Thứ 5 | 17/11/2022
PhuthoPortal - Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2022), mảnh đất anh hùng Trạm Thản nối tiếp truyền thống cách mạng, đang từng ngày nỗ lực thay đổi diện mạo cuộc sống. Những ngày này, về Trạm Thản, thật may mắn khi chúng tôi được gặp những người được sống trong thời khắc thiêng liêng ấy và nghe kể về trận đánh Chân Mộng - Trạm Thản đi vào lịch sử chiến đấu oai hùng của quân và dân ta nói chung và của Đảng bộ, nhân dân Phú Thọ nói riêng.

Cụ Nghiêm Khắc Thiệu - người đảng viên lão thành cách mạng kể lại cho thế hệ trẻ những chiến công của quân và dân ta trong chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản năm 1952

Vẹn nguyên ký ức lịch sử

70 năm đã qua, nhưng với người đảng viên lão thành cách mạng Nghiêm Khắc Thiệu (95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng ở khu 1, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh) vẫn nguyên vẹn cảm xúc khi nhớ về chiến công vang dội tại Chân Mộng - Trạm Thản ngày ấy. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cụ vẫn say mê, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng khi là thành viên trong đội du kích của địa phương được chứng kiến những giờ phút hòa hùng của trận đánh.

Cụ Thiệu cho biết: Khi trận đánh tại Chân Mộng - Trạm Thản diễn ra, tôi đang tham gia trong đội du kích của địa phương. Lúc ấy, toàn bộ người dân phải đi sơ tán vào rừng sâu để tránh địch; huyện, xã huy động lực lượng du kích địa phương thông thuộc đường đi lối lại làm nhiệm vụ quân báo, dẫn đường cho các đơn vị.

Chân Mộng - Trạm Thản là khu vực phục kích lý tưởng trên đường số 2, hai rặng núi và đồi thắt lại hai đầu bọc kín thành một thung lũng hẹp. Những cánh rừng già lấn đến ven đường cái, những nương sắn xanh um trên các vạt đồi là những tấm màn nguỵ trang kín đáo che chở cho bộ đội mai phục. Bản thân tôi và đội du kích khi ấy chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao đưa bộ đội đến nơi tập kích đảm bảo lực lượng, an toàn. Ngay trong đêm 16/11/1952, quân ta chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu mai phục chờ giặc rút từ Đoan Hùng về. 

Ngày 17/11/1952, đội hình hành quân của địch lọt vào trận địa phục kích của ta tại Chân Mộng - Trạm Thản. Các chiến sĩ Trung đoàn 36 và lực lượng vũ trang địa phương anh dũng xông lên chiến đấu. Với phương châm đánh nhanh, diệt gọn, sau một ngày chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 400 tên địch, phá hủy 44 xe cơ giới, thu nhiều quân trang, quân dụng của địch.

Cụ rưng rưng nhớ lại hình ảnh quân địch bị bắt, xe cơ giới của địch bỏ lại nằm ngổn ngang khắp đường. Cụ bảo, tinh thần lúc đó vui sướng lắm, tự hào lắm khi nhân dân xã Trạm Thản đã đóng góp một phần vào thắng lợi của trận đánh.



15 ngày đảm bảo an toàn cho người dân

Xúc động kể lại với chúng tôi về trận đánh oanh liệt 70 năm trước, cụ Nguyễn Thị Xuân Dậu (94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hiện sống tại khu 1, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh) dường như vẫn còn vẹn nguyên ký ức. Khi ấy, cụ Dậu là Đội trưởng Đội nữ du kích của xã với 24 thành viên. Ngày đó, Huyện đội gọi cụ lên, đưa cho 1 khẩu súng lục, 1 quả lựu đạn mỏ vịt và giao nhiệm vụ cho đội là vận động nhân dân sơ tán, thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”.

Nhận nhiệm vụ, đội du kích nữ nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn cho dân ở trong rừng sâu với phương châm không để một ai lọt vào tay địch. Bên cạnh đó, đội du kích cũng phải tính toán, chuẩn bị kỹ lương thực thực phẩm để dân không phải chịu đói khát trong những ngày sơ tán.

Cụ Dậu nhớ lại, khi địch lọt vào trận địa bày sẵn của ta, quân ta từ trên đồi, trên rừng tràn xuống nhằm địch nhả đạn. Tiếng nổ vang trời, khói bay nghi ngút trên cả đoạn đường rừng. Chỉ trong một ngày, trận đánh Chân Mộng - Trạm Thản đã toàn thắng. Nghe tin chiến thắng, quân và dân phấn khởi reo hò, mừng vui khôn siết.



Sau nửa tháng, cuộc hành quân Lo-ren với 3 vạn quân Pháp đánh lên Phú Thọ không mang lại cho chúng kết quả mong đợi. Ngày 25/11/1952, quân Pháp rút khỏi Phú Thọ. Sau chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, cấp ủy, chính quyền nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, động viên nhân dân khắc phục thiệt hại để tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhiệm vụ cấp trên giao cho Đội du kích của cụ Dậu trong trận đánh lần này đã hoàn thành xuất sắc. 15 ngày đêm giặc Pháp đánh Phú Thọ, đội đã đảm bảo an toàn cho toàn bộ người dân, không ai bị địch bắt, không ai chịu cảnh đói và đều trở về nhà an toàn.

Sau chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, cụ Dậu tham gia vào lực lượng dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong khói lửa, đạn bom, bất chấp nguy hiểm, gian khổ, cụ luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày toàn thắng. Với những đóng góp của mình, cụ Nguyễn Thị Xuân Dậu đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

70 năm đã trôi qua, hào khí của chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản vẫn ngời sáng. Với chúng tôi, được nghe kể về lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước càng cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Qua mỗi câu chuyện lại thêm một lần nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tự hào và quý trọng giá trị nền độc lập, tự do của dân tộc để tiếp tục viết nên những trang sử mới.

Hương Giang
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com