Thứ 2 | 12/08/2019
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Phú Thọ được triển khai đồng bộ, sâu rộng tới tất cả các khu dân cư, vùng sâu sâu, vùng xa. Phong trào được nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón nhận và tích cực hưởng ứng thực hiện. Thông qua hoạt động phong trào, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao được đẩy mạnh và tăng cường. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, thể thao được trú trọng, nhiều hoạt động hướng về cơ sở đã được triển khai thực hiện. Các hoạt động đã đem lại hiệu quả cao trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, huy động được nhiều nguồn lực xã hội hoá tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao góp phần xây dựng đời sống mới, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp chính quyền quan tâm, trú trọng. Vì vậy, đến nay, các địa phương cơ bản đã xây dựng được các bản hương ước, quy ước thích hợp, phát huy dân chủ trong cộng đồng dân cư; bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt các chủ trưong, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, qua công tác kiểm tra, rà soát công tác xây dựng thực hiện hương ước, quy ước đã có: 1.948 hương ước, quy ước được phê duyệt (tương đương với 1.948/2.887 khu dân cư có hương ước, quy ước); 306 hương ước, quy ước chưa được phê duyệt; 175 hương ước, quy ước đang xây dựng; 447 hương ước, quy ước được rà soát, sửa đổi, bổ sung; số hương ước, quy ước được niêm yết, phổ biến đến cộng đồng dân cư sau khi được phê duyệt: 1.948 (đạt 100%). Theo đánh giá của các cơ quan, địa phương, thời gian qua, hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là trong vấn đề ma chay, cưới hỏi, dân số, môi trường, khuyến học vv... Các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Đó là việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đình làng và các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, đáng chú ý hơn là sự phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian của người dân ở đồng bằng, miền núi. Thông qua đó đã góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới. Việc cưới đã đơn giản hóa thủ tục đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình; không còn trường hợp thách cưới hay cưỡng ép kết hôn. Nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như vận động các đôi vợ chồng trẻ tự nguyện đóng góp trồng cây lưu niệm cho xã, hoặc tự nguyện đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm. Các tập tục lạc hậu trong đám tang như lăn dường, bắt tà, trừ ma, khóc mướn hầu như đã được xóa bỏ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những tập tục mới như các hình thức trợ tang, đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ những gia đình khó khăn khi có việc tang được thực hiện khá phổ biến.
 Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường góp phần làm giảm rõ rệt các hủ tục, tập quán không còn phù hợp.Thông qua nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: các cơ quan tuyên truyền Đài, Báo; tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, sách hướng dẫn nghiệp vụ, thông tin lưu động, triển lãm tranh, ảnh, hội diễn văn nghệ quần chúng, giao lưu toạ đàm, hội thảo vv… Báo Phú Thọ đã có nhiều tin, bài phê phán các hiện tượng tiêu cực, phô trương, vụ lợi trong chuyên mục “Chuyện xã phường- chuyện đầu làng cuối phố”; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng nhiều phóng sự tuyên truyền về mô hình tổ chức cưới, tang theo nếp sống mới. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức tuyên truyền thông qua nhiều hình thức: thông tin cổ động trực quan, thông tin lưu động, biểu diễn nghệ thuật, hội diễn văn nghệ quần chúng, chiếu phim lưu động, in sách và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ… Đội thông tin lưu động của tỉnh đã xây dựng các tiểu phẩm với chủ đề, nội dung việc cưới, việc tang, mừng thọ như: ca kịch dân ca “Trước ngày đám cưới”; tiểu phẩm “Tấm thiếp nợ đời” đã được đội thông tin lưu động tỉnh, đội thông tin huyện Thanh Sơn, Yên Lập và các đội văn nghệ ở các địa phương biểu diễn nhiều đêm được đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi. Ngoài ra, Sở đã in trên 5.000 tờ áp phích hướng dẫn thực hiện việc cưới, việc tang, mừng thọ; 10.000 cuốn sách hướng dẫn nghiệp vụ văn hoá trong đó có các văn bản của Trung ương, của tỉnh và của ngành liên quan tới việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ phát hành tới 277 xã, phường, thị trấn và 2.887 khu dân cư trên toàn tỉnh để tuyên truyền nhân dân thực hiện. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; UBND các huyện, thành, thị  cùng chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về xây dựng đời sống văn hoá tại các Cụm kinh tế- xã hội thuộc địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Công tác nghiên cứu, khảo sát các nghi thức, tập tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: dân tộc Mường, Dao, Cao Lan, Mông từ đó xây dựng các văn bản hướng dẫn đồng bào bãi bỏ một số hủ tục như thách cưới bằng bạc nén, bạc trắng, tục so tuổi, cưới tảo hôn, tổ chức ăn uống dài ngày, đồng thời giữ và kế thừa những nét đẹp trong phong tục tập quán mang bản sắc riêng của từng dân tộc như sử dụng trang phục, nhạc cụ, các làn điệu, bài hát ca ngợi quê hương đất nước bằng tiếng dân tộc. Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng một số phim tài liệu về văn hoá dân gian trên vùng đất Tổ, khôi phục một số lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng xã Tất Thắng, lễ Lập tĩnh của người Dao xã Tân Lập (huyện Thanh Sơn), lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Nga Hoàng (huyện Yên Lập); bảo tồn nhà sàn của đồng bào Mường, trang phục của dân tộc Dao, Mông ở xã Nga Hoàng, Trung Sơn, Mỹ lương (huyện Yên Lập), xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) vv...
 
