du Phú Phọ, ông được học đến lớp 6 ( tương đương với bằng cơ thủy thời Pháp thuộc), riêng tiếng Pháp thì ông đọc thông viết thạo. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông làm nghề dạy học và sau đó được đề cử làm ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Đồng Lương. Tháng 6/1946, ông được kết nạp vào Đảng. Trong quá trình công tác, trải qua các cương vị công tác khác nhau, ông luôn luôn sáng tác thơ theo phong cách riêng để phục vụ cho công việc của mình. Chính vì vậy, trải qua bao thời gian, bao biến cố cuộc đời mà những bài thơ của ông đã để lại trong trí nhớ và trong đời sống văn hóa ở khắp các vùng quê (cả khen và chê) với những nụ cười sảng khoái của những người lao động trên vùng quê Đất Tổ; để lại một giai thoại thơ Bút Tre với nhiều câu chuyện vừa ly kỳ, vừa hấp dẫn lại cũng không kém phần trí tuệ vì ông đã kế thừa truyền thống thơ ca dân gian của ông cha để lại. Đọc những di cảo thơ Bút Tre và những bài thơ Bút Tre còn được lưu truyền trong quần chúng nhân dân, để lại.
 
3- Thơ Bút Tre thấm đẫm hồn cốt của văn nghệ dân gian quê hương ông:
 
Ông sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của làng Vè Đồng Lương với những câu vè nổi tiếng từ rất lâu đời đã được các thế hệ người dân Đồng Lương truyền nhau gìn giữ. Hấp thu những giá trị tinh hoa của văn nghệ dân gian ấy, ông sớm có được cái chất hài hước, dí dỏm của lối kể vè truyền thống của quê hương. Chính vì thế mà trong thơ Bút Tre luôn có sự tự do, phóng khoáng theo kiểu dân dã, rất gần gũi, rất mộc mạc nhưng rất đỗi thân tình, dễ làm, dễ đọc, dễ hiểu và dễ truyền tụng trong quần chúng nhân dân lao động. Đó là giá trị thực tiễn của thơ Bút Tre đối với người dân Phú Thọ- Đất Tổ yêu thích thơ Bút Tre nói riêng và công chúng yêu thích thơ Bút Tre trên phạm vi cả nước nói chung. Lúc sinh thời, Ông gọi làng ông là “làng Vè” vì cả làng biết làm vè. Ông chỉ nhận mình là “vè sĩ” chứ không phải là "thi sĩ". Làm vè để tuyên truyền, muốn tuyên truyền tốt, vào lòng người thì câu vè phải lạ, phải gây cười... Đó là phương châm để ông chuyển từ làm vè sang làm thơ của ông Đặng Văn Đăng.
Trong ký ức của các thế hệ nhà văn nổi tiếng ở Trung Ương và của tỉnh Vĩnh Phú trước kia vẫn còn nhớ về kỷ niệm của thời kỳ Hội Văn nghệ Vĩnh Phú được đón các cụ Nguyễn Tuân, Văn Cao cùng nhà văn Tô Hoài lúc đó là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Lúc ngồi chơi, nhà văn Nguyễn Tuân bảo: "Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ với Hội Văn nghệ Vĩnh Phú nên cùng nhau làm rõ hiện tượng thơ Bút Tre đi. Tôi quá biết ông này, từng viết tiểu thuyết cho Báo Đông Pháp, rất sành thơ Pháp, thơ Đường... không phải ông ta ngẫu nhiên mà viết ẩu đâu...". Như thế cũng đủ để biết rằng, ông Đặng Văn Đăng làm thơ với bút danh Bút Tre không phải là một sự sơ suất hay cẩu thả trong sáng tác thơ ca, mà đó chính là một sáng tác có chủ ý, có suy nghĩ, cân nhắc trước, sau để làm sao cho thơ dễ nhớ, đễ truyền tụng và dễ thực hiện, nhất là trong hoàn cảnh lúc đó đất nước đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc XHCN thì mỗi câu thơ Bút Tre dễ người dân lao động hấp thụ bởi nó mộc mạc như củ khoai, củ sắn, như cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy. Vì vậy, thơ Bút Tre trái ngược hoàn toàn với dòng thơ bác học chính thống lúc bấy giờ. Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, thơ Bút Tre luôn luôn bị các nhà thơ theo trường phái thơ bác học phê phán và thậm chí còn không cho tuyên truyền và lưu hành.
 
4- Về tập thơ "Nắng chói sông Lô":
 
Ông Chu Đức Tính quê ở xã Văn Lang huyện Hạ Hòa- nguyên là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ bài thơ có tiêu đề: Nắng chói sông Lô đã ghi chép lại tình cảm của nhà thơ Bút Tre với quê hương Phú Thọ với các sự kiện lịch sử như Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ; Đại tướng Nguyễn Trí Thanh về thăm và làm việc tại Phú Thọ và những thành tích của nhân dân Phú Thọ trong công cuộc lao động sản xuất xây dựng CNXH ở miền Bắc chi viện cho đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước: Với 28 bài thơ với các tiêu đề:
1- Ai lên Phú Thọ ngày xuân; 2- Bác về thăm; 3- Anh Thanh tới; 4- Đất; 5- Nước; 6- Ông thợ cạo thiên nhiên; 7- Tiếng ai; 8- Làng vươn vai; 9- Cả đời theo Đảng; 10- Họ là ai; 11- Đây lớp người bình thường; 12- Anh và em; 13- Chuyện người du kích sông Lô; 14- Vét sạch hồ bà Chúa; 15- Có ông sao sáng có bà sáng sao; 16- Hát rằng; 17- Cây Đa bến cũ; 18- Đàn; 19- Ong; 20- Cầu treo sông Chảy; 21- Ông lão bên bờ sông Lô; 22- Gửi người Đại phong; 23- Đôi bờ một sông; 24- Ca dao trữ tình; 25- Về đại hội anh hùng; 26- Lá thư nhà; 27- Đây người đồng chí chúng ta; 28- Đóng.
28 bài thơ trên với phong cách Bút Tre dùng từ đơn giản, mộc mạc, dí dỏm, hài hước và reo vần theo kiểu Bút Tre đã khắc họa những hình ảnh sinh động về những miền quê trung du với "rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt" ( Tố Hữu) và tính cách con người trung du trong cuộc sống, trong lao động sản xuất và trong chiến đấu chống thực dân Pháp, chống Đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng và bảo vệ quê hương và từng ngày làm " thay da, đổi thịt " bộ mặt quê hương Phú Thọ:
 
Ai lên Phú Thọ ngày xưa thấy
Mảnh đất trung du mấy đói nghèo
Miền Bắc ngày nay say Phú Thọ
Rừng vàng đồi bạc đẹp bao nhiêu.
                                       ( Ai lên Phú Thọ ngày xuân)
Thơ Bút Tre cũng đã ghi lại hình ảnh Bác Hồ về thăm HTX Đồng Tâm, huyện Đoan Hùng là đơn vị đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất, phủ xanh đất trống, đồi rừng:
Cười cười Bác dặn từng câu
Một lời nói, một vận vào Đồng Tâm.
Lời Bác ấm, giọng Bác trầm,
Con nghe như được vàng cầm trong tay...
      ... Mỗi người hợp tác cùng lo
Việc công cũng vượt, việc to cũng tròn.
Chia tay, hình Bác đương còn,
Con nghe lời Bác, đàn con thành người...
                                      ( Bác về thăm)
Rồi đến sự kiện đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm HTX Đồng Tâm, Đoan Hùng cũng được nhà thơ Bút Tre ghi lại với tình cảm biết ơn về sự quan tâm chỉ đạo vạch ra con đường làm ăn cho những người con trung du Đất Tổ đang quyết tâm lao động sản xuất để xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên cuộc sống no ấm, hạnh phúc:
Anh Nguyễn Chí Thanh, lãnh tụ công nhân
Về Đoan Hùng nghe bàn chuyện nông dân.
Những con số, những bàn tay cứng cựa
Cải tạo thiên nhiên. Ôi, đẹp tuyệt trần.
                                       ( Anh Thanh tới)
Nghĩ về đất và nước là hai tài sản quý giá của thiên nhiên tri ân với đất, nước bởi đất và nước đãlàm nên hạt lúa, củ sắn, củ khoai nuôi sống con người, nhà thơ Bút Tre viết:
... Nhớ mảnh đất này của Tổ tông,
Bới tìm lấy sống: mộng cha ông.
Nằm yên, đất đã nhiều thay đổi,
Đất bên sườn núi, đất bờ sông...
                           ( Đất)
... Người vui vì nước, nước vui đời
Nước mát ôm người, mát dịu da.
Nước vắng khúc sông: đồng khát nước
Tình người chờ đợi, nước sông ta.
                           ( Nước)
Kết thúc tập thơ "Ai lên Phú Thọ ngày xuân", nhà thơ Bút Tre đã tự trào phúng, hứng khởi để kết thúc những bài thơ trong tập thơ với những câu thơ được sáng tác như sau:
Đương giữa mùa hợp tác
Thơ Bút Tre màu sắc quê tôi
Khen đời tập thể lên ngôi
Núi đồi màu mỡ lại bồi phù sa...
                            ( Đóng )
Nhân hội thảo về Di sản Bút Tre, xin góp bàn  một vài ý dông dài nhằm khẳng định và đánh giá vị thế của thơ Bút Tre trong dòng văn nghệ dân gian của vùng quê Đất Tổ- nơi ông đã sinh ra và lớn lên để thấy được tính " dân dã" trong cuộc sống và trong thơ ông và tác giả coi đây là một nén tâm nhang tưởng nhớ tới ông Đặng Văn Đăng- Nhà thơ Bút Tre ./.
                                                                   
Việt Trì, tháng 3-2015
                                                            Đặng Đình Thuận
PCT Hội VNDG tỉnh Phú Thọ
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com