Thứ 5 | 20/11/2014
Từ bao đời nay, trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn và nền văn minh Sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Hình ảnh trống đồng không chỉ là bảo vật quý báu của văn hoá Việt Nam mà còn là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và được tích tụ tinh hoa dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Những chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện trên khắp lãnh thổ của nước Việt Nam đã chứng minh hùng hồn điều đó. Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiếc trống đồng đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hoá cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. Trong những nghi lễ trang nghiêm cũng như dịp hội hè vui vẻ, tiếng trống đồng trầm hùng vang vọng tạo ra một không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc và làm cho sứ thần của nhà Nguyên là Trần Phu khi đặt chân đến đất Thăng Long, nghe thấy tiếng trống đồng:
" Kim qua ảnh lý đan tâm khổ; Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh" ( Sợ run khi thấy gươm lòa sáng; Tóc bạc vì nghe tiếng trống đồng)
 
Quê hương của trống đồng Đông Sơn là vùng Đất Tổ trung du Phú Thọ và các tỉnh vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn đã tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 6 sau Công Nguyên. Nó là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ. Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng sự dũng cảm, thông minh và sáng tạo hiếm có, đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau mang đậm yếu tố bản địa của người Việt, tạo nên nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất ở Đông Nam châu Á. Những chiếc trống đồng Đông sơn chính là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước phát triển rực rỡ và toả sáng trên lưu vực của sông Hồng- Con sông Cái của Đất Mẹ Việt Nam- Nơi khai sinh ra dân tộc và đất nước Việt Nam hôm nay.
 

Trống đồng Đền Hùng

Trống đồng Việt Nam có nhiều loại hình, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ trống Đông Sơn là trống loại I Hê- Ghơ theo sự phân loại của nhà khảo cổ học người Đức. Trống được ra đời từ nền văn hoá Đông Sơn gắn liền với thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang mà địa bàn Phú Thọ là trung tâm của nền Văn hoá Đông Sơn- Văn minh sông Hồng- Đỉnh cao của sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo là trống đồng Đền Hùng có kích thước trống loại I lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện năm 1990 tại Đồi Khuôn Muồi- Một làng cổ ngay sát chân núi Nghĩa Lĩnh- Nơi có Đền thờ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Điều đó chứng minh: Trống đồng Đền Hùng là vật linh thiêng đã được nhà nước Văn Lang dùng làm linh vật mỗi khi tế lễ, hội hè tại khu di tích lịch sử Đền Hùng. Cùng với nhiều chiếc trống đồng loại I khác đã được tìm thấy trên dải đất Việt Nam, đó là những tư liệu vô cùng quý báu chứng minh nguồn gốc ra đời và đã có vị trí linh thiêng trong đời sống tâm linh của người Việt. Trống đồng không chỉ là vật linh mà thông qua đó chúng ta đã được sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học mà trống đồng là thông điệp làm nên biểu tượng tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta - Nhà Nước Hùng Vương. Trống đồng và những hình khắc họa trên trống đã giúp chúng ta ngày nay hình dung được đôi nét về cuộc sống của người Việt cổ ở thời xa xưa ấy. Hoa văn trên trống đồng có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống. Nó được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích để làm cơ sở khoa học trong phân loại trống và khắc họa những nét sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ. 
Trống đồng không chỉ có chức năng nhạc khí mà còn có những chức năng khác như làm biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo... Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội, và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Trống thường thuộc về những người thủ lĩnh và là biểu tượng của quyền lực. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Trống đồng cũng được coi là một tài sản quí, và được làm đồ tuỳ táng khi người chủ qua đời.
Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển, là một hiện vật vô cùng quý báu, một trong những niềm tự hào sâu sắc của văn hoá Việt Nam. Ngày nay, hàng trăm chiếc trống đồng được phát hiện và lưu giữ và trưng bày trang trọng ở các bảo tàng quốc gia và các địa phương, vùng đất Thanh Sơn miền tây của tỉnh Phú Thọ là nơi duy nhất tại Việt Nam vẫn còn ngày hội Trống đồng của dân tộc Mường với lễ hội "Đâm Đuống" và "Chàm thau". Đây cũng là một trong số những vùng địa linh của tỉnh Phú Thọ đã phát hiện được nhiều trống đồng trong lòng đất nhất. Chính vì lý do đó mà tỉnh Phú Thọ đã khôi phục một nghi thức linh thiêng là đánh trống đồng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm để phục vụ đồng bào trong nước và du khách quốc tế về tham dự các hoạt động trong ngày lễ hội.
Đây là hoạt động thể hiện tấm lòng thành kính và tôn vinh các giá trị văn hoá, thông qua đó, tích cực đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá nói chung và biểu tượng trống đồng di sản văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam nói riêng. Góp phần tăng cường sự gắn bó, đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam nhằm khơi dậy lòng tự hào truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam thiết thực góp phần giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; " Ăn quả nhớ người trồng cây" cho các thế hệ tiếp bước truyền thống vẻ vang của cha ông. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm viếng Đền Hùng và các Vua Hùng: "...Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...". Cùng nhau đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh vững bước tiến lên con đường XHCN vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Từ Đền Hùng, tiếng trống đồng Đông Sơn sẽ được âm vang, vọng xa đến mọi miền đất nước. Từ Đền Hùng, tiếng trống đồng Đông Sơn sẽ được vang ngân trong lòng bè bạn quốc tế trên khắp năm châu, bốn biển. Từ Đền Hùng tiếng trống đồng âm vang như khẳng định những giá trị về truyền thống, đạo lý nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với bao biến cố, thăng trầm vẫn hiên ngang đứng vững và tự hào phát triển đi lên cùng nhân loại./.
 
Đặng Đình Thuận
TP Nghiệp vụ Văn hóa
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com