Ông Đinh Công Đào - Dân tộc Mường, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn người luôn đi đầu trong việc tuyên truyền
vận động nhân dân thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư ( Ảnh Quách Sinh).

 
Nhiều hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao theo hướng xã hội hoá đã tạo nên diện mạo mới trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở nhất là xây dựng các thiết chế văn hoá: Nhà văn hoá khu dân cư, sân luyện tập thể thao, thư viện, trạm truyền thanh... tại miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần, xoá dần sự chênh lệch giữa miền xuôi với miền núi, vùng đô thị với vùng sâu vùng xa. Có thể khẳng định, phong trào đã làm chuyển biến cơ bản về xây dựng lối sống văn hoá lành mạnh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; góp phần giữ vững kỷ cương, ổn định tình hình chính trị xã hội; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhận thức về phong trào đã có sự chuyển biến trong cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp; trong công tác chỉ đạo đã có sự quan tâm, đầu tư thích hợp, huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; góp phần tạo cho phong trào tiếp tục có sự chuyển biến mới về chất, thực sự trở thành phong trào của toàn dân, được đông đảo quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia tham gia.
Có thể nói, luật tục có ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật, để phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế yếu tố tiêu cực lạc hậu của luật tục, các cơ quan nhà nước  cần chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước ở địa phương tiến hành đồng thời xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, thông tin liên lạc, từng bước nâng cao dân trí, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân, từ đó, từng bước xoá bỏ những tập tục lạc hậu, đưa những chuẩn mực đạo đức tiến bộ phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét, giải quyết mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục, coi luật tục là sự bổ sung cho pháp luật, vì pháp luật không thể bao quát hết được mọi đặc thù của từng dân tộc.
Trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số hủ tục lạc hậu tuy đã tàn lụi song chưa mất đi. Các hủ tục đó đang rập rình, len lỏi trong phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc. Lợi dụng ảnh hưởng sự suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng tài chính, giá cả thị trường biến đổi mạnh, thiên tai lũ lụt, hạn hán; tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường... các hủ tục lạc hậu vẫn đang tiềm ẩn những tiêu cực, hạn chế trong xây dựng đời sống văn hoá. Ðồng bào ở nhiều bản, làng, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn giữ cách nghĩ, nếp sống tuy không phải là hủ tục, nhưng không phù hợp cuộc sống thời nay, đó là thói quen sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm ngoài trời; ít trồng rau xanh trong khi đất rừng rộng; thói quen uống nhiều rượu làm bê trễ sản xuất; tục tôn thờ đạo giáo ngoại nhập tăng lên ở một số vùng núi.
Từ thực tế trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng đời sống văn hoá cơ sở để góp phần xây dựng văn hoá nông thôn mới đặc biệt là ở vùng cao, vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, xin nêu một số giải pháp nhằm bài trừ hủ tục lạc hậu: Trước hết, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống trong từng làng, xã, từng mỗi gia đình, dòng họ và trong mỗi người dân. Từ đó, xây dựng mối cố kết cộng đồng bền chặt, đề cao thuần phong, mỹ tục; giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi địa phương. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị- xã hội, của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp. Phát huy vai trò và ảnh hưởng cá nhân của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động nhân dân bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan. Đưa nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” vào việc đánh giá, bình xét và coi đây là một trong những tiêu chuẩn hàng năm để công nhận cơ sở, chính quyền trong sạch vững mạnh, danh hiệu văn hoá và các danh hiệu thi đua yêu nước khác. Đẩy mạnh công tác tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nhất là đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số về vai trò quan trọng của thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trong thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tâm lý từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đầu tư kinh phí in ấn các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá. Chú trọng huy động mọi nguồn lực tham gia, khôi phục và bảo tồn các lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, các hoạt động thể dục thể thao, các hội thi hội diễn; các câu lạc bộ (gia đình văn hoá, phòng chống bạo lực gia đình, CLB văn nghệ, thể thao..) lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào các tiểu phẩm, kịch vui, bài hát... trình diễn trên sân khấu, hiểu văn hoá làng để khuyến khích sự sáng tạo ra các sản phẩm văn hoá của nhân dân, thu hút nhân dân vào nội dung xây dựng văn hoá nông thôn mới. Thực hiện tốt quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.  Xây dựng điển hình và nhân diện rộng điển hình văn hoá nông thôn mới để tạo tấm gương phản chiếu nhằm mục đích hướng thiện, từng bước loại bỏ hủ tục ra khỏi đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá; kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi có tính chất cờ bạc, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mê tín dị đoan, phục hồi các hủ tục, kích động bạo lực./.
 
                          Dương Tiến Khoa
            Phó Trưởng phòng QLVH&GĐ
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com