Thứ 5 | 10/12/2015
1. Quan niệm.
Trong cuộc sống nơi dương thế của người Việt, tết là một phong tục không thể thiếu được trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Một trong những phong tục đó là tục cúng ông Công, ông Táo. Cúng ông Công, ông Táo còn được gọi là cúng Táo quân. Đó là ngày cúng tiễn ông Táo về trời.        
        Táo quân hay Vua bếp, Thần bếp gồm 3 vị: Thổ Công trông coi việc trong bếp, trong nhà; Thổ Địa trông coi việc ngoài đồng, đất đai, đồng ruộng; Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa, công thương. Vua bếp còn có tên gọi khác do chính Ngọc Hoàng thượng đế phong là Định phúc Táo Quân; Hình ảnh Táo Quân - vua bếp gần gũi với cuộc sống của muôn dân với vai trò là vị thần không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ mà còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp đỏ lửa hàng ngày. Táo quân ngày nay là hiện thân của bộ hiện vật khảo cổ 3 ông đầu rau trong thời đại Hùng Vương dựng nước. Tục thờ Táo quân hầu như chỉ xuất hiện ở các nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo như Việt Nam và Trung Quốc.
        Cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực.
 
2. Sự tích.
        Ngày xưa có hai vợ chồng làm ruộng, nhà rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường xuyên buồn phiền cãi vã với nhau.
        Một hôm Trọng Cao quá tức giận, uống rượu say rồi đánh đuổi vợ. Thị Nhi uất hận bỏ nhà ra đi; đang trong cơn vô định thì gặp một chàng trai tên là Phạm Lang, anh này cũng chưa có vợ, khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Một thời gian dài sau đó, khi Trọng Cao hết giận, thấy rất ân hận về việc đánh đuổi vợ, bèn đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng đều không thấy tăm hơi. Trọng Cao buồn rầu bỏ cả công việc nông tang, đồng áng,  tay gậy tay bị làm người hành khất để đi tìm vợ.
Lang thang, phiêu dạt sống nhờ miếng cơm, manh áo từ thiện. Một lần vào xin ăn tại gia đình nọ, được bà chủ mang cơm ra đãi, người chồng nhận ra bà chủ chính là Thị Nhi - là vợ mình và người vợ cũng nhận ra người chồng cũ của mình.
        Sau khi hai người hàn huyên, tâm tình, sợ người chồng mới về bắt gặp nên người vợ bảo người chồng cũ ẩn trốn vào đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách dần thu xếp cho êm đẹp. Người chồng cũ do đi đường xa mệt mỏi nên ngủ thiếp trong đống rơm. Lúc người chồng mới về, nhớ đến việc thiếu tro bón ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm. Trọng Cao bị chết cháy. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, người vợ chạy ra thấy vậy ân hận liền nhảy vào đống lửa chết theo chồng cũ. Thấy vợ bị chết cháy, người chồng mới cũng cực lòng thương xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy đỏ và cả ba đều chết cháy.                      
Cũng có tích khác: sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem tiền, gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ; Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo; Phạm Lang vì tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.
Thượng đế thấy ba người sống thật có nghĩa với nhau, bèn phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp. Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà. Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.
 
3. Triết lý nhân văn.
Phong tục tết của người Việt vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều nghi lễ, nghi thức văn hóa hết sức độc đáo. Táo quân định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này là do sự ăn ở phải đạo của gia chủ và của mọi người trong nhà.
Sự tích ông Táo trong dân gian Việt Nam, có những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc riêng. Vượt qua cái lý để đạt tới cái tình, người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý, mà là cái tình trong nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau.
Với quan niệm Táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nhiều địa phương có tục lệ, người con gái khi mới về nhà chồng, phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Công đồng hoặc bàn thờ Thổ Công, để xin phù trợ về sau trong công việc bếp núc, tề gia, nội trợ, quán xuyến gia đình. Người Việt Nam luôn quan niệm: người nội trợ là nội tướng trong nhà.
Không gia đình nào là không có bếp lửa. Bếp lửa mang một ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, nó còn là nơi quy tụ cả gia đình để chia sẻ với nhau bữa ăn cũng như lửa ấm. Lửa xua đuổi thú dữ, tạo bầu không khí ấm áp, đoàn tụ gia đình. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ; hoặc giả gia đình có gì lủng củng, đau yếu là người ta phải xem lại bếp núc tức là ông Táo có được giữ sạch sẽ hay không?
        Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc nước ta hầu hết mọi gia đình đều cúng từ một đến ba con cá chép màu đỏ, còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Những con cá chép này sau khi cúng được “phóng sinh” (thả ra ao, hồ hay sông). Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.
        Ngày nay, phong tục cúng ông Táo, ông Công vẫn còn được lưu giữ nhưng không được tổ chức nhiều nghi lễ như xưa. Có thể do văn hóa làng xã Việt đang dần bị mai một; xã hội ngày càng phát triển, các đô thị, thành phố mới được mọc lên nhiều. Những gia đình Việt hiện đại trong ngày cúng ông Táo, ông Công thường làm đơn giản; có chăng chỉ là một chậu cá để  sau cúng thì phóng sinh hay mâm cỗ bình dân với  gà luộc, xôi gạo nếp trắng và một vài món nấu mặn dâng cúng trên bàn thờ gia đình.
      
          Thiết nghĩ, tết ông Táo là một phong tục đẹp cần được bảo tồn và giữ gìn. Chỉ cần có được một nhận thức đầy đủ, một triết lý nhân sinh về văn hóa, một tấm lòng vị tha và sự thành tâm, sự ngưỡng vọng, nhớ ơn đến tổ tiên cùng các vị thần đã bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng thì chắc chắn tục cúng ông Công, ông Táo sẽ thêm phần ý nghĩa./. 
Phạm Nga Việt
Phòng DSVH
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com