Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch với những nội dung chủ yếu như: phạm vi, ranh giới quy hoạch; quan điểm mục tiêu và các đột phá phát triển; phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện; giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch; Bản đồ quy hoạch.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 của tỉnh Phú Thọ là khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Quyết định nêu rõ, Phú Thọ thực hiện các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba đột phá phát triển - Bốn nhiệm vụ trọng tâm.
Một trung tâm: Xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
Hai hành lang kinh tế: Một là Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hai là Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây; trọng tâm là hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn, tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba đột phá phát triển: Một là huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt: Giao thông liên vùng, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và du lịch; Hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; Ba là cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm: Một là phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; Hai là thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; Ba là bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; Bốn là xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở các lĩnh vực: Du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics.
Đối với phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Quy hoạch có đề ra phương hướng phát triển của lĩnh vực văn hóa và thể dục, thể thao là Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc. Xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước. Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” gắn với phát triển du lịch. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn. Phát triển thể dục, thể thao toàn diện, liên tục, bền vững, lành mạnh hóa môi trường sống. Từng bước xây dựng lực lượng thể thao chuyên nghiệp, xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm thể dục, thể thao của vùng và cả nước. Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế.
(Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)
Đối với phương án phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao: Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Đến năm 2030, 100% huyện, thành phố, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong đó ưu tiên đầu tư trọng điểm, tập trung cho Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và các di sản văn hóa khác…
Đối với phương án phát triển khu du lịch: Đến năm 2030 tỉnh Phú Thọ có 02 khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch quốc gia Đền Hùng và khu du lịch quốc gia Xuân Sơn (gắn với Vườn quốc gia Xuân Sơn) và có từ 03 đến 05 khu du lịch cấp tỉnh tại thành phố Việt Trì, các huyện: Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tam Nông, Tân Sơn…/.
Hồng Vân, Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình