Thứ 3 | 21/11/2023

     Giáo dục truyền thống là nội dung quan trọng trong giáo dục địa phương, giúp truyền tải tri thức về văn hóa nền của địa phương và quốc gia dân tộc cho mỗi công dân thuộc địa phương, quốc gia dân tộc đó. Trong giáo dục truyền thống, Bảo tàng Hùng Vương, với vai trò là một bảo tàng địa phương, luôn giữ vị trí hết sức quan trọng, vì đây là nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh trực quan sinh động của lịch sử hình thành vùng đất, con người và văn hóa Phú Thọ, nơi trung tâm khởi dựng nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Trình diễn của Phường Xoan An Thái - một trong những hoạt động thuộc Chương trình Giờ học lịch sử cho học sinh tại Bảo tàng Hùng Vương (Ảnh: Đức Vũ)

     Ngày nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, hướng đến những giá trị cộng đồng cụ thể để xây dựng chương trình giáo dục truyền thống phù hợp. Ở Phần Lan, hệ thống giáo dục đặc biệt chú trọng vào việc phát triển kỹ năng sáng tạo và tư duy logic cho học sinh. Họ tập trung vào việc thúc đẩy khả năng tự học và khuyến khích sự độc lập trong học tập. Giáo dục truyền thống ở Nhật Bản tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng cơ bản và tôn trọng các giá trị truyền thống. Học sinh ở đây được khuyến khích rèn luyện kỹ năng của mình thông qua việc học tích cực và thực hành nhiều. Hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe và yêu cầu học sinh tập trung vào việc học và nắm vững kiến thức. Học sinh thường phải tham gia vào các lớp học tại trường và các lớp học thêm ngoài giờ. Giáo dục truyền thống tại Anh Quốc có xu hướng tạo ra một nền tảng vững chắc cho học sinh qua việc hướng dẫn kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng về ngôn ngữ, nghệ thuật và thể thao.
     Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc - Unesco cũng khuyến khích sự bảo tồn, phát triển giáo dục truyền thống của các quốc gia, địa phương thông qua nhiều chính sách và sáng kiến. Một số chính sách và hoạt động quan trọng bao gồm:
      Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Unesco thúc đẩy việc bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm truyền thống văn hóa và kiến thức, thông qua việc công nhận, bảo tồn và giới thiệu các phương pháp giáo dục truyền thống, như: phương pháp giáo dục bằng trò chơi và truyền kỹ năng thủ công, phương pháp giáo dục qua câu chuyện lịch sử, giáo dục qua âm nhạc và  nghệ thuật,….
     Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục: Unesco tạo điều kiện cho hợp tác giáo dục quốc tế, bao gồm truyền bá các phương pháp và nội dung giáo dục truyền thống giữa các quốc gia và địa phương.
     Hoạt động phát triển ngôn ngữ và văn hóa: Unesco thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ và văn hóa địa phương thông qua giáo dục, nghệ thuật và văn hóa.
     Hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương: Unesco cung cấp tri thức, hỗ trợ tư liệu tài liệu cho các cộng đồng địa phương để phát triển chương trình giáo dục dựa trên truyền thống văn hóa và kiến thức bản địa. Năm 2022, Unesco đã xây dựng chương trình và xuất bản ấn phẩm Bringing living heritage to the classroom in Asia-Pacific (tạm dịch là: Đưa di sản sống vào lớp học ở Châu Á-Thái Bình Dương). Chương trình chú trọng thúc đẩy giáo dục chuyển đổi thông qua việc lồng ghép di sản sống vào trường học ở Châu Á-Thái Bình Dương. Để thực hiện chương trình, Unesco đã tài trợ và tổ chức cuộc thi sáng tạo năm 2023 để thí điểm các bài học sử dụng di sản sống. Sáng kiến Nón lá Việt Nam của Trường trung học cơ sở Gia Thanh, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh đã nhận được giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của Unesco. Điều này cho thấy việc tích hợp di sản sống vào hoạt động dạy và học ở trường góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng giáo dục, làm sinh động thêm trải nghiệm của học sinh và giáo viên, đồng thời bảo tồn bền vững di sản này cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Giáo viên, học sinh Trường THCS Gia Thanh dạy và học kiến thức từ chiếc nón lá (Ảnh sưu tầm)

     Hoạt động nghiên cứu và phát triển: Unesco sẵn sàng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các phương pháp giáo dục truyền thống thông qua việc tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Những chính sách và hoạt động này nhằm mục đích tôn trọng và bảo tồn giáo dục truyền thống của các quốc gia và địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho việc chia sẻ và học hỏi từ nhau để thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và giáo dục trên toàn cầu.
Giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa tại Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng trên cơ sở sử dụng các hiện vật trưng bày, các tư liệu, tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể liên quan và bảo tồn các yếu tố văn hóa truyền thống như: ngôn ngữ, tục lệ, nghệ thuật, kiến trúc để truyền đạt giá trị và kiến thức cho các thế hệ học sinh nói riêng, công chúng nói chung. Hoạt động giáo dục truyền thống tại bảo tàng tập trung vào việc truyền dạy những giá trị, những phong tục, truyền thống, kiến thức đã được hình thành trong quá khứ và thực sự quan trọng trong văn hóa của cộng đồng Phú Thọ. Như vậy, giáo dục truyền thống chính là giáo dục về di sản, văn hóa.
     Bảo tàng Hùng Vương thực hiện chức năng giáo dục, đặc biệt là giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa hướng tới phát triển năng lực học sinh theo các cách thức như sau:
     Thứ nhất là trưng bày và giới thiệu: Bảo tàng Hùng Vương sử dụng không gian trưng bày thường xuyên trong và ngoài trời để giới thiệu và giáo dục về di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Nội dung trưng bày tập trung vào 5 chủ đề chính gồm: Thiên nhiên, con người Phú Thọ; Phú Thọ thời kỳ tiền sử và sơ sử; Phú Thọ trong thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ; Lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Phú Thọ; Phú Thọ trong công cuộc đổi mới. Trưng bày ở đây là các công cụ, các hiện vật, cụm hiện vật, tiền tệ và trao đổi, mộ táng, tác phẩm nghệ thuật, hình ảnh và chú giải về các truyền thống, lịch sử, ngôn ngữ và các thành tựu văn hóa của cộng đồng người dân Phú Thọ từ khi hình thành đến nay.
     Trưng bày và giới thiệu nghĩa là tổ chức cho học sinh tham quan tại Bảo tàng Hùng Vương. Thông qua tìm hiểu các hiện vật có thể giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng quan trọng, gồm:
Kỹ năng quan sát: để hiểu về hiện vật, đọc được tri thức ẩn chứa bên trong hiện vật và những giá trị văn hóa mà hiện vật truyền tải, học sinh sẽ phải rèn luyện khả năng quan sát chi tiết và nhạy bén. Họ có thể xem xét các hiện vật từ nhiều góc độ, tìm hiểu về các đặc điểm riêng của chúng, đặt chúng trong bối cảnh lịch sử, từ đó thu hoạch được giá trị tri thức chứa trong hiện vật.
      Ví dụ như khi quan sát trưng bày chủ đề tự nhiên, học sinh sẽ hiểu được các vấn đề về sinh thái bản địa, từ địa hình ảnh hưởng đến khí hậu, từ khí hậu ảnh hưởng tới trồng trọt, chăn nuôi và hình thành phong tục, tập quán. Qua đó lý giải được về các yếu tố văn hóa tại mỗi địa phương, hiểu được giá trị của tinh thần gắn kết với đất đai đã được cha ông duy trì thành truyền thống tại địa phương.
      Kỹ năng nghiên cứu: Bảo tàng Hùng Vương luôn cố gắng cung cấp thật nhiều cơ hội để học sinh tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề họ quan tâm, nhất là những chủ đề có trong tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ. Học sinh có thể khai thác thông tin từ app 63 S-travel, từ thuyết minh viên để hiểu rõ hơn về hiện vật, bối cảnh ra đời, hình thành và những câu chuyện về di sản hoặc phong tục tập quán gắn với hiện vật.
Kỹ năng phân tích: Học sinh được giới thiệu để có thể phân tích các hiện vật giúp họ hiểu về các yếu tố lịch sử, khoa học, nghệ thuật hoặc văn hóa đằng sau chúng. Điều này giúp phát triển khả năng suy luận, tư duy logic và phản biện về vấn đề mà học sinh quan tâm.
