Với nhiều lợi thế lớn như công nghệ hiện đại, lượng người dùng lớn, có nhiều dữ liệu về hành vi người dùng phục vụ bán quảng cáo hiệu quả nên các nền tảng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook, TikTok đang chiếm ưu thế trong hoạt động quảng cáo so với các kênh truyền thống. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quảng cáo các nền tảng này vẫn nhức nhối, tràn lan mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh và ngăn chặn. Để siết chặt hoạt động này, cùng với các giải pháp Bộ TTTT đã triển khai, Bộ VHTTDL cũng đang nỗ lực để đưa những quy định mới quản lý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo.
Một số quảng cáo tự tiện gắn mác các cơ quan truyền thông để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng, gây bức xúc (ảnh minh họa)
Những hệ lụy kéo dài do thiếu công cụ quản lý
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo thống kê số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế năm 2023, các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được số tiền 8.000 tỷ; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ.
Từ những con số đó thể thấy rằng, Việt Nam đang là một mảnh đất hết sức "màu mỡ" đối với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Ở chiều ngược lại, do hệ thống luật pháp đi sau so với thực tiễn đã dẫn đến việc chúng ta khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp Việt cũng mất đi thị phần quảng cáo trên không gian mạng. Không chỉ mất đi nguồn thu thuế cho nhà nước mà nguy hiểm hơn, hệ lụy kéo theo đó là những vi phạm kéo dài trong lĩnh vực này.
Một thực trạng hiện nay đó là, không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo sản phẩm "ngang nhiên tự tiện" gắn "mác" hoặc logo của Đài Truyền hình Việt Nam để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng; vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như "thần dược" dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.
Cùng với việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan tạo ra ma trận sản phẩm gây nhiễu cho người dùng thì các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ.
Các đối tượng này cũng lợi dụng hình thức quảng cáo trên để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến với lãi suất cao. Trên nhiều web, mạng xã hội, app nhan nhản thông tin quảng cáo cho vay với thủ tục trực tuyến, đơn giản nhưng lãi suất thì "cắt cổ"…
Ngoài ra, lợi dụng tình trạng các đơn vị đặt quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi... nên các đại lý quảng cáo thả lỏng và nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn với các nội dung xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền...
Theo Bộ TTTT, tình trạng quảng cáo vi phạm trên mạng chủ yếu là do hầu hết các nhãn hàng, thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu đối tác đảm bảo lượng view…nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát xem quảng cáo gắn ở nội dung nào. Việc các nhãn hàng, thương hiệu bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung sai sự thật; trái với thuần phong mỹ tục...cũng gây ảnh hưởng lớn đến an toàn, uy tín của các thương hiệu.
Các đại lý quảng cáo lý giải, lý do khác của việc quảng cáo vi phạm tiếp diễn thời gian qua đó là do việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, Facebook hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn. Do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, đặc biệt các nền tảng không chủ động cập nhật website/tài khoản/kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.
Bộ VHTTDL - Cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo cho biết, hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng-rôn, báo in, báo nói, báo hình…) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…) kéo theo sự khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.
Theo Bộ VHTTDL, Luật Quảng cáo hiện hành chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Đan "tấm lưới" quản lý chặt hơn
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang dựa vào nền tảng của nước ngoài là chính nên gây khó khăn trong việc quản lý và gây thất thoát nhiều cho ngân sách của Nhà nước.
Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay đó là cần định danh các tài khoản cá nhân, tổ chức kinh doanh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mà không chịu nộp thuế cho nhà nước. Việc này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với bộ ngành liên quan để thực hiện, nhằm tăng thu ngân sách và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đơn vị hoạt động quảng cáo nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua, đã có nhiều văn bản dưới luật tuy nhiên theo thống kê, nhiều hình thức quảng cáo trá hình vẫn chưa có văn bản quy định.
Ngày 20/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.
Theo đó người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ TTTT 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google...) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật.
Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TTTT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường quảng cáo sạch, ngăn chặn quảng cáo vi phạm.
Cụ thể, đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ theo Nghị định số 70/2021/NĐ-QĐ, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam, Cục sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông để xác minh và xử lý nếu có sai phạm.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.
Ngoài ra, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Sở TTTT và lực lượng Công an để tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đại lý quảng cáo và nền tảng phát hành quảng cáo có nhiều vi phạm; tiếp tục cập nhật danh sách "White List" để các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo.
White List sẽ gồm báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động; các website, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng không thuộc đối tượng phải cấp phép nhưng đã đăng ký thông tin đối với Bộ TTTT và được xác nhận.
Bộ TTTT khuyến khích các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo trong White List, đồng thời tiếp tục bổ sung, cập nhật trên website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm, nhảm nhí, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, xã hội để yêu cầu không quảng cáo và đưa vào danh sách phải ngăn chặn.
Để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL bổ sung quy định tại Điều 23 và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền, nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền; Không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đồng thời, bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân; quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm; quy trình phát hiện vi phạm, tiếp nhận thông tin, xử lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng bằng giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, mạnh tay trong xử lý, hy vọng, trong thời gian tới những vi phạm trong quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới sẽ được siết chặt hơn nữa, không còn là "lỗ hổng" để kẻ xấu lợi dụng để đe dọa an ninh, an toàn trên không gian mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân người dùng mạng xã hội.
Qua đó cũng góp phần bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
Bổ sung nhiều quy định mới nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo trên các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử
Theo Bộ VHTTDL, hiện nay, một số quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng (báo điện tử, trang thông tin điện tử…) tại Luật Quảng cáo không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin như: không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây dẫn đến tình trạng các trang thông tin điện tử và báo điện tử không thể tối ưu lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo để duy trì hoạt động.
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 21 về hoạt động quảng cáo trên báo in như sau: Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn 12 phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thực hiện các thủ tục về xuất bản phụ trương theo quy định tại Luật Báo chí.
Sửa đổi, bổ sung khoản 4 của Điều 22 về quảng cáo trong chương trình phim truyện: mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút; việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim truyện phải tuân thủ các quy định về yêu cầu, điều kiện quảng cáo và đảm bảo cung cấp đầy đủ nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội: quảng cáo trên báo điện tử không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt quảng cáo, thời gian chờ tắt quảng cáo tối đa là 03 giây.
Bài 5: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khai thác ngành kinh doanh năng động
Thế Công