Thứ 4 | 01/05/2024

Phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là tiêu chí đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Chất lượng nhận lực du lịch còn thấp

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu đón và phục vụ 17 − 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, theo GS.TS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị đủ nguồn nhân lực, đồng thời các cơ sở đào tạo cũng cần có giải pháp để đáp ứng đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng cao của doanh nghiệp.

GS.TS. Đào Mạnh Hùng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ VHTTDL); 71 trường trung cấp; và 4 trung tâm đào tạo nghề; 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch – Bài 1: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới - Ảnh 1.

Học viên Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.

Số lượng các chương trình đào tạo gồm: 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch. Hiện nay cả nước có khoảng trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp. Hằng năm, các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp.

Trong đó, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành Du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia,.... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4 − 5 sao đều có lao động nước ngoài.

"Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp", GS.TS. Đào Mạnh Hùng cho hay.

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch – Bài 1: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới - Ảnh 2.

GS.TS. Đào Mạnh Hùng

Theo Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

GS.TS. Đào Mạnh Hùng cũng cho rằng, hiện nay ở nước ta việc đào tạo nhân lực du lịch cần quan tâm đến một số vấn đề như: Chương trình đào tạo chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội; Chất lượng của đội ngũ giảng viên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn giảng viên, phần lớn số lượng giáo viên, giảng viên ở các trường có đào tạo về du lịch được đào tạo từ các ngành khác.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập Du lịch còn thiếu thốn, có nhiều cơ sở đào tạo ở tình trạng nghèo nàn về cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật mà vẫn duy trì giảng dạy; Phần lớn các cơ sở đào tạo chưa đưa ra được tiêu chuẩn của đầu ra…

"Vừa thừa, vừa thiếu"

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam hiện nay đã bộc lộ một số bất cập.

Hiện chưa có cơ sở đào tạo bậc đại học chuyên ngành du lịch mà chỉ có các khoa đào tạo chuyên ngành du lịch ở các cơ sở đào tạo bậc đại học các chuyên ngành khác. Chính vì vậy các chương trình đào tạo bậc đại học chuyên ngành du lịch rất khác nhau do các cơ sở đào tạo bậc đại học quyết định có tính đến tính đặc thù chuyên ngành của mình. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra bậc đại học chuyên ngành du lịch.

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch – Bài 1: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới - Ảnh 3.

PGS.TS. Phạm Trung Lương

Bên cạnh đó, thiếu mô hình "Học viện" gắn hoạt động đào tạo với nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng các chương trình đào tạo do không cập nhật được các kết quả nghiên cứu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo du lịch.

Cũng theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, hệ thống quản lý các cơ sở đào tạo đến nay bị phân hóa, chồng chéo và có sự khác biệt về quy định chương trình khung, chuẩn đầu ra. Hệ thống đào tạo cũng không giống nhau ở các trường nên cũng xảy ra hiện tượng không công nhận lẫn nhau, dẫn đến sinh viên khi tốt nghiệp bậc trung cấp, bậc cao đẳng ở trường này muốn học liên thông lên bậc đại học ở trường khác hay tốt nghiệp đại học muốn học thạc sĩ ở trường khác, thì phải học bổ sung các học phần.

"Việc học liên thông từ các trường nghề sang hệ thống các trường đào tạo cao đẳng và đại học cũng không được, dẫn đến những người tốt nghiệp các trường nghề, sau một thời gian làm việc tốt, có năng lực quản lý và điều hành, các doanh nghiệp muốn đề bạt lên các chức danh cao hơn thì gặp khó khăn do họ không có bằng đại học", PGS.TS. Phạm Trung Lương cho hay.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh của một số ngành như du lịch luôn đi kèm với nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong ngành Du lịch, đặc biệt khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Điều này dẫn đến sự phát triển ồ ạt các cơ sở đào tạo về du lịch ở các địa phương, ở các trường trong khi thiếu, thậm chí không có giáo viên chuyên ngành, không có hệ thống cơ sở thực tập...

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch – Bài 1: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới - Ảnh 4.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn trong giờ học thực hành.

