Nhắc đến hiện vật thời đại Hùng Vương và giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ không thể không nhắc tới một báu vật đặc biệt đó là những chiếc nha chương - một minh chứng quan trọng trong việc nghiên cứu sự ra đời và phát triển của thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ - vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Trên miền đất ấy, những mắt xích văn hóa cứ nối tiếp nhau từ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn chính là nền tảng của quốc gia Văn Lang thời đại các Vua Hùng. Văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa mở đầu thời đại kim khí ở vùng miền núi và đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Những hiện vật được tìm thấy trong các di tích văn hóa Phùng Nguyên bao gồm đồ đá, đồ gốm, đồ xương….trong đó đồ đá đã đạt đến đỉnh cao. Nếu có một nền văn hóa khảo cổ nào hàm chứa nhiều tinh hoa hơn cả về kỹ thuật chế tác và sản phẩm đồ đá thì đó chính là văn hóa Phùng Nguyên. Cư dân Phùng Nguyên đã sử dụng nhiều loại đá khác nhau để chế tạo công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức và họ đã sử dụng thành thạo các kỹ thuật ghè đẽo, tu chỉnh, mài, cưa, khoan, tiện, đánh bóng. Độc đáo nhất trong các loại hình đồ đá phát hiện được trong văn hóa Phùng Nguyên phải nói tới đó là chiếc Nha Chương.
Về niên đại của Nha Chương: theo các nhà nghiên cứu Nha chương là một vật dùng trong nghi lễ ở Trung Quốc thuộc văn hóa Thương, cách ngày nay khoảng 3700 đến 3400 năm, trong khi đó niên đại tuyệt đối của văn hóa Phùng Nguyên khoảng trên dưới 4000 năm cách ngày nay tức là ngang với thời Thương ở Trung Quốc. Điều này giúp ta xác định Nha Chương có niên đại tương đối vào khoảng 3700 - 3400 năm cách ngày nay.
Nói về chiếc Nha chương, có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi, công dụng cũng như nguồn gốc của nó. Cụ thể:
Về tên gọi: Đã từ lâu người ta biết đến các hiện vật làm bằng đá ngọc với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, có hình dạng khá đặc biệt này không chỉ ở Việt Nam mà còn thấy rất nhiều trong các bộ sưu tập đồ ngọc ở Trung Quốc và nước ngoài như ở Mỹ, Pháp. Nhưng tên gọi của nó vẫn chưa thống nhất vì xung quanh việc xác định tên gọi, chức năng của chúng vẫn còn nhiều điểm mơ hồ, đang được thảo luận. Ở Việt Nam giáo sư Hà Văn Tấn và đa số các nhà nghiên cứu cũng đồng nhất với quan điểm gọi tên hiện vật này là Nha Chương.
Về nguồn gốc: Vì Nha chương xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với số lượng lớn, nhiều kiểu loại bằng đá ngọc tốt, kỹ thuật cực kỳ tinh xảo, đặc biệt ở Trung Quốc còn có cả những công xưởng chế tạo Nha chương nên có nhà nghiên cứu cho rằng quê hương của Nha chương là ở Trung Quốc. Và sự giống nhau đến từng chi tiết giữa Nha chương Việt Nam và Nha chương Trung Quốc đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 08 chiếc Nha chương tìm thấy ở Việt Nam cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua những phát hiện khảo cổ ở nước ta về dấu tích các công xưởng chế tác đá ở Gò Chè, Hồng Đà cùng rất nhiều hiện vật như hạt chuỗi, hoằng, vòng đá, khuyên tai, công cụ sản xuất…thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên có cùng chất liệu đá ngọc, kỹ thuật chế tác với Nha chương. Điều này cho ta thấy cư dân Phùng Nguyên là những người thợ thủ công rất tài khéo trong việc tạo dáng công cụ và sử dụng các kỹ thuật chế tác đá. Qua các cứ liệu trên có thể khẳng định rằng Nha chương Việt Nam có nguồn gốc bản địa và được sản xuất chủ yếu ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Sự giống nhau về loại hình, hình dáng của những chiếc Nha chương ở Trung Quốc và ở Việt Nam chỉ là sự do sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa chứ không phải là sự đồng quy văn hóa.
Về công dụng của Nha chương cũng có nhiều ý kiến tranh cãi. Có nhà nghiên cứu cho rằng với hình dáng mỏng dẹt chỉ khoảng 0,5cm đến 0,8cm chỉ đánh rơi cũng vỡ không thể dùng làm vũ khí được mà đó chỉ có thể là vật sử dụng trong nghi lễ, lễ khí. Theo sách Chu lễ của Trung Quốc “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn chú” nó giống như một thứ “thượng phương bảo kiếm” đầy uy lực trong quân đội. Và đa số các nhà nghiên cứu cũng nghiêng về ý kiến cho rằng Nha Chương có công dụng giống như chiếc quyền trượng hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh dùng để điều binh khiển tướng. Ở Việt Nam, Nha chương ngoài ý nghĩa là biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh nó còn là báu vật của một bộ lạc tồn tại ở giai đoạn đầu của nền văn hóa Phùng Nguyên.
Nha chương là một loại hình hiện vật rất độc đáo được người Phùng Nguyên chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo, khoan, cưa tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau, tạo các lỗ thủng xuyên tâm rất tinh xảo; bên cạnh đó là kỹ thuật mài nhẵn, bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác đá tương thích để làm nên nét độc đáo của chiếc Nha Chương càng chứng tỏ sự phát triển đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá.
Hiện nay, Nha chương ở Việt Nam mới chỉ được phát hiện 08 chiếc tại 2 di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên và Xóm Rền của tỉnh Phú Thọ trong đó tại Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ 4 chiếc. Chiếc Nha chương thứ nhất được ông Nguyễn Văn Đống phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đất làm gạch năm 1993, nhưng đến năm 1998 nó mới được công bố chính thức. Nha chương còn nguyên vẹn, được làm từ loại đá ngọc nephrite, vân màu vàng ngà; mài nhẵn bóng, thân dài 35cm, rộng lưỡi 12cm, rộng đốc 8,9cm, mấu dài 0,7cm dày 0,4cm; đốc có khoan 2 lỗ tròn xuyên tâm cách nhau 3,3cm đường kính 0,8cm, thân có mấu lõm hình chữ V, lưỡi được mài vát một mặt; đốc có một dấu cưa. Chiếc thứ 2 được trường Đại học KHXH&NV khai quật ở di chỉ Xóm Rền vào tháng 12 năm 2004, tại lớp 10 của hố H5. Nha chương được làm bằng đá ngọc màu xám xanh, mài nhẵn bóng, đốc hình chữ nhật hẹp hơn thân và lưỡi, lưỡi hình chữ V lệch xòe rộng; giữa thân và đốc có 2 cặp mấu ở 2 bên; phần ngoài của mấu được xẻ rãnh, ở giữa mấu có 1 lỗ tròn. Nha chương dài 20cm, rộng 6,6cm, dày 0,4cm, nặng 190g, đường kính lỗ khoan là 0,4cm, độ sâu của rãnh mấu là 0,5cm. Chiếc Nha chương thứ 3 được ông Lưu Văn Tráng phát hiện tháng 12 năm 2006 trong khi hạ nền vườn; có dạng hình chữ nhật, thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn, cát một mặt, hơi lõm giữa; làm bằng đá nephrite màu trắng, vân màu hồng; nặng 280g, dài 32,1cm, dày 0,7cm, rộng lưỡi 5,9cm, rộng thân 5,1cm, rộng cán 4,2cm, được mài nhẵn bóng toàn thân; các mấu lớn nhỏ được xẻ hình chữ V; gần sát phần đốc có một mấu lớn, trên mấu lớn có xẻ 6 mấu nhỏ, trên mặt của phần mấu người xưa đã dùng kỹ thuật cưa tạo các rãnh nhỏ, nông chạy song song, đối xứng với nhau; giữa phần mấu lớn về phía đốc khoan một lỗ xuyên tâm có đường kính 0,5cm. Chiếc thứ 4 được phát hiện cùng với chiếc thứ 3. Đây là chiếc Nha chương dài nhất trong 8 chiếc Nha chương được tìm thấy có chiều dài thân là 64,2cm, rộng 10,5cm, dày 0,6cm, rộng lưỡi 7,7cm, rộng mấu 10,7cm, nặng 580g; ở đốc gần sát phần mấu có 1 lỗ khoan xuyên tâm đường kính 0,5cm; lưỡi có hình đuôi cá, được mài ở 1 mặt, mặt cắt hình chữ V lệch; phần mấu được chế tác rất cầu kỳ với nhiều mấu to, nhỏ khác nhau và được xẻ rãnh song song rất đẹp; được làm từ chất liệu đá ngọc màu trắng vân xám, toàn thân được mài nhẵn trừ phần đầu đốc vẫn còn dấu cưa và vết bẻ gẫy; đốc được cưa cắt từ 2 phía rồi bẻ ngang. Chiếc Nha chương còn khá nguyên vẹn chỉ bị sứt phần mấu.
Bộ sưu tập Nha chương hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong không gian trưng bày về Văn hóa Phùng Nguyên nhằm giới thiệu tới khách tham quan những giá trị riêng có và độc đáo và về nghệ thuật chế tác đá đỉnh cao của người Phùng Nguyên.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu về những chiếc Nha chương đã cho thấy vùng đất Tổ Phú Thọ chính là quê hương tập trung nhiều những hiện vật điển hình, đặc sắc của nền văn hóa Phùng Nguyên góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.
Bộ sưu tập Nha chương hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ
Đặng Mỹ Trang - Bảo tàng Hùng Vương