     Kỹ năng ghi chép và xây dựng kiến thức: Thông qua việc quan sát và nghiên cứu hiện vật, Bảo tàng Hùng Vương luôn khuyến khích học sinh có thể ghi chép để xây dựng kiến thức và ghi nhớ tri thức một cách cụ thể, lâu dài. Điều này giúp học sinh cải thiện khả năng ghi nhớ và ghi chú của mình.
     Tham quan và nghe thuyết minh và tổng hợp ghi chép về 5 chủ đề trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương, học sinh sẽ tạo dựng được cơ bản khối kiến thức về sinh thái bản địa của Phú Thọ, về lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng nhân dân Phú Thọ từ thời tiền sử đến nay, về những nét văn hóa đặc trưng mà cha ông đã tạo dựng, về những giá trị truyền thống mà những thế hệ đi trước đã trao truyền.
      Kỹ năng xã hội: Thăm quan Bảo tàng Hùng Vương cũng là cơ hội, là dịp để học sinh giao tiếp và tương tác với những người khác. Bằng việc tổ chức những cuộc thi tìm hiểu nhỏ, chúng tôi khuyến khích học sinh có thể thảo luận với bạn bè, giáo viên hoặc nhân viên bảo tàng để chia sẻ ý kiến ​​và trao đổi thông tin. Hoạt động giao tiếp này giúp gắn kết và tăng khả năng tương tác xã hội cho học sinh.
Kỹ năng xã hội là một trong những kỹ năng quan trọng mà tất cả học sinh cần phải trải nghiệm và rèn luyện. Khi đưa ra yêu cầu tìm hiểu về hiện vật đồng, học sinh có cơ hội cùng trao đổi, tiếp thu tri thức vật lý về kỹ thuật chế tác, kỹ thuật dùng nhiệt để tạo hình, hay tri thức về hóa học qua các phân tử đồng tiếp xúc với không khí và bị oxi hóa theo thời gian. Các hiện vật thời kỳ chiến tranh giúp học sinh có những trao đổi thảo luận về sự sống và sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt… tất cả đều tạo ra những tình huống giao tiếp, khi học sinh trải nghiệm giao tiếp, đạt được mục tiêu trong giao tiếp thì sẽ rèn luyện được kỹ năng xã hội của mình.  
     Có thể nói, thăm quan Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu về hiện vật trong bảo tàng giúp học sinh phát triển kỹ năng quan sát, nghiên cứu, phân tích, ghi chép và xây dựng kiến thức, cũng như kỹ năng xã hội. Đây thực sự là một phương pháp học thực tế và tương tác thực tiễn giúp học sinh khám phá, hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương, rèn luyện tốt hơn các kỹ năng cần thiết để khám phá thế giới xung quanh.
     Thứ hai, là giảng dạy và hướng dẫn: Bảo tàng Hùng Vương có thể tổ chức các buổi giảng dạy và hướng dẫn để giới thiệu và truyền đạt kiến thức về di sản văn hóa. Các khóa học, buổi thuyết trình hoặc các hoạt động tương tác có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn về di sản văn hóa, như lịch sử, truyền thống và giá trị văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Tại Bảo tàng Hùng Vương, việc giảng dạy và hướng dẫn giống như thuyết minh sâu hơn về hiện vật để học sinh và công chúng đạt được mục tiêu cá nhân khi tham quan. Vì thế, khi nghe giảng dạy và hướng dẫn tham quan tại bảo tàng có thể giúp phát triển một số kỹ năng quan trọng, cần thiết cho học sinh trong giao tiếp xã hội, bao gồm:
    Kỹ năng lắng nghe: Khi lắng nghe giảng dạy và hướng dẫn từ các chuyên gia hoặc thuyết minh viên bảo tàng, học sinh được rèn luyện kỹ năng lắng nghe chú ý. Họ học cách tập trung vào những thông tin quan trọng, biết chú ý đến các chi tiết và ngữ cảnh quan trọng. Điều này tốt cho việc xây dựng kiến thức đối với vấn đề, lĩnh vực mà học sinh quan tâm.
