Thứ 3 | 01/12/2015
Ngày 23/11/2015, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) do Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì tổ chức với sự phối hợp của UBND TP. HCM; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); các bộ, ngành liên quan và các địa phương thuộc phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Tây Bắc.
Chủ trì hội nghị do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ chính trị - Phó thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP. HCM; về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng Vương Duy Biên cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh vùng Tây Bắc; 50 doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn TP. HCM; các nhà đầu tư trong và ngoài nước; các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
 

Toàn cảnh hội nghị.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hội nghị đầu tiên về xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Tây Bắc tại TP. HCM, thể hiện khát vọng mang những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc đến với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại TP. HCM; đồng thời thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của TP. HCM với Tây Bắc, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng khẳng định, hội nghị là cơ hội để giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách ưu đãi, các dự án trọng điểm thu hút đầu tư phát triển du lịch tại các địa phương vùng Tây Bắc với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. HCM. Hội nghị cũng là diễn đàn để TP. HCM, các địa phương, các tổ chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý hoạt động du lịch gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch vào vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh trong vùng Tây Bắc xây dựng chiến lược thị trường và truyền thông ở từng địa phương nhằm phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc; đồng thời đề nghị TP. HCM quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đưa khách du lịch đến vùng Tây Bắc.


Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị - Phó thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc
thăm các gian trưng bày của 14 tỉnh Tây Bắc tại hội nghị.

 
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP. HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, giáo dục, khoa học quan trọng, đồng thời là đầu mối giao lưu và hội nhập của cả nước. Với lợi thế và tiềm năng phong phú, trong nhiều năm qua, du lịch luôn được TP. HCM xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Năm 2015, lượng khách nội địa đến TP. HCM ước đạt 19,3 triệu lượt (tăng 13% so với năm 2014), khách quốc tế ước đạt 4,7 triệu lượt (tăng 7% so với năm 2014, chiếm hơn 55% lượng khách quốc tế đến cả nước); tổng thu từ du lịch ước đạt 94 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2014, chiếm 37% tổng thu du lịch của cả nước). Để đạt được kết quả trên, TP. HCM đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến việc tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước. Đến nay, TP. HCM đã thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch song phương và đa phương với 23 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 4 tỉnh vùng Tây Bắc là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ và Hà Giang.
Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng khẳng định, Tây Bắc là một trong những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của cả nước, có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng. Việc liên kết phát triển giữa các địa phương vùng Tây Bắc trong thời gian vừa qua đã mở ra cho vùng nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, thể hiện nỗ lực phấn đấu đưa vùng Tây Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong khi đó, TP. HCM là một trong những địa bàn cung ứng khách du lịch lớn nhất cả nước. Đây là nền tảng quan trọng để liên kết phát triển du lịch giữa TP. HCM với các địa phương, trong đó có vùng Tây Bắc.
Trong báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã định hướng hội nghị tập trung vào một số giải pháp nhằm đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Một trong những giải pháp chiến lược đó là cần có cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc, trong đó ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 12 khu du lịch quốc gia, 4 điểm du lịch quốc gia và 1 đô thị du lịch đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đến, vùng Tây Bắc cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, đầu tư nâng cấp hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường không kết nối các khu, điểm du lịch quốc gia; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú, dịch vụ đặc trưng của vùng; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sự tham gia của người dân địa phương vào các hoạt động du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển mô hình du lịch trang trại gắn liền với du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch làng nghề truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để phát triển du lịch. Đặc biệt, vùng Tây Bắc cần tập trung quảng bá tiềm năng du lịch đến thị trường khách du lịch từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam thông qua các hình thức như: thông tin hình ảnh về các điểm đến, dịch vụ du lịch, nhấn mạnh vào cảnh quan hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc; tổ chức cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu thực tế...
Năm 2014, toàn vùng Tây Bắc đón được 8,7 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, chỉ chiếm dưới 10% trong cơ cấu khách du lịch cả nước. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, muốn thu hút nhiều khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách, các địa phương vùng Tây Bắc cần có những hoạt động và dịch vụ du lịch mang tính đặc trưng để khách có được những trải nghiệm thú vị nhất khi đến đây. Để làm được điều này, Tây Bắc cần quan tâm đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù riêng có, làm nổi bật các giá trị vùng miền độc đáo, khác biệt của vùng.
Chiếm hơn 33% diện tích, gần 12% dân số cả nước với trên 2.574km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Tây Bắc là vùng núi cao nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Tây Bắc nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú với cảnh quan núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát  mẻ, hệ sinh thái đa dạng. Đây còn là nơi tập trung sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với đời sống văn hóa, phong tục, tập quán giàu bản sắc, nổi tiếng với các điệu mùa xòe, múa sạp, múa khèn, hát then, đàn tính...; các sản phẩm thủ công tinh tế, đẹp mắt; những phiên chợ vùng cao đa sắc màu; các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, hình ảnh Tây Bắc còn gắn liền với những trang sử hào hùng trong quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước, trở thành những giá trị cội rễ, bất diệt, linh thiêng của dân tộc. Tất cả những tiềm năng đó cùng với vị trí thông thương qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung và Việt - Lào trở thành thế mạnh và điều kiện thuận lợi để vùng Tây Bắc đầu tư phát triển du lịch.
Tỉnh Phú Thọ tham dự Hội nghị do đồng chí Bùi Văn Quang - Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn; Tại hội nghị tỉnh Phú Thọ đã giới thiệu, quảng bá những nét đặc trưng của văn hóa, du lịch và con người tỉnh Phú Thọ một điểm đến hai di sản như “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan” đã được UNESSCO công nhận là di sản thế giới; tài nguyên suối khoáng nóng Thanh Thủy; Vườn Quốc gia Xuân Sơn; đầm Ao Châu – Hạ Hòa; các sản phẩm du lịch đặc trưng  vùng đất tổ Phú Thọ; các dự án đầu tư du lịch mà tỉnh kêu gọi đầu tư; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, sản vật đặc trưng của Phú Thọ như: chè Phú Thọ, bưởi Đoan Hùng, gạo đặc sản chất lượng cao J02… thông qua các tài liệu, ấn phẩm và trình chiếu DVD bằng hình ảnh tại hội nghị và các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại gian trưng bày mà ban tổ chức bố trí cho 14 tỉnh vùng Tây Bắc. Thông qua hội nghị hình ảnh về du lịch Phú Thọ đã được các nhà đầu tư; doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao.
 

Đồng chí Bùi Văn Quang - Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tham gia tọa đàm tại hội nghị.
                                     


 
Đoàn cán bộ, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tham dự hội nghị.
 
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, những năm qua, tỉnh Phú Thọ nói riêng và các địa phương vùng Tây Bắc nói chung đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch như: miễn hoặc giảm tiền thuê đất xây dựng; hỗ trợ và tư vấn các thủ tục pháp lý cần thiết cho nhà đầu tư; hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, điện nước, thông tin liên lạc tại các điểm du lịch; hỗ trợ vay vốn đầu tư du lịch và đào tạo nghề… 

Nguyễn Đắc Hùng - TTXTDL
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com