Sáng 16/4, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật để nghe báo cáo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thể dục thể thao. Cùng dự có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong.
Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật ngành TDTT
Phát biểu gợi mở cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã xác định nhiệm vụ hoàn thiện thể chế chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với quan điểm xây dựng pháp luật không chỉ là hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước mà chính là kiến tạo sự phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu gợi mở cuộc họp.
Bộ trưởng cho biết, pháp luật nằm ở thượng tầng kiến trúc còn vận động thực tiễn lại ở hạ tầng cơ sở. Hạ tầng cơ sở vẫn thường đi trước thượng tầng kiến trúc. Xác định được vấn đề đó, lãnh đạo Bộ đã có phương châm chuyển tư duy từ "làm" VHTTDL sang quản lý về VHTTDL. Đây là tư duy "trúng và đúng" đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện.
"Trong năm 2024-2025, Bộ vẫn tập trung cho công tác pháp chế và xác định đây là hướng đi quan trọng, không thể tách rời. Đối với các việc làm thường xuyên, chúng ta chỉ triển khai các sự kiện mang tầm quốc gia và hạn chế đến mức thấp nhất việc "làm" VHTTDL" – Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngoài các nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao thì Bộ sẽ tổ chức họp về công tác pháp chế theo từng chuyên đề. Trong đó, chuyên đề về pháp luật Thể thao là chuyên đề đầu tiên của năm 2024.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng yêu cầu Cục TDTT báo cáo tổng thể về hệ thống pháp luật ngành Thể thao, trong đó cần phải nêu rõ văn bản nào đang vướng mắc và phải ưu tiên sửa trước.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, pháp luật về TDTT đã tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển rất lớn cho sự nghiệp TDTT, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KTXH, nhu cầu tham gia, hưởng thụ các giá trị về TDTT ngày một nâng cao, nhu cầu phát triển mạnh mẽ về TDTT từ thực tiễn khiến một số quy định pháp luật về TDTT không còn phù hợp hoặc không đáp ứng kịp thời.
"Nhìn chung, còn có nhiều quy định trong Luật TDTT và các Nghị định hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở mức quy định chung, để triển khai còn phải có văn bản hướng dẫn, hoặc phụ thuộc vào luật chuyên ngành khác" – ông Đặng Hà Việt nêu thực trạng.
Cần có sự đánh giá để phát triển
Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện có 419 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến toàn ngành VHTTDL, trong đó ngành Thể thao có 76 văn bản gồm cả luật, nghị định, thông tư, trong đó thông tư chiếm 86%.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, pháp luật về TDTT cơ bản thống nhất trong nội ngành nhưng ngoài ngành thì lại chưa thống nhất, chưa có sự tương hỗ, sự cộng hưởng để tạo ra sức mạnh chung. Ngoài ra, một số yêu cầu thực tiễn không nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định và cần có sự đánh giá để phát triển.
Cho ý kiến tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho rằng, từ thực tiễn thời gian qua, ngành TDTT cần rà soát lại chế độ, chính sách cho các đối tượng như: bác sĩ thể thao, thể thao người khuyết tật. Hoàn thiện quy chế VĐV, HLV đua thuyền quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, Luật TDTT sửa đổi đã thực hiện được 5 năm và phát sinh nhiều bất cập từ thực tiễn, vì vậy cần phải thực hiện đánh giá tác động để báo cáo các cấp thẩm quyền sửa đổi trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, với những văn bản thuộc thẩm quyền không còn phù hợp cần phải rà soát để tiến hành sửa đổi ngay để phù hợp với tinh thần được Bộ Chính trị chỉ rõ tại Kết luận 70 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay, cần phải thống nhất khái niệm thể thao để có định hướng tiếp cận trong việc sửa Luật theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế.
Còn theo Thứ trưởng Hồ An Phong, hiện nay chính sách về thể thao ở địa phương chưa có sự đồng bộ. Vì vậy cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần có sự rà soát tổng thể cái gì ưu tiên, cấp bách để làm trước với kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Kịp thời tham mưu sửa đổi thể chế chính sách để kiến tạo, phát triển ngành Thể thao
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhìn một cách tổng thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thể thao được ban hành khá sớm và đồng bộ. Thông qua công cụ pháp luật, ngành Thể thao đã vận hành một cách linh hoạt và mang lại nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trước yêu cầu phát triển mà thực tiễn đang đặt ra và nhằm cụ thể hóa Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới, ngành Thể thao cần phải tiến hành rà soát lại thể chế, chính sách nhằm phát hiện "điểm nghẽn", qua đó tham mưu sửa đổi kịp thời để kiến tạo, phát triển hơn nữa, đáp ứng lại sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước đối với ngành.
"Tại Kết luận 70, Bộ Chính trị đã chỉ rõ những bất cập về thể chế chính sách không còn phù hợp với thực tiễn phát triển thể thao nước nhà. Vì vậy, Bộ phải kịp thời đánh giá trên tinh thần nhìn thấy được "điểm nghẽn" để có giải pháp kịp thời. Chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương đánh giá tác động cụ thể về Luật TDTT cũng như rà soát các nghị định, thông tư liên quan" – Bộ trưởng nêu rõ.
Đi vào từng phần việc cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Cục TDTT, Vụ Pháp chế và Vụ Kế hoạch tài chính phối hợp, tham mưu cho Ban cán sự Đảng giao chủ trương, sớm báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội về việc sửa đổi Luật TDTT.
Đây cũng là phần việc "đón đầu" để có cơ sở thực tiễn báo cáo Trung ương nhằm đề ra chủ trương về chính sách TDTT trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIV sắp tới. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ xu hướng phát triển của thế giới, bởi khi chúng ta hội nhập sâu thì yêu cầu bắt buộc đó là thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Về việc cần làm trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành trong quá trình Chính phủ rà soát, ban hành về Chiến lược về phát triển thể thao giai đoạn mới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận cuộc họp.
Đối với việc Chính phủ đã có kết luận, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị liên quan sớm trình đề án khai thác cơ sở vật chất Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình để từ đó làm điểm cho cả nước.
Nhắc lại bối cảnh thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này là rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nhiều công việc phải làm lại từ đầu mà không vận dụng được kinh nghiệm đi trước, Bộ trưởng yêu cầu phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao tính trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục phát huy tinh thần chọn việc, chọn điểm đã được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, quyết tâm khắc phục tình trạng bất cập về lĩnh vực TDTT.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bám sát tiến độ, nếu cần thiết có thể đề xuất thành lập tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ về thể chế cho ngành Thể thao.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tại phiên họp về pháp luật tháng 5, Lãnh đạo Bộ sẽ nghe báo cáo lại kết quả về việc rà soát thể chế đã được nêu ra trong cuộc họp hôm nay. Đồng thời nghe báo cáo rà soát về lĩnh vực nghệ thuật.
"Cục TDTT cần triển khai quyết liệt, bài bản, phân công phân nhiệm rõ hơn. Đây không chỉ của riêng ai mà là công việc chung của toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong lĩnh vực TDTT" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.
Thế Công - Ảnh: Việt Hùng
Dẫn nguồn: Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Rà soát, sửa đổi kịp thời thể chế chính sách để kiến tạo, phát triển hơn nữa ngành Thể thao (bvhttdl.gov.vn)