Thứ 2 | 27/04/2015

 Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là mảnh đất địa linh, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Ngày 8/2/1994, Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 63/TTg; ngày 30/3/2004, duyệt quy hoạch phát triển tại Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg, Đền Hùng là dự án trọng điểm trong lĩnh vực văn hóa của Nhà nước. Mục tiêu nhằm xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng đáng là nơi trang trọng thờ cúng Tổ tiên, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trở thành công viên văn hóa lịch sử, rừng Quốc gia, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam thế kỷ XXI, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

 

Với mục tiêu trên, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và sự đóng góp công sức của đồng bào trong và ngoài nước, các công trình tu bổ tôn tạo trong Khu di tích đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ nhu cầu tham quan thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Đặc biệt cứ mỗi độ xuân về, vào dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, con cháu Lạc Hồng ở khắp mọi miền đất nước lại hành hương về cội nguồn thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước. Hàng năm, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng triệu lượt khách về thăm viếng, số lượng khách tham quan du lịch không ngừng tăng lên: Năm 2000 có khoảng 2 triệu lượt người, từ năm 2010 đến nay mỗi năm trung bình có khoảng 5,5 triệu lượt người. Đền Hùng là tâm điểm, là điểm đến của rất nhiều chương trình du lịch về nguồn ở Việt Nam.

Ngày nay, lễ hội Đền Hùng được coi là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam. Năm 2007, Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã sửa đổi bổ sung điều 73 Bộ Luật lao động cho phép người lao động nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để hành hương về cội nguồn. Đặc biệt ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, điều đó càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ hội Đền Hùng thực sự là lễ hội thu hút quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ. Lễ hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các hình thức văn hóa truyền thống, hiện đại được đan xen trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đây là tiềm năng và thế mạnh để Đền Hùng trở thành điểm đến trong hành trình văn hóa tâm linh về cội nguồn.

Thực hiện Quy hoạch phát triển Khu Di tích lịch sử Đền Hùng của Chính Phủ, các thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường sinh thái được xây dựng đồng bộ, khang trang hơn, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch hành hương về cội nguồn. Từ năm 1996 đến nay, các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, chùa Thiên Quang, cảnh quan sân vườn Đền Hạ, Đền Thượng, hệ thống đường bậc lên xuống trên núi Nghĩa Lĩnh được đại trùng tu. Tiếp tục mở mang các công trình kiến trúc thờ tự quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn, hình thành nên hệ thống đền thờ cha Rồng, mẹ Tiên là tổ tiên thiêng liêng của con cháu Lạc Hồng, như xây dựng Đền tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn năm 2005, xây dựng đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân năm 2007 trên núi Sim. Giữ gìn không gian thiêng để đón tiếp và hướng dẫn đồng bào thực hành nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.

Các công trình cảnh quan hồ Gò Công, hồ Khuôn Muồi, đồi Phân Bùng, cảnh quan ngã 5 Đền Giếng, khu Trung tâm lễ hội, sân trước cổng đền đã góp phần tôn vinh của Khu Di tích, tạo thêm nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của du khách.

Các công trình dịch vụ được trú trọng xây dựng và hoạt động có hiệu quả như Khu Dịch vụ ngã 5 Đền Giếng, Khu chợ quê... phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, đi lại, mua hàng lưu niệm, hàng đặc sản truyền thống của vùng Đất Tổ của du khách. Một số cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dịch vụ như nhà hàng ăn uống có sức chứa gần 1000 người; nhà sàn truyền thống phục vụ việc nghỉ ngơi của du khách; triển khai quầy hàng lưu niệm, dịch vụ xe ô tô chạy điện để vận chuyển du khách tham quan. Bên cạnh đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng còn chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường, mở rộng các loại hình kinh doanh bằng hình thức liên kết với một số cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu những mặt hàng tiêu biểu, truyền thống vùng đất Tổ như: Biểu tượng trống đồng; lô gô giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; các sản phẩm bằng gốm có hình ảnh các đền trong Khu di tích để làm tặng phẩm lưu niệm cho du khách về thăm viếng. Những mặt hàng đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa cội nguồn như rượu Vương Tửu, bánh Củ Mài, bánh Chuối, tương Cao Xá; một số mặt hàng mây tre đan, đồ sứ... để giới thiệu rộng rãi đặc sản Đất Tổ. Mở rộng hợp tác với các tua du lịch lữ hành trong nước, xây dựng và tổ chức các chương trình đưa khách đi tham quan tuyến du lịch trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các điểm du lịch trong tỉnh Phú Thọ có hiệu quả. Xây dựng phương án, tổ chức trang trí, tạo dựng không gian nghệ thuật tại khu vực nhà chụp ảnh, nhà trưng bày nghệ thuật nhằm thu hút khách du lịch và phục vụ việc tìm hiểu về Đền Hùng của đồng bào đã góp phần tạo môi trường kinh doanh dịch vụ văn minh trong  Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa. Phát triển du lịch về nguồn tại Đền Hùng không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, khám phá mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Bởi vì, về nguồn chính là về với những bản sắc tinh túy của dân tộc, để con người có thể lắng đọng, cảm nhận, rút ra những bài học, những giá trị từ lịch sử. Du lịch về Đền Hùng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gắn với công tác bảo tồn đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích, rừng Quốc gia Đền Hùng. Hành hương về Đền Hùng là một hành trình du lịch về nguồn để khơi dậy các giá trị truyền thống tốt đẹp, củng cố mối quan hệ cộng đồng để từ đó góp phần hình thành các giá trị và nhân cách con người.
 

Nguồn: http://phutho.gov.vn

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com