Thứ 5 | 28/03/2019
Dân tộc Cao Lan là một trong 21 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và là một trong 4 dân tộc có số dân đông nhất đó là dân tộc Kinh, Mường, Dao, Cao Lan. Người Cao Lan định cư chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Yên lập, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba nhưng đông nhất là huyện Đoan Hùng.
Ngày nay, đời sống kinh tế xã hội của người Cao Lan đã phát triển hơn thời kỳ trước rất nhiều. Tuy nhiên, đối với người Cao Lan nói riêng cũng như đối với các đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, thầy cúng vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, trang phục truyền thống thường ngày của đồng bào Cao Lan cũng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, trang phục thầy cúng vẫn giữ nguyên được nét đẹp ban đầu của nó.
 

Bộ trang phục thầy cúng của người Cao Lan
 
Bộ trang phục của thầy cúng của dân tộc Cao Lan gồm có: áo, quần, mũ, gậy chống, tù và, dép cao su. Áo của thầy cúng thường mặc theo cặp, áo bên trong màu trắng, ngắn hơn áo bên ngoài, may theo kiểu truyền thống với cúc và túi áo ở hai bên. Áo khoác bên ngoài khá cầu kỳ với lối may và họa tiết trang trí là những hình thêu tinh xảo, áo thường có màu đen, chàm, dài quá gối người mặc, cổ áo là một đường may kéo dài từ trên xuống dưới, thường được thêu bằng chỉ màu đỏ cũng dài từ trên xuống dưới, thân áo thường được thêu trang trí hình rồng, các họa tiết hình người cầm đao kiếm, hình cá, hình ngựa xuống toàn bộ thân. Hai tay áo rộng, phía trên ngắn, rủ dần xuống phía dưới, cho đến hết thân áo, với nẹp tay áo là một đường thêu hoặc nẹp chỉ màu đỏ, bên dưới gấu áo là đường thêu chỉ màu đỏ xen lẫn màu vàng. Quần cùng màu với áo, ống rộng, đũng quần thường dài đến đầu gối, gấu quần dài chùm hết bàn chân. Mũ của thầy cúng được thiết kế theo hình chóp hướng lên trên, nền mũ thường màu đen, chàm, ngoài viền mũ thêu chỉ vàng xen lẫn chỉ đỏ thành một đường nẹp chắc chắn, trên thân mũ là hình thêu trang trí bằng chỉ màu.
                                     

Áo thầy cúng trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương
 
Thông qua các hiện vật trang phục truyền thống của thầy cúng đang trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương, chúng ta còn có thể hiểu thêm về nghề trồng bông dệt vải nhuộm chàm có từ rất lâu đời của người Cao Lan.
Trước kia khi mùa bông chín đồng bào thu hoạch bông mang về nhà phơi khô tách hạt sau đó bông được bật thành từng mảng mịn, cuộn thành con cúi, từ con cúi họ kéo thành những sợi nhỏ, cho sợi bông nấu cùng với gạo để cho sợi săn chắc và bóng. Và mang phơi khô sợi đã hồ và cuộn vào những ống sợi để dệt thủ công thành từng tấm có độ rộng khoảng 40 đến 50cm, độ dài tùy vào mục đích sử dụng. Người Cao Lan ít khi dùng vải trắng họ thường nhuộm chàm cùng với một số phụ gia khác. Nguyên liệu để nhuộm vải là cây thiên nhiên có tên gọi là Chàm, cây được trồng vào khoảng tháng 1, tháng 2 và thu hoạch vào tháng 7, tháng 8. Sau khi thu hoạch về họ lấy cả thân cây bẻ gập làm 3 hoặc 4 lần cho vào vại sứ ngâm, cho đầy nước, ngâm trong vòng một đến ba ngày thì có thể vớt được, khi đó màu nước trong vại đã chuyển sang màu xanh đen.
Tiếp đó lấy một ít vôi bột và tro bếp cho vào ca, cho nước vào khoắng rồi để cho nước vôi đó lắng, chắt bỏ nước đi và lấy vôi bên dưới ca cho vào nước chàm khuấy đều lên, đợi để cho nước lắng thì chắt bỏ nước trong đi, cặn còn lại trong vại sứ dùng để nhuộm vải, khi này nước có màu hơi vàng, đem phơi khô chất này sau dùng để nhuộm vải. Để cho màu được bền đẹp lâu phai, người Cao Lan lên rừng tìm cây chỉ thiên, cây lau sau, cây dáp thanh và vỏ cây núc nác, cùng với củ nâu đỏ, khi tìm đủ mang về ngâm cùng cốt chàm khô. Sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm cho nước ngấm đều khắp tấm vải, sau đó vớt vải ra phơi trên hai thanh cây dài. Vải nhuộm một lần có màu xanh nhạt dễ phai, cho vải vào ngâm lại nhiều lần nữa rồi đem phơi đến khi vải khô, nước chàm  ngấm vào vải chuyển thành màu xanh đen rất đẹp.
Có thể nói, thầy cúng có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của người Cao Lan: từ tục sinh đẻ của người phụ nữ, tục cưới xin, ma chay, trong phong tục ngày tết, trong lễ hội làng, chữa trị bệnh tật… Thông qua thầy cúng, người dân muốn gửi gắm những mong ước, khát vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho dân khang vật thịnh, cầu cho cuộc sống bình yên… đến thần linh. Ở nhiều dân tộc khác, thầy cúng cũng đồng thời là thầy lang, thầy mo, thầy trừ ma, trừ tà, thầy lang chữa trị bệnh tật cho mọi người.
          Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, trang phục truyền thống của người Cao Lan đã bị mai một dần. Tuy nhiên, trang phục của thầy cúng người Cao Lan vẫn được bảo tồn nguyên giá trị về văn hóa và ý nghĩa lịch sử của nó, lưu giữ những nét đẹp tinh tế, tỉ mỉ của đồng bào dân tộc Cao Lan vùng Đất Tổ.
                                                                                                       
 Nguyễn Thị Bích Viên
Bảo tàng Hùng Vương
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com