Thứ 5 | 20/02/2020
Lễ Chào cờ trên đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.(Nguồn Tạp chí cộng sản)
 
PTĐT- Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là một trong những quan điểm quan trọng của Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng.
 
Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và trên cơ sở đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36).

Nghị quyết 36 tiếp tục khẳng định giá trị cốt lõi đã xác định trong Nghị quyết 09-NQ/TW và có những bổ sung, phát triển mới với phương hướng chung là: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”. Theo đó, Nghị quyết đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò, vị trí của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu: Phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhận thức về không gian biển cũng được mở rộng, không chỉ gồm biển, đảo mà còn cả các tỉnh ven biển. Nghị quyết nhấn mạnh đến phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển,... phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước...

Về quốc phòng, an ninh, Nghị quyết xác định: Tiếp tục ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Không quân; nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Dân quân tự vệ biển,... bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển. Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, đảo. Nâng cao năng lực ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá. Kiên trì xây dựng, duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả. Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, tranh thủ tối tối đa các nguồn lực để nâng cao năng lực quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Nghị quyết 36 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên hướng biển. Đây cũng là một trong số ít Nghị quyết có tầm định hướng dài hạn (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Cùng với định hướng về phát triển bền vững kinh tế biển, Nghị quyết nêu rõ phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên hướng biển. Điều đó cho thấy quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta về phát triển kinh tế biển phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng an ninh. Để quán triệt và thực hiện tốt quan điểm đó cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng chính phủ, cấp ủy đảng các bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương ven biển phải ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm; trong đó, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và định hướng chiến lược của Nghị quyết 36; xác định rõ nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên, có lộ trình và phân công cụ thể. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển có liên quan; xây dựng cơ chế điều phối liên ngành trong quản lý Nhà nước về biển, đảo; hoàn thiện đồng bộ các văn bản dưới luật, cơ chế chính sách phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với tình hình và điều kiện của mỗi địa phương. Xuất phát từ vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo, quá trình thực hiện cần quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhất quán phương châm chỉ đạo; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Các ngành, địa phương rà soát, giám sát, thẩm định kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới gắn với quy hoạch quốc phòng ở khu vực ven biển, đảo; kiên quyết không chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, phát triển kinh tế bằng mọi giá. Đặc biệt, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước ta, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện.

Tàu cá của ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào bờ sau chuyến đánh bắt trên biển.
(Nguồn trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Khánh Hòa)
 
Hai là, kết hợp phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững kinh tế  biển trong mọi tình huống. Vì vậy, đối với  các đơn vị hoạt động kinh tế biển phải có trách nhiệm cao trong việc tham gia gìn giữ an ninh trật tự, an toàn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quá trình thực hiện phải bảo đảm ở cả 3 cấp độ: Chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định hoạt động trên biển; Xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể trong việc phối hợp với lực lượng vũ trang và các lực lượng khác trên biển; Tích cực, chủ động tham gia cùng lực lượng chức năng xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh trên biển. Đối với các lực lượng chấp pháp trên biển, không chỉ nắm chắc các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và quốc tế về biển, mà còn phải thể hiện rõ trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng hoạt động trên biển chủ động, tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo và tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai...

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo  của Tổ quốc. Sức mạnh trên biển là sức mạnh tổng hợp của đất nước, tập trung trước hết ở một số lực lượng hoạt động thường xuyên trên biển, đảo. Vì thế, cùng với xây dựng lực lượng vũ trang “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại’’, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về hiện đại hóa lực lượng Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển,... để hoàn thành tốt chức năng làm nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo đảm an ninh, an toàn biển, đảo. Trong đó, chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật và khả năng bảo vệ chủ quyền, các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước; nâng cao trình độ hoