Thứ 7 | 05/01/2019
Tục thờ Mẫu Âu Cơ bắt nguồn từ truyền thuyết trăm trứng, trăm con của Mẹ Âu Cơ - người mẹ của Bách Việt. Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại đền “Ngọc phu nhân Quốc mẫu Âu Cơ cổ truyền” (lập từ thời vua Lê Thánh Tông, được Thượng thư Nguyễn Hiền sao lục), có nói: “Thánh Mẫu (Âu Cơ) lúc tuổi già thường đi du sơn thủy. Vào mùa Xuân, ngày 7 tháng Giêng, đến đây (Hiền Lương) thấy núi non sơn thủy hữu tình, đông đúc khí thiêng, là nơi sinh ra anh hào. Lập tức truyền dừng xa giá, trú tại bản trang, lập trại, mệnh cho một vương tử ở đây để khai hóa nhân dân. Sau mỗi năm, thánh Mẫu ắt đến trại một lần để thăm quang cảnh vật trù dân phú, phong tục thuần hậu, bèn triệu tập phụ lão trong trang đến tuyên thị đức ý và dạy dân biết lấy đường mía và gạo nếp làm thành bánh chay để dùng vào việc cúng tế mùa xuân. Thánh Mẫu cùng dân vui vẻ. Dân trong trang hàm ý kính yêu thánh Mẫu như từ mẫu, vỗ về an ủi như thần tiên xuống trần giới. Hạc giá bay về trời, đó là ngày 25 tháng 12, mùa Đông. Triều đình truyền lễ thành phục, truyền chỉ toàn quốc để tang. Sau triều đình xem xét biết thánh Mẫu lập trại ở bản trang, bèn sai sứ giả đến bản trang triệu tập nhân dân lập đền kỷ niệm thờ tự, bốn mùa quanh năm hưởng cúng tế”.
Sau khi Thánh Mẫu Âu Cơ hóa, nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ Mẫu ngay dưới gốc đa cổ thụ, nơi dải lụa của Mẫu còn vương lại, làm nơi thờ cúng, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân thánh Mẫu. Cách đền chừng 500m về phía Đông, nhân dân Hiền Lương còn cho xây dựng ngôi đình làm nơi thờ Đức Thánh Cả (Đức ông Đột Ngột Cao Sơn) và hai người con của ngài (Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc).
Kể từ đó, việc thờ cúng Thánh Mẫu (nhân dân cũng thường tôn là Tổ Mẫu) tại đền Mẫu Âu Cơ ngày càng đi vào nề nếp và được nhân dân Hiền Lương duy trì tới hiện nay. Đặc biệt, hằng năm, cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng - ngày Mẫu hóa, nhân dân Hiền Lương lại mở lễ hội để cúng tế và tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Thánh Mẫu với nhân dân địa phương. Việc thờ cúng Mẫu Âu Cơ dần trở thành tín ngưỡng của người dân nơi đây và là nhu cầu tâm linh quan trọng bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ cúng các Vua Hùng.
 Lễ cúng tế tại đền Mẫu Âu Cơ là hoạt động thực hành tín ngưỡng có quy mô lớn nhất trong năm, với nhiều hoạt động mang tính tâm linh do cộng đồng cư dân Hạ Hòa, Hiền Lương tổ chức và thực hiện, đã được lưu truyền ở Hiền Lương từ rất lâu. Các hoạt động diễn ra trong ba ngày, từ mồng 7 đến mồng 9 tháng Giêng, chính hội là ngày mồng 7.
Mồng bảy trong tiết tháng Giêng
Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời
Theo truyền thống, lễ vật dâng cúng Mẫu Âu Cơ chỉ là cỗ chay, hoa quả, nên việc chuẩn bị cũng không quá phức tạp. Tuy vậy, trong các đồ dâng cúng, có một lễ vật đặc biệt, không thể thiếu, và đã trở thành nét riêng độc đáo trong lễ hội này, đó là Bánh mật - còn gọi là bánh chay, thì năm nào cũng được chuẩn bị hết sức chu đáo. Đây chính là loại bánh mà theo truyền thuyết, Mẫu Âu Cơ đã dạy cho nàng út con vua hay dạy cho dân làng Hiền cách làm. Vì thế, năm nào cũng vậy, dân làng đều chuẩn bị đúng 100 bánh mật để dâng lên Mẫu. Theo họ, việc này hàm ý đây là 100 chiếc bánh của 100 người con của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân.
  

Đoàn rước kiệu Thánh từ đình ra đền Mẫu Âu Cơ
 
Vào sáng sớm mồng 7, những người trực tiếp đảm nhận các công việc của cuộc rước và dân làng đã tập trung đông đủ ở sân đình, với những bộ lễ phục, trang phục nghiêm chỉnh, đẹp đẽ, đủ các sắc màu. Mở đầu là cuộc lễ Đức Thánh/Thành hoàng làng, do đội tế nam thực hiện. Ngay sau khi cúng lễ xong, đoàn rước kiệu Thánh từ đình ra đền Mẫu Âu Cơ được khởi hành. Trong tiếng trống chiêng, nhạc bát âm rộn vang, dẫn đầu đoàn rước là cờ thần, các đồ tế khí, rồi đến cỗ kiệu thánh - kiệu bát cống, do trai tráng trong làng được lựa chọn cùng khiêng. Sau kiệu bát cống là các vị chức sắc địa phương, các vị bô lão, rồi đến dân làng tham gia trảy hội. Đoàn rước kéo đi thành một vệt dài, sắc màu rực rỡ, âm nhạc vang lừng, tạo thành một khung cảnh vừa hết sức trang nghiêm, vừa thực sự tưng bừng, nhộn nhịp.
  

Nghi thức tế nữ quan trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ
 
Một trong những nghi lễ đặc biệt thiêng liêng trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là cuộc tế do đội tế nữ chủ trì. Đội tế nữ gồm 14 người, bao gồm những cô gái thanh tân, có sức khỏe, nhanh nhẹn, phẩm hạnh tốt, gia đình không có vướng bụi, được dân làng lựa chọn từ trước. Các cô gái trong đội tế đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu,… Chỉ riêng cô chủ tế là trang phục hoàn toàn màu đỏ. Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, tiếng nhạc bát âm réo rắt, giữa không khí trong đền hương trầm tỏa ngát, cuộc tế lễ diễn ra hết sức thiêng liêng. Tất thảy dân làng và người dự hội cùng hướng vào đền, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, ngưỡng vọng Thánh Mẫu. Theo dân truyền, đền Mẫu từ xưa đã nổi tiếng linh thiêng. Thánh Mẫu không chỉ phù hộ cho dân Hiền Lương luôn được nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no lành, mà mọi người lòng thành đến lễ ở đây cũng luôn được Thánh Mẫu phù hộ cho gia đình và bản thân được an khang, làm ăn phát đạt, gặp được nhiều điều tốt lành trong cả năm,...
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa có giá trị lịch sử sâu sắc: Được ra đời và tồn tại trên vùng Đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên vĩ đại, cụ thể ở đây là hình tượng Mẹ Tiên, là kết tinh của những cốt lõi lịch sử, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hoá thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam. Chính ý thức tự tôn dân tộc, tình yêu nước nồng nàn, luôn kề vai sát cánh, đoàn kết bên nhau với ý thức cùng chung nguồn cội “đồng bào”, cần cù và sáng tạo trong công cuộc chế ngự thiên nhiên, anh dũng đấu tranh với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây đắp nên Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, của các thế hệ người Việt Nam, đã tạo nên sức sống lâu bền của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa qua trường kỳ lịch sử.
Với ý nghĩa thiêng liêng và sức lan tỏa ngày càng rộng rãi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ hiện nay trở thành nơi hội tụ của con cháu từ khắp mọi miền đất nước tìm về cội nguồn dòng giống Lạc Hồng. Ngày 23/01/2017 tại Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, không thể thiếu của mỗi chuyến hành hương về Đất Tổ của du khách thập phương. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa chính là môi trường giáo dục cụ thể, sâu sắc và hết sức hiệu quả về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên cùng những người có công với quê hương, đất nước của các thế hệ người Việt Nam./.
 
Bài: Phòng Quản lý Di sản văn hóa.
                                                                              Ảnh: Phương Thanh 
 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com