Thứ 5 | 04/04/2024

Phạm Bá Khiêm * 

     Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú thọ” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Kết quả kiểm kê bước đầu năm 2005 do Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH&TT) công bố, cả nước có 1.417 địa điểm thờ cúng Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời đại Hùng Vương dựng nước; trong đó tỉnh Phú Thọ có 326 (năm 2015 là 345) di tích.
      Thời đại phong kiến, Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được chính quyền Nhà nước hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đứng ra tổ chức tại đền Hùng (Phú Thọ).
      Theo dòng lịch sử, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” dù được hình thành dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay trên 2000 năm (năm 258 Tr. CN). An Dương Vương “…do cảm kích trước việc nhường nước của Hùng Duệ Vương, công đức lớn như trời đất, bèn cử giá đến núi Nghĩa Lĩnh lập đền đài lấy làm nơi thờ tự của nước; dựng hai cột đá ở giữa núi, chỉ lên trời mà khấn rằng:  Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn,  miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi, nếu về sau các Vua kế trị mà trái ước bội thể, thì búa giăng, rừu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước ” (Theo Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng - Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán nôm ngày 15 tháng 2 năm 2002).
     - Tới thời Hồng Đức Hậu Lê, khi vua Lê Thánh Tông xác lập Nho giáo là hệ tư tưởng rường cột của quốc gia Đại Việt thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được chính thức hoá bằng pháp luật. Năm 1470 Vua sai Hàn lâm viện Trực học sỹ Nguyễn Cố soạn “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Từ đây Vua Hùng đã trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất. Song việc thờ cúng Hùng Vương, nhà nước vẫn giao cho dân sở tại tổ chức. Ngọc phả ghi: “Từ Triệu Vũ (Triệu Đà) kế đến các triều Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến Hoàng triều ta, đều chuẩn y cung miếu điện, cùng làng Trung nghĩa của bản xã, là dân Tạo lệ đồng trà… đều giữ theo lệ cũ phụng thờ để làm thọ mạch nước, lưu tiếng thơm vạn đời, thịnh vượng thay !”. (Theo Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng - Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán nôm ngày 15 tháng 2 năm 2002).
     - Năm 1479, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào chính sử. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ tư tưởng của văn hóa Việt Nam. Từ đây, Vua Hùng được tôn là Thánh Tổ; nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã xây dựng đền thờ Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Đền Hùng (Phú Thọ) được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương và dân xã Hy Cương được ban là dân “Trưởng tạo lệ”.
     - Sách “Nam Việt thần kỳ hội lục” viết năm Cảnh Hưng 24 (1763) triều Lê (được sao chép theo bản chính của Bộ Lễ) có đoạn viết: “Thánh Tổ Hùng Vương … đền thờ chính tại xã Hy Cương, huyện Sơn Vi, xứ Sơn Tây (đã được ban sắc phong) …”.
    - Chúa Trịnh Khải, nhân danh Nguyên soái Tổng quốc chính Đoan Nam vương đã có Lệnh chỉ ngày 23 tháng 2 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1785): “Do xã (Hy Cương) này, nguyên là dân Tạo lệ đồng trà, có miếu đền phụng thờ Đột Ngột Cao Sơn 18 đời Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ, đã tu tạo đền Thượng, đền Trung, đền Hạ cho đến điện tự, tiền hậu chính đường, xuyên các nghi môn (trên núi Hùng)… được làm Tạo lệ như vốn có”. (Theo Lệnh chỉ xã Hy Cương, Ký hiệu AFA 12/29, tờ 3a - Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam).
    - Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ ban Sắc chỉ ngày 16 tháng 2 niên hiệu Quang Trung năm thứ 2 (1789) cho dân sở tại được miễn tô thuế lao dịch, sử dụng tiền đó vào việc “Tu sửa điện miếu phải chăm lo cẩn thận, cốt tiện phụng sự, khiến mạch nước dài lâu, sông núi trường tồn”. (Theo Lệnh chỉ xã Hy Cương, Ký hiệu AFA 12/29, tờ 1a - Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam).
    - Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhà Nguyễn rất quan tâm tới việc tôn tạo,  xây dựng Đền Hùng. Hiện nay trong văn bia tại các đền trên núi Hùng còn ghi chép liên tục những đợt trùng tu, mở mang xây dựng Đền Hùng trong các đời vua: Minh Mạng, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.
    - Đầu thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức định ngày Quốc tế - Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Văn bản của Bộ Lễ ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917) ghi: “xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có lăng, miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày; mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3, kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng”. Văn bản ghi tiếp: “Quý  tỉnh bàn bạc với quý chủ Công sứ, cẩn thận định lại rằng: Từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái” (Bia số 5 tại đền Thượng, KDTLS đền Hùng; Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán nôm ngày 15 tháng 2 năm 2002).
      Cũng tại văn bản này Bộ Lễ đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng kỷ niệm gồm các quan liệt hiến trong tỉnh cùng các quan viên trong các phủ, huyện của tỉnh, Phẩm phục, Lễ nghi, Lễ phẩm, số tiền do nhà nước cấp…để tổ chức Giỗ Tổ hàng năm. Như vậy, từ năm 1917, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành “Quốc lễ”.
     - Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; tu bổ, tôn tạo đền Hùng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
     Năm 1946, cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 22/ SL - CTN, ngày 18 tháng 2 năm 1946; đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - thay mặt Chủ tịch nước đã về dự Giỗ Tổ, dâng một thanh gươm và tấm bản đồ Tổ quốc để khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
     Năm 1962 Đền Hùng được xếp hạng là Di tích quốc gia (đợt 1).
     Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
     Năm 1999, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW (ngày 28/7/1999) về việc tổ chức các ngày lễ lớn - trong đó có ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP (ngày 6/11/2001) về nghi lễ nhà nước - trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương.
     Năm 2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số  33-NQ/TW (ngày 09/02/2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005; trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
     Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ Luật lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
     - Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1272/QĐTTg  ghi danh Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt.
     - Năm 2012, UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
     - Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể (đợt 1). Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
          Từ những năm cuối thế kỉ XX đến nay, các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, chùa Thiên Quang được đại trùng tu. Các công trình kiến trúc thờ tự, quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn được xây dựng: đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn (2004), đền Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim (2007); bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với Đạị đoàn quân tiên phong tại ngã 5 đền Giếng  (2001; 2022)...       Như vậy, có thể thấy Đền Hùng là nơi thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” sớm nhất, quy mô nhất và tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua hàng ngàn năm lịch sử, được Nhà nước đồng thuận, nhân dân đồng lòng đã bảo vệ, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa Hùng Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng mạnh.
          Giỗ Tổ Hùng Vương là hìện tượng văn hóa của một ý thức cội nguồn dân tộc, được ông cha ta để lại, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ điều gắn kết người Việt ở khắp mọi miền đất nước, kể cả người Việt đang sống xa Tổ quốc lại với nhau; góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

                                                                            Tháng 3 / 2024

                                                                                  P.B.K

         
* Địa chỉ liên hệ:  Phạm Bá Khiêm - Số nhà 79, phố Hàn Thuyên, khu Tân Tiến, phường Tân Dân, TP Việt trì, tỉnh Phú Thọ. SDĐ: 0913351845. Email: phambakhiemvhpt@gmail.com
 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com