Thứ 5 | 02/11/2017
Sau hơn một năm triển khai, mô hình lập 17 chốt gác tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ ở tỉnh Phú Thọ đã phát huy hiệu quả. Từ tháng 5/2016 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt.
 

Cô Tâm thực hiện đảm bảo ATGT tại chốt gác mỗi khi có tàu chạy qua
 
Mọi người đi qua khu 7, xã Lệnh Khanh (huyện Hạ Hòa) đều bắt gặp hình ảnh quen thuộc một người phụ nữ đeo băng đỏ, tay cầm gậy, miệng thổi còi liên hồi yêu cầu các phương tiện tham gia giao thông dừng lại mỗi khi có tàu sắp qua. Người phụ nó chính là cô Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1964), người làm công tác trực gác tại đường ngang dân sinh thuộc lý trình Km 138+590 thuộc địa bàn xã Lệnh Khanh. Chốt gác của cô Tâm là 1 trong số 17 chốt gác được tỉnh Phú Thọ duy trì từ tháng 5/2016 nhằm đảm bảo ATGT tại các tuyến đường ngang dân sinh có mật độ người tham gia giao thông lớn.
 Tôi gặp cô Tâm vào một ngày se lạnh, cái lán nhỏ đơn sơ không đủ che nắng, che mưa nhưng không vì thế mà làm giảm sút đi niềm say mê của cô với công việc. Cô tâm sự: “Tôi làm công việc này được hơn một năm rồi. Lúc đầu làm nhiệm vụ cảnh giới, tôi cũng thấy nản vì làm việc đêm hôm với cái lán tạm chẳng đủ sức che mưa nắng, giá rét. Thế nhưng với mong muốn để những người dân qua lại trên đoạn đường này bớt nguy cơ tai nạn nên tôi luôn cố gắng. Khi mới làm công việc này cũng có nhiều người không mấy thiện cảm khi bị yêu cầu dừng phương tiện. Nhưng sau một thời gian thì người đi đường cũng đã quen và chấp hành nghiêm chỉnh khi tôi yêu cầu dừng phương tiện. Tôi đã quen và cũng thấy yêu thích công việc này hơn. Hồi trước khi chưa duy trì chốt gác này thì tình hình ATGT tại đoạn đường này rất phức tạp, đã có người chết vì tai nạn giao thông đường sắt. Nhưng từ ngày có chốt gác này, ở đây không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nào”.
Tại chốt trực của cô Tâm có 3 người luân phiên cảnh giới 24/24 giờ. Đây là tuyến đường dẫn vào khu dân cư, lại có 2 trường THPT ở phía trong đường ngang nên lượng người và phương tiện qua lại rất đông, đặc biệt là vào giờ tan tầm. Để thuận tiện cho công việc, cô Tâm cùng những người chực chốt gác đã tự góp kinh phí để trang bị thêm chuông để cảnh báo khi có tàu chạy qua. Theo đánh giá của những người dân sinh sống quanh khu vực này thì từ khi có người trực gác tại đây, tình hình giao thông đã được đảm bảo hơn, người dân đã có ý thức chấp hành qui định về đảm bảo ATGT hơn mỗi khi có tàu chạy qua.
 Cũng như cô Tâm, anh Đinh Việt Kiên trú tại tổ 5, phố Gát, phường Tiên Cát, (Thành phố Việt Trì), trực chốt gác tại Km 75+212 phường Tiên Cát cho biết: “Đây là điểm giao cắt luôn có nhiều người qua lại, đặc biệt là người dân buôn bán nhỏ. Ở đây có bến đò Chiểu Dương để sang huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội nên người dân thường đi từ rất sớm. Đây là thời điểm họ thường rất chủ quan không quan sát tàu hỏa khi băng qua đường sắt; mặt khác với tâm lý vội vàng nên họ thường tranh thủ cố vượt khi có tàu sắp qua. Đây là điều hết sức nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, từ ngày chốt gác đi vào hoạt động, ý thức người dân đã được cải thiện rõ rệt, tình hình giao thông tại điểm giao cắt này đã được đảm bảo”.
Thực hiện công tác đảm bảo ATGT đường sắt, tỉnh Phú Thọ đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc thực hiện Quy chế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải. Theo đó từ năm 2013 đến nay, Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú đã tổ chức rào thu hẹp những lối đi dân sinh lớn hơn 3m, ký biên bản phân khai trách nhiệm giữa đường sắt và địa phương trong việc đảm bảo ATGT đường sắt; cắm đầy đủ biển báo hiệu theo qui định đối với đường ngang có phòng vệ, đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cắm đầy đủ biển chú ý tàu hỏa tại 92 vị trí lối đi dân sinh trái phép cắt qua đường sắt;...
 Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã triển khai sâu rộng quy chế phối hợp tới các đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức tuân thủ các qui định của pháp luật về trật tự ATGT đường sắt cho người dân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Tháng 5/2016, tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt, thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Mỗi vị trí chốt gác bố trí 3 người cảnh giới, thay nhau trực 24/24 giờ. Mỗi người tham gia chốt gác được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Sau hơn một năm thực hiện, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, tại các chốt gác đã triển khai có người gác chắn đều không để xảy ra sự cố nào. Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 5 người thì năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 chỉ xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Từ phân tích tình hình ATGT đường sắt trong những năm qua, năm 2016, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương có đường sắt chạy qua và các đơn vị quản lý đường sắt triển khai tổ chức thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Ban ATGT tỉnh đã rất cố gắng để duy trì kinh phí hỗ trợ cho mỗi người trực gác với mức kinh phí 1,5 triệu đồng/người/tháng và các trang bị khác như quần áo, mũ, còi gậy,… Sau hơn một năm thực hiện duy trì các chốt gác đường sắt, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh đã giảm một cách rõ rệt. Từ đó đã góp phần cho công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực”.
Nguồn: phutho.gov.vn
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com