PGS.TS. Phạm Trung Lương cho rằng, hiện chưa có sự thay đổi mang tính đột phá trong việc lựa chọn mô hình đào tạo, theo đó mô hình đào tạo chủ yếu hiện nay vẫn theo "vết mòn" có từ thời nền kinh tế bao cấp, thiếu tầm nhìn trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0.

"Đối với chức năng nghiên cứu, các cơ sở đào tạo vẫn đang theo đuổi những hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu nhằm vào mục tiêu công bố trên các tập san khoa học, và chạy theo những thành tích xếp hạng. Có rất ít nghiên cứu gắn với hoạt động chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp bên ngoài nhà trường. Kết quả là nhà trường ngày nay vẫn tiếp tục tồn tại theo lối cũ, ít có sự đổi mới về tư duy như cách đây vài thập kỷ", PGS.TS. Phạm Trung Lương nhận định.

Cùng với đó, hoạt động đào tạo còn mang nặng tính hành chính của thời kỳ "bao cấp", chưa tôn trọng nguyên tắc "Cung – Cầu" trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo còn mang tính "xin – cho", thiếu căn cứ thực tiễn trong dự báo nhu cầu xã hội đối với cấp đào tạo. Hệ quả là tình trạng tuyển sinh ngành thừa, ngành thiếu còn phổ biến trong nhiều cơ sở đào tạo; các cơ sở đào tạo không được tự chủ trong hoạt động tuyển sinh…

Chính vì vậy, nguồn nhân lực của nhiều ngành, điển hình như ngành du lịch hiện nay là "vừa thiếu, vừa yếu" hoặc "vừa thừa, vừa thiếu". Về bản chất, nhiều ngành hiện đang thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, thừa nhân lực không đáp ứng yêu cầu công việc và đặc biệt là thiếu nhân lực có chất lượng cao.

"Trong bối cảnh đó cần có sự thay đổi tư duy về mô hình đào tạo, nhất là trong hệ thống các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo với mục đích để sinh viên khi ra trường vừa có kiến thức quản lý và điều hành, vừa lại có kiến thức nghề chuyên môn một cách chuyên nghiệp và bài bản, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập", PGS.TS. Phạm Trung Lương bày tỏ.

Phải đầu tư chất xám nhiều hơn

PGS.TS. Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, ngành Du lịch đang trải qua một số xu hướng mới thú vị vào năm 2023 – 2024. Từ du lịch sinh thái đến du lịch chăm sóc sức khỏe đến du lịch đa thế hệ, sẽ có điều gì đó phù hợp với mọi đối tượng khách du lịch.

Bằng cách đi đầu trong các xu hướng này, các doanh nghiệp du lịch có thể định vị mình để thu hút và phục vụ cho các phân khúc du lịch mới và đang nổi này. Trước làn sóng này, các công ty du lịch cũng phải đầu tư chất xám nhiều hơn trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch – Bài 1: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới - Ảnh 5.

Phải đầu tư chất xám nhiều hơn trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch.

Không chỉ thế giới mà ở Việt Nam, những chuyến đi nghỉ dưỡng đơn thuần không còn được lựa chọn nhiều. Du khách đang quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương.

Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử,... thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút số lượng lớn khách du lịch. Không nằm ngoài dòng chảy đó, diện mạo du lịch Việt Nam cũng đang có những chuyển biến tích cực theo xu thế toàn cầu.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thắng cho rằng, muốn có được một nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế, các cơ sở đào tạo cần đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên các cấp độ trình độ đạt chuẩn quốc tế.

"Nhìn chung, đã là chuẩn quốc tế thì tức là nguồn nhân lực du lịch đó phải đáp ứng được, thích nghi được khi có những xu hướng, biến động của du lịch thế giới, đồng thời có thể làm việc được ở các môi trường doanh nghiệp du lịch, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế trong và ngoài nước", PGS.TS. Nguyễn Đức Thắng nêu quan điểm.

>>> Còn tiếp

Đăng Nguyên
Dẫn nguồn: 
Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch – Bài 1: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới (bvhttdl.gov.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com