Thứ 7 | 05/01/2019
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là một trong những di sản văn hóa độc đáo của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, trên cánh đồng Lú, cạnh khu vực đàn tịch điền ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Phường Minh Nông xưa có tên là làng Lú, trong làng có 3 ngôi chùa, 3 ngôi đền nhưng tục cũ truyền làng không có đình, không phải vì nghèo mà là vì cấm lệ. Ca dao có câu:
Bao giờ Kẻ Lú làm đình
Minh Nông mở hội thì mình lấy ta
Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Xưa kia, một năm làng có nhiều kỳ cầu, tiệc lệ nhưng đặc biệt nhất, trang nghiêm và tập trung hơn cả là tục cầu hèm Thần nông đồng Lú vào mùng 6 tháng Giêng. Theo truyền thuyết, đồng Lú là nơi vua Hùng đã xuống đồng dạy dân cấy lúa, là người khai sáng ra cách làm ruộng lúa nước của dòng giống con Lạc cháu Hồng. Vì vậy, vua được tôn là Thần nông, hàng năm có tục cầu Thần nông và thực hành lại tích vua Hùng dạy dân cấy lúa.
Khoảng 9 giờ sáng, tất cả các quan viên chức sắc và dân làng đến tập trung tại khu vực đàn thần Nông, chuẩn bị vào tế thì chiêng trống nổi lên. Đội hình gồm chủ tế, đông xướng, tây xướng, các cụ chức sắc và các ông trưởng giáp. Khi các quan viên đã tề tựu, Đông xướng "chủ tế tựu vị" thì chủ tế bước tới một chiếc chiếu nhìn về hướng Tây Nam, hướng của đàn thờ. Chủ tế làm chủ lễ các tuần tế, sau đó chuyển chúc văn cho ông đọc văn tế. Bản tế văn đại ý có nội dung: Khấn tiên thánh đế Thần Nông về hưởng lễ. Dân chúng ở đây từ cổ chí kim vẫn ghi nhớ công đức của thần nông dạy nghề làm ruộng. Cầu tiên thánh đế Thần Nông phù hộ ban phúc.
Tục cầu hèm phải chuẩn bị các việc gồm: Chuẩn bị đất đã được cày bừa sẵn trên thửa ruộng tế. Chuẩn bị mạ đủ tuổi cấy để sẵn ở đầu bờ ruộng. Các nghi thức của lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa tuần tự diễn ra: đầu tiên là Ông chủ tế thực hiện tế lễ Thần Nông, sau nội dung tế thần chuyển sang tượng trưng nghi thức vua Hùng dạy dân cấy lúa. Một trai làng cầm lọng che cho chủ tế (tượng trưng cho Vua) từ đàn tịch điền đến chân ruộng. Trong thời khắc linh thiêng của thời điểm trời đất giao hòa, Vua xắn quần, vén vạt áo, xắn tay áo bước chân xuống ruộng tế cấy mấy chục con mạ rồi lên bờ. Theo hiệu lệnh, như để bắt kịp thời khắc thiêng, dân làng nhanh chân chạy về cấy những con mạ đầu tiên trên thửa ruộng nhà mình. Một vụ mùa mới bắt đầu. Cánh đồng Lú trong tiết trời đầu xuân rộn rã tiếng cười nói của những con người đang hăng say lao động. Hình ảnh ấy, không gian ấy gieo vào lòng mỗi người con Minh Nông nói riêng và những người xem hội nói chung niềm hi vọng về một năm công việc thuận lợi, cuộc sống tốt lành.
Ngoài ra, vào những năm gặp thiên tai, hạn hán, dân làng còn làm lễ cầu Thần Nông để xin mưa xuống cho mùa màng tốt tươi, cho hết dịch bệnh.
Năm 2018, theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, lễ hội Vua hùng dạy dân cấy lúa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép phục hồi sau nhiều năm gián đoạn. Nghi thức tế lễ, địa điểm tổ chức vẫn như cổ truyền, nhưng thời gian lui lại vào ngày 14, 15 tháng Giêng (chính hội là ngày 15 tháng Giêng) hàng năm.
 

Dâng lễ ở đàn tịch điền trong lễ hội ngày 15 tháng Giêng năm 2018

Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương và nền văn minh lúa nước. Tại lễ hội năm 2018, ngày 14 tháng Giêng, cộng đồng phường Minh Nông tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ngày 15 chính hội, ngay sau nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa là Hội thi cấy lúa của các khu dân cư trong phường Minh Nông. Hội thi và các trò chơi dân gian trong lễ hội đã thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương tham gia.
Việc khôi phục lễ hội Vua Hùng dậy dân cấy lúa thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên của người dân Minh Nông thành phố Việt Trì nói riêng, người dân Đất Tổ nói chung trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay hướng về cội nguồn dân tộc, nhớ lại truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của cha ông. Từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được xác định là một trong những lễ hội tiêu biểu, dự kiến sẽ là điểm nhấn quan trọng của trong xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn của thành phố Việt Trì trong tương lai.
 

Nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa trên cánh đồng Lú

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ phản ánh sự hòa đồng các tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thần, thờ Lúa của người Việt cổ, mang màu sắc nguồn cội cổ xưa, đó cũng chính là một trong những đặc trưng của văn hóa Hùng Vương trên vùng đất Phú Thọ cội nguồn.
 
Bài: Nguyễn Thị Xuân Ngàn - Phòng QLVH&GĐ
                       Ảnh: Vũ Mạnh Cường - Chi Hội Nhiếp ảnh Phú Thọ
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com