Cuộc thi "Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016" do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức từ ngày 24/9 đến 8/10/2016. Cuộc thi lần này có sự tham gia của gần 800 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc, tổng số gồm 27 vở diễn. Đoàn nghệ thuật chèo Phú Thọ lần này đã mang đi trình làng vở diễn “Lời thề non nước” kịch bản của cố nghệ sỹ Trần Đình Văn, đạo diễn Phú Kiên, chỉ đạo nghệ thuật -Trưởng đoàn, Nghệ sỹ Ngô Thanh Toán. Trong đêm diễn tại nhà hát chèo Ninh Bình với cảm nhận của người lần đầu tiên cùng các phòng đơn vị chuyên môn đi dự, động viên những người đồng nghiệp của ngành, tôi có cảm giác lâng lâng sung sướng. Sung sướng vì lượng khán giả Ninh Bình yêu chèo đi xem chèo đông đến thế, từ thanh niên, trẻ con, người già ngồi chật trong khán phòng rạp hát, trật cả tầng 2, cả lối đi. Bên ngoài sân rạp hát chèo Ninh Bình được bố trí màn hình điện tử cỡ lớn phục vụ đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Khán phòng trật tự khi tiếng loa cất lên vở diễn “Lời thề non nước” được bắt đầu, ngước nhìn qua ánh đèn sân khâu tôi thấy ai ai cũng háo hức chờ mong, những ánh mắt đợi chờ pha chút tò mò xem những diễn viên đoàn chèo Phú Thọ hóa thân vào nhân vật ra sao. Tôi vừa nghe vừa nhìn vừa cảm nhận được tình cảm của khán giả Ninh Bình dành cho đoàn, những tiếng vỗ tay không ngớt dành cho những đoạn hay của vở diễn, hoặc những diễn viên nhập vai xuất sắc...Vở diễn “Lời thề non nước” với nội dung xoay quanh truyền thuyết thời vua Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18 do NSUT Quốc Giới thủ vai) trị vì đất nước, trong ấm ngoài êm giữ yên bờ cõi, cha truyền con nối và sẽ truyền ngôi cho ai lúc về già khi mà đức vua không có người nối dõi. Lúc đó có bộ chủ Ai Lao tên là Thục Phán (diễn viên Lê Chử Long thủ vai) cũng là dòng dõi nhà Hùng, đã nhiều lần quấy nhiễu, xâm lấn biên giới nhà Hùng. Vua bèn sai viên tướng Sơn Tinh (con rể vua Hùng do diễn viên Thanh Dũng thủ vai) nhiều lần giao chiến, có thắng, có bại, cuộc chiến nổ ra, bên nào cũng tổn thất, gia đình ly tán, nhân dân khổ cực lầm than. Vì vậy mà Sơn Tinh đã cùng Thục Phán mạn đàm nghị hòa để cho dân chúng đỡ phần lầm than khổ cực. Vua cùng các Lạc hầu, Lạc tướng đều vui mừng đồng thuận khi Hùng - Thục bặt tiếng binh đao, thiên hạ thái bình, vua tôi một lòng phụ tử. Vua Hùng Duệ Vương lúc đó bàn với quần thần về việc nhường ngôi, nhiều ý kiến khác nhau, có một số quần thần trong triều tấu rằng nhường ngôi cho Sơn Tinh, con rể của vua vì Sơn Tinh tài đức vẹn toàn, nhưng một số quần thần không tán thành vì Sơn Tinh là ngoại tộc không phải dòng dõi nhà Hùng. Sơn Tinh đã từ tốn tấu bẩm vua cha xin được từ chối và tiến cử Thục Phán, vì Thục Phán vẫn thuộc dòng dõi nhà Hùng. Sau một hồi suy nghĩ cuối cùng vua Hùng Duệ Vương đã quyết định nhường ngôi cho Thục Phán với sự đồng thuận của các triều thần. Thục Phán cảm kích việc nhường ngôi của vua Hùng Duệ Vương thể hiện bằng cách lập cột đá thề giữa núi, chỉ gươm lên trời mà khấn rằng “nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn, miếu Hùng sẽ còn mãi mãi, nếu về sau các vua kế trị mà trái ước bội thề thì búa trăng, rìu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước” bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Duệ Vương trao lại, đời đời hương khói trông coi miếu vũ họ Hùng. Vở diễn kết thúc trong sự tán thưởng vỗ tay của đông đảo người dân Ninh Bình, nhiều người ở lại để được chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ đoàn Nghệ thuật chèo Phú Thọ. Gặp lại nghệ sỹ Thanh Dũng chàng trai thủ vai Tản Viên và cũng là một trong 3 nghệ sỹ dành được huy chương lần diễn này. Thanh Dũng cho biết khi vở diễn kết thúc anh cũng đã linh cảm thấy có sự thành công của cái chung lẫn cái riêng của bản thân anh, anh tin tưởng vào chính bản thân mình khi hóa thân vào nhân vật. Sự tận tình chỉ bảo của các nghệ sỹ lớp anh chị đi trước, sự uốn nắn kịp thời từ những tiểu tiết nhỏ nhất trong nghệ thuật diễn xuất, nghệ thuật biểu diễn đã làm nên thành công của “Lời thề non nước”. Phần thưởng cho những khổ luyện qua bao ngày của anh là chiếc huy chương bạc, cái vinh dự và tự hào nhất đối với người diễn viên, đối với nghệ sỹ trẻ nhưng anh lại khiêm tốn nói rằng: “phần thưởng mà đoàn chúng em và bản thân em nhận được là sự yêu mến của khán giả Ninh Bình, của công chúng dành cho, phần thưởng ấy là lớn nhất đối với nghệ sỹ chúng em”. Cùng với lứa diễn viên trẻ như Thanh Dũng, nổi trội hơn cả là diễn viên Chử Long- người thủ vai Thục Phán cũng chia sẻ niềm vui với chúng tôi: Nhận vai Thục Phán quả là rất khó đối với bản thân Long nhưng bằng nhiệt huyết và niềm đam mê nghề nghiệp anh tự nhủ bản thân mình phải làm bằng được. Sau nhiều đêm trăn trở với lời thoại, cũng như băn khoăn cách diễn xuất, cách đi đứng của một “bộ chủ”...được sự động viên và chỉ bảo của các nghệ sỹ gạo cội, với tinh thần luyện tập chăm chỉ Chử Long đã thành công ngoài sự mong đợi của đoàn. Chử Long là một trong những gương mặt diễn viên trẻ sáng giá của đoàn, ba lần liên hoan trước anh đều nhận được phần thưởng cho cá nhân đó là tấm huy chương bạc và lần này anh nhận huy chương vàng đây là niềm vinh dự tự hào riêng với bản thân anh và là niềm tự hào chung cho cả đoàn Nghệ thuật chèo Phú Thọ. Cả hai diễn viên Chử Long và Thanh Dũng đều có một niềm vui chung là dành được huy chương, nhưng niềm vui của các anh được nhân lên gấp bội khi được thủ những vai quan trọng của vở diễn liên quan đến thời đại các Vua Hùng dựng nước. Bởi lẽ đó, bởi tinh thần của lời thề ấy mà trách nhiệm của người diễn viên, nghệ sỹ đã cháy hết mình để hóa thân vào nhân vật mang lại thành công cho vở diễn.
Một cảnh trong vở diễn Lời thề non nước
Có thể nói vở diễn “Lời thề non nước” không những thành công về nội dung, hình thức mà còn để lại trong lòng khán giả Ninh Bình ấn tượng sâu đậm về những người con quê hương đất Tổ. Tổng kết bế mạc cuộc thi Ban tổ chức đã trao cho đoàn ba huy chương, một huy chương vàng, hai huy chương bạc dành cho các cá nhân có vai diễn xuất sắc nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực tập luyện của tập thể diễn viên đoàn Nghệ thuật chèo Phú Thọ đồng thời góp phần vào thành công chung của cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016./.
Lê Công Luận
(Sở VHTT&DL )