     Biết lắng nghe sẽ đem lại sự hiểu biết sâu sắc. Khi biết lắng nghe, học sinh có cơ hội lắng nghe và hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm của người khác. Điều này giúp họ hiểu được bối cảnh của hiện vật vấn đề và tình hình liên quan đến hiện vật/vấn đề một cách toàn diện. Khả năng lắng nghe tạo ra môi trường giao tiếp tích cực và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Người biết lắng nghe thường được người khác tin tưởng và tôn trọng hơn. Bằng cách lắng nghe chân thành, người ta có thể giúp giải quyết xung đột và hiểu rõ hơn về quan điểm và mong muốn của nhau. Hiểu biết và tôn trọng ý kiến của người khác có thể giúp người lắng nghe phát triển kỹ năng giao tiếp, trí tuệ cảm xúc và tạo ra cơ hội hòa nhập xã hội tốt hơn. Bằng cách lắng nghe, người ta có thể làm cho người khác cảm thấy được quan tâm, đồng thời tạo ra tinh thần hài lòng và sự hạnh phúc cho chính bản thân. Tóm lại, kỹ năng lắng nghe có thể giúp người ta tiến xa hơn trong cuộc sống cá nhân, xã hội và nghề nghiệp. Việc tham gia chương trình giảng dạy và hướng dẫn tại Bảo tàng sẽ giúp rèn luyện kỹ năng lắng nghe tốt cho học sinh.
     Kỹ năng đánh giá thông tin: khi phục vụ công chúng, chúng tôi luôn xác định việc hướng dẫn và giảng dạy trong bảo tàng giúp học sinh phát triển khả năng đánh giá thông tin. Họ học cách kiểm tra tính đúng đắn và đáng tin cậy của thông tin, phân biệt giữa sự thật và ý kiến cá nhân. Điều này cũng giúp họ phát triển khả năng suy luận và tư duy phản biện.
    Kỹ năng tương tác xã hội: Cũng giống như với hình thức Trưng bày và giới thiệu, việc học sinh có cơ hội tương tác với các giáo viên, chuyên gia và nhân viên bảo tàng giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kỹ năng giao tiếp, hỏi đáp và chia sẻ quan điểm của họ. Họ cũng học cách tôn trọng ý kiến ​​của người khác và thể hiện ý kiến ​​của mình một cách lịch thiệp và tự tin.
    Kỹ năng tương tác xã hội (kỹ năng giao tiếp) rất cần thiết cho sự trưởng thành, thành đạt trong tương lai của một học sinh. Tham quan tại Bảo tàng Hùng Vương, học sinh cơ bản tìm hiểu tập tục của 5 dân tộc hiện sinh sống thành làng bản, có thực hành và trao truyền di sản văn hóa tại địa phương là Kinh, Mường, Dao, Cao Lan và dân tộc Mông. Trong văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, tất cả các mối quan hệ trong giao tiếp, đối tượng giao tiếp của từng dân tộc đều có quy định lễ nghi cụ thể. Học sinh hiểu rõ và thực hành tốt những lễ nghi này thì sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu giao tiếp trong tương tác xã hội của mình.
    Kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo: Khi được nghe giảng dạy và hướng dẫn chi tiết về các hiện vật và các vấn đề lịch sử, điều này sẽ khuyến khích học sinh nghiên cứu về các chủ đề quan trọng và khám phá các ý tưởng sáng tạo. Họ được khuyến khích tìm hiểu thêm, đặt câu hỏi và tìm ra các phương pháp tiếp cận mới trong việc khám phá và hiểu các hiện vật trong bảo tàng.
   Kỹ năng tư duy phản biện: Thông qua việc nghe giảng dạy và hướng dẫn, học sinh phát triển khả năng tư duy phản biện. Họ học cách suy nghĩ chi tiết và đặt câu hỏi đúng để hiểu sâu hơn về các hiện vật, hiện tượng và sự kết nối giữa chúng để tạo ra sự phát triển của dòng chảy lịch sử.
    Đạt được các kỹ năng trên thông qua việc nghe giảng dạy và hướng dẫn tại bảo tàng giúp ích rất nhiều cho việc phát triển năng lực giao tiếp xã hội của mỗi học sinh. 
    Thứ 3, là tổ chức chương trình giáo dục đặc biệt: Bảo tàng có thể tổ chức các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho các nhóm đối tượng học sinh và công chúng cụ thể. Những chương trình giáo dục đặc biệt này có thể bao gồm hướng dẫn đặc biệt/chuyên đề về lịch sử, truyền thống và văn hóa, hoạt động tương tác và thực hành văn hóa. Điều này giúp cung cấp cho học sinh cũng như các nhóm đối tượng một trải nghiệm học tập thông qua di sản văn hóa.

Nghệ nhân phường Xoan An Thái truyền dạy hát Xoan cho học sinh tại Bảo tàng Hùng Vương (Ảnh: Đức Vũ)

     Tổ chức các chương trình giáo dục đặc biệt có thể giúp phát triển một loạt kỹ năng quan trọng cho học sinh như: việc khuyến khích học sinh biết cách đặt câu hỏi, suy nghĩ sâu sắc và đánh giá các yếu tố khác nhau để hiểu rõ hơn về các kía cạnh của nghệ thuật, lịch sử hoặc văn hóa giúp họ phát triển kỹ năng tư duy phản biện và phân tích giúp; Khi học sinh có nhiều cơ hội tương tác với giáo viên, chuyên gia và nhóm bạn, họ được khuyến khích và truyền cảm hứng diễn đạt ý kiến, tích cực thảo luận và chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề mà chương trình đưa ra, từ đó giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp và thể hiện ý kiến của mình; Chương trình giáo dục đặc biệt/chuyên đề khuyến khích học sinh nghiên cứu và khám phá về chuyên đề đặt ra, họ được hướng dẫn sử dụng các nguồn tài liệu, gợi mở các phương pháp và quy trình tìm hiểu, như vậy giúp họ rèn luyện và phát triển tốt kỹ năng nghiên cứu và khám phá của mình; khi cùng tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, học sinh có cơ hội làm việc nhóm, cùng hợp tác, giao tiếp với những người cùng mục tiêu, học được cách lắng nghe ý kiến khác nhau, hướng đén xây dựng mối quan hệ tốt và làm việc nhóm hiệu quả. Như vậy sẽ giúp phát triển kỹ năng xã hội và hợp tác cho học sinh; các chương trình giáo dục đặc biệt tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận và hiểu biết nhiều hơn về văn hóa đa dạng. Học sinh được khuyến khích, được học cách tôn trọng và đánh giá cao các giá trị, quan điểm khác nhau, từ đó phát triển sự nhạy bén đối với sự đa dạng và sự khác biệt văn hóa. Sự tiếp cận này giúp rèn cho học sinh kỹ năng về tiếp cận văn hóa đa dạng. Kỹ năng này rất cần thiết cho sự hội nhập quốc tế của học sinh.
Chương trình giáo dục đặc biệt tại bảo tàng sẽ giúp học sinh có hiểu biết sâu rộng, phát triển những kỹ năng quan trọng để phát huy năng lực học tập và phát triển nhân cách của bản thân.
     Thứ tư, là tổ chức sự kiện và hoạt động ngoại khóa: Bảo tàng Hùng Vương có thể tổ chức các sự kiện và hoạt động ngoại khóa liên quan đến di sản văn hóa. Điều này có thể là buổi triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, workshop làm nghề truyền thống, lễ hội truyền thống hoặc các hoạt động thể thao cổ truyền. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh tham quan trải nghiệm di sản văn hóa một cách trực tiếp mà còn tạo ra một môi trường giao lưu và học hỏi tương tác tích cực.
     Hoạt động ngoại khóa có thể giúp học sinh phát triển các kỹ năng: kỹ năng quan sát, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng ghi chép và xây dựng kiến thức, kỹ năng xã hội và hợp tác, kỹ năng đánh giá và thể hiện quan điểm cá nhân. Những kỹ năng này giúp học sinh khám phá và hiểu biết sâu rộng hơn về thế giới xung quanh.
     Nhận thức về vai trò quan trọng của mình trong giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, Bảo tàng Hùng Vương luôn tích cực trong các hoạt động tạo liên kết giữa học sinh và bảo tàng, tổ chức các trưng bày chuyên đề gắn với giáo dục truyền thống qua di sản nhằm xây dựng môi trường học tập thuận lợi, vừa giúp học sinh tiếp cận đa văn hóa trong hội nhập, vừa rèn luyện các kỹ năng quan trọng cho sự phát triển năng lực của học sinh tỉnh Phú Thọ nói riêng và công chúng của bảo tàng nói chung.

Nguyễn Thị Xuân Ngàn
PGĐ Bảo tàng Hùng Vương

Tài liệu tham khảo:
https://www.unesco.org/en
https://bangkok.unesco.org/content/bringing-living-heritage-classroom-asia-pacific-resource-kit
https://www.facebook.com/share/p/US2xw8d1s2R7F21Z/?mibextid=I6gGtw

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com