Thứ 5 | 04/04/2019
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), báu vật nhân văn sống là những người có kiến thức và kỹ thuật ở cấp độ rất cao cần thiết cho việc biểu diễn hay sáng tạo các yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể mà các quốc gia thành viên đã lựa chọn như một bằng chứng cho truyền thống văn hóa sống của mình và cho tinh thần sáng tạo của các nhóm, các cộng đồng và các cá nhân hiện diện trên đất nước mình.
“Báu vật nhân văn sống” là danh hiệu cao quý mà một số quốc gia trên thế giới trao tặng cho những người có tài năng, công lao trong việc thực hành, trao truyền di sản văn hóa và họ được coi như báu vật nhân văn sống của quốc gia. Lịch sử của danh hiệu này bắt đầu từ năm 1950, khi chính phủ Nhật Bản đã chỉ định một số cá nhân hoặc một nhóm người thực hành di sản văn hóa phi vật thể là báu vật nhân văn sống. Tiếp theo, nhiều quốc gia khác cũng đã có những hình thức tôn vinh, danh xưng cho các báu vật nhân văn sống, như Pháp, Romania, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia…; như: Pháp là bậc thầy thuật, Hàn Quốc là báu vật nhân văn sống…
 

Đồng chí Bùi Minh Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương
cho 15 “Nghệ nhân ưu tú” tại Lễ trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú , năm 2015
 
Việt Nam là quốc gia có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Đến nay (2019), chúng ta đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ở hai Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và di sản văn hóa phi vật thể đại diện; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc là hàng ngàn nghệ nhân - Chủ thể di sản văn hóa đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản. Các nghệ nhân giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, vốn quý di sản văn hóa truyền thống. Đảng, Nhà nước luôn trân trọng đóng góp của các nghệ nhân và vai trò quan trọng của họ trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Ngày 25/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”. Sau đó, ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đây là những văn bản có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ báu vật nhân văn sống ở nước ta; là động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến, “truyền lửa, tiếp sức” nuôi dưỡng tình yêu di sản. Gần đây, ngày 27/7/2018, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ “… Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ là báu vật sống của quốc gia”. Qua hai lần xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vào các năm 2015, 2016, cả nước đã có 62 Nghệ nhân nhân dân và  1.173 Nghệ nhân ưu tú. Đồng thời, hàng nghìn Nghệ nhân dân gian đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh trên khắp mọi miền đất nước.
Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc mang đậm sắc thái cội nguồn dân tộc Việt Nam, bao gồm nhiều loại hình, như tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Phú Thọ vinh dự là địa phương duy nhất trong cả nước có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Bảo vệ, tôn vinh nghệ nhân - báu vật nhân văn sống là một trong những nhiệm vụ luôn được Phú Thọ chú trọng trong nhiều năm qua thông qua các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân (như đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức trình diễn, khai thác truyền nghề, tài trợ tài chính để lưu giữ, truyền dạy di sản...). Nhiều chính sách tôn vinh nghệ nhân được thực hiện hiệu quả, thiết thực, đặc biệt đối với các nghệ có tài năng, công lao trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản nhằm tôn vinh công lao những “Báu vật nhân văn sống”, đồng thời, đề cao nhận thức về vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
“Chương trình hành động Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012 - 2015” (số 382/CTr-UBND ngày 13/02/2012) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ công bố, trong đó đã xác định nhiệm vụ “Rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với những nghệ nhân - Báu vật nhân văn sống, những người có tài năng xuất sắc, có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản và những chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện để di sản có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ và những người yêu thích Hát Xoan Phú Thọ”. Ngày 16/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2743/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ. Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2058/QĐ-TTg ngày 07/11/2013, trong đó, một trong ba mục tiêu: “… bảo đảm 100% người có công bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định”. “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2018 - 2023” (số 3481/BVHTTDL-DSVH ngày 06/8/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục xác định “Tiếp tục phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, gìn giữ, trao truyền, thực hành và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ”.
Chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương giai đoạn 2013 - 2020 đã xác định một trong những nội dung cơ bản “ Tổ chức xét khen thưởng và trao tặng các danh hiệu cao quý cho các cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” .
Năm 2015, xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất, Phú Thọ có 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, (17 nghệ nhân Hát Xoan, 2 nghệ nhân Hát Ghẹo). Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ trao tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương cho các Nghệ nhân ưu tú, là sự ghi nhận đối với các cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ. 
 Năm 2019, xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Hai, Phú Thọ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 06 nghệ nhân (06 nghệ nhân Hát Xoan) và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 15 nghệ nhân (07 nghệ nhân Hát Xoan, 03 nghệ nhân Hát Ghẹo, 02 nghệ nhân Trò diễn tứ dân chi nghiệp, 01 nghệ nhân truyện cười Văn Lang, 01 nghệ nhân hát rang, hát ví dân tộc Mường  và 01 nghệ nhân múa trống đu dân tộc Mường). Với 06 Nghệ nhân nhân dân, tỉnh Phú Thọ đứng thứ 2 (sau thành phố Hà Nội có 07 Nghệ nhân nhân dân) trong tổng số 26 tỉnh, thành  phố có nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân..
Danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ đã được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng cho 66 nghệ nhân qua 3 lần xét tặng vào các năm 2012, năm 2015 và 2018; trong đó: 63 nghệ nhân thuộc tỉnh Phú Thọ (60 nghệ nhân thuộc 04 phường Xoan, 03 nghệ nhân thuộc Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca cấp tỉnh), 03 nghệ nhân thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng thời, gần 40 nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa dân gian đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Đây là sự ghi nhận những đóng góp, công lao của những nghệ nhân đã gắn bó cuộc đời với sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị để di sản có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng như ngày hôm nay; cổ vũ tinh thần cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và trao truyền di sản cho các thế hệ; là sự tôn vinh xứng đáng đối với nghệ nhân - “Báu vật nhân văn sống”. Trong hoạch định chiến lược, Phú Thọ đã và sẽ tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy  giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng như việc bảo vệ “Báu vật nhân văn sống” với những chính sách, giải pháp thiết thực. để di sản vùng Đất Tổ có sức sống bền vững trong cộng đồng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Nghệ nhân - Báu vật nhân văn sống là người có công trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều loại hình khác nhau. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, cần phải bảo tồn giá trị di sản văn hóa đó ngay chính trong đời sống cộng đồng. Bởi lẽ, cộng đồng không những là môi trường sản sinh ra các di sản văn hóa phi vật thể mà còn là nơi tốt nhất để giữ gìn, làm giàu và phát huy chúng trong đời sống xã hội. Di sản văn hóa phi vật thể luôn tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của những con người đặc biệt mà chúng ta thường mệnh danh là nghệ nhân - Những báu vật nhân văn sống. Do đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc bảo vệ những báu vật nhân văn sống. Đó là việc xã hội thừa nhận các tài năng dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo điều kiện tốt nhất để họ sống lâu, khỏe mạnh, phát huy được khả năng trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Xin được trích dẫn lại phát biểu kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”: “… di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được... Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia”./.
                                             
                      Phú Thọ, tháng 4 năm 2019
Lê Thoa
                                                                          TP.QL Di sản văn hóa - Sở VHTTDL
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com