Lê Thoa
Hội di sản văn hóa
Tháng 3 năm 1947, trên đường từ Thủ đô Hà Nội trở lại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Trong thời gian 15 ngày ở xã Vạn Xuân, Hồ Chủ tịch dùng bí danh là "Xuân”, ở tại căn nhà của gia đình ông Nguyện (nay là Khu 2 xã Vạn Xuân). Người hầu như không dời nơi ở, nhưng mọi việc đảm bảo cuộc sống, thông tin liên lạc, an toàn bí mật được nhân dân Phú Thọ đặc biệt cẩn trọng giữ gìn. Tại đây, Người đã soạn thảo và công bố nhiều văn kiện, Sắc lệnh, thư điện như:
- Ngày 5/3/1947: Người viết thư gửi đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công ra ngoài Hà Nội; gửi Quốc hội và nhân dân Pháp, trình bày sự thật về các vấn đề Việt Nam nhân dịp Quốc hội Pháp sắp họp thảo luận về Việt Nam; gửi đồng bào hậu phương, kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ đồng bào tản cư.
Nội dung trong "Thư gửi đồng bào hậu phương” của Hồ Chủ tịch
- Ngày 7/3/1947: Người gửi thư cho ông Phạm Văn Bạch và ông Nguyễn Văn Tây.
- Ngày 9/3/1947: Người viết trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam về lời tuyên bố của Thủ tướng Pháp Ramadier.
- Ngày 10/3/1947: Người chỉ thị cho Bộ Nội vụ những việc cần làm ngay để ổn định lòng dân, chấm dứt tình trạng lộn xộn do Pháp mở rộng tiến công quân sự; phải quan tâm củng cố các Ủy ban hành chính, phải giải thích nhiệm vụ và kế hoạch cho các Ủy ban hành chính và điều tra những người bất lực thì cắt chức để tìm người khác khá hơn thay vào. Người ký Sắc lệnh số 28-SL về sửa địa giới hành chính huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và của thị xã Vinh - Bến Thủy; gửi thư cho ông Vũ Đình Huỳnh; gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ; gửi thư cho ông Hoàng Hữu Nam và ông Lê Văn Lưu.
-Ngày 12/3/1947: Người ký Sắc lệnh số 29/SL quy định mối quan hệ giữa chủ (người Việt Nam hay người nước ngoài) với công nhân Việt Nam tại các nhà máy, hầm lò.
- Ngày 13/3/1947: Người gửi thư cho ông Nguyễn Văn Lưu.
- Ngày 14/3/1947: Người gửi thư cho ông Hoàng Hữu Nam và ông Nguyễn Văn Lưu.
- Ngày 15/3/1947: Người gửi thư cho ông Hoàng Hữu Nam.
- Ngày 16/3/1947: Người ký Sắc lệnh số 29b/SL về việc lập Ngoại thương cục, định rõ thể thức về ngoại thương, ấn định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức của Ngoại thương cục.
- Ngày 17/3/1947: Người ký Sắc lệnh số 30/SL, cử ông Bộ trưởng Bộ Lao động đặc nhiệm về tản cư và di cư.
- Ngày 18/3/1947: Người ký Sắc lệnh số 31/SL, cử ông Lưu Văn Đạt giữ chức Giám đốc Nha Thương vụ Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, Hồ Chủ tịch đã biên tập cuốn “Đời sống mới”, ký tên Tân Sinh dưới dạng hỏi và đáp để tuyên truyền cho công cuộc vận động đời sống mới do Đảng ta phát động. Người dành thời gian đọc lại cuốn “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo, phép dùng binh của Tôn Tử. Cũng tại xã Vạn Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho 8 chiến sỹ trong đội tuyên truyền vũ trang đi cùng với Người lần lượt là: “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”.
Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 19/3/1947, Hồ Chủ Tịch đã đi qua đò Gềnh, sang xã Xứ Nhu (nay là xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) chuyển đến địa điểm mới là nhà ông Nguyễn Văn , xã Cao Thắng, huyện Lâm Thao (nay là xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao).
Chủ tịch Hồ Chí Minh Hồ đã đến Phú Thọ nhiều lần, gặp gỡ cán bộ và nhân dân trong tỉnh, nhưng lần đến ở, làm việc tại Phú Thọ tháng 3 năm 1947 là lần đầu trong tháng năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và cũng là lần Người ở Phú Thọ lâu nhất. Những hiện vật là đồ dùng của Người nay còn lại một số như chiếc máy chữ, bộ quần áo ka ki, ba lô, chiếc màn cá nhân… hiện được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bản gốc các tài liệu, Sắc lệnh, thư điện do Hồ Chủ Tịch đã soạn thảo và công bố trong thời gian làm việc ở xã Vạn Xuân hiện lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III.
Địa điểm Hồ Chủ tịch ở tại xã Vạn Xuân đã trở thành nơi lưu giữ kỷ niệm Bác Hồ với nhân dân Phú Thọ, là một trong những địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ học tập và phát huy truyền thống của nhân dân địa phương. Tại di tích hiện còn cây thị gần trăm tuổi - di tích nguyên gốc, là nơi Người thường lấy cành thị làm xà tập thể dục vào buổi sáng trong thời gian ở đây. Một số hiện vật gốc là vật dụng của gia đình ông Nguyện trong thời gian Hồ Chủ Tịch ở đây như bộ bàn ghế, giường nằm, bộ tràng kỷ, sập gỗ, chân tảng kê cột nhà, chạn bát, cối đá, vò sành... được gia đình ông Nguyện gìn giữ, hiện được trưng bày tại Nhà lưu niệm trong khu di tích.
Lễ dâng hương tưởng niệm tại Di tích LNCTHCM xã Vạn Xuân (Ảnh Hoàng Hải Đăng)
75 năm đã trôi qua, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Vạn Xuân đã đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, tưởng niệm Hồ Chủ tịch. Khuôn viên di tích gồm Nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm, hầm trú ẩn, sân vườn, đường đi...luôn được gìn giữ sạch đẹp, khang trang, xứng tầm với giá trị lịch sử di tích, đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị của di tích và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tôn vinh công lao sự nghiệp giữ nước vĩ đại của Hồ Chủ tịch, của Đảng và nhân dân ta. Đây là minh chứng cho niềm vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ nói chung, nhân dân Tam Nông nói riêng là được đón tiếp, bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Di tích là nơi thường xuyên tổ chức lễ dâng hương, báo công, tuyên truyền thân thế, sự nghiệp, ghi nhớ công ơn của Hồ Chủ Tịch; nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, chính trị có ý nghĩa sâu sắc của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông, xã Vạn Xuân trong mỗi sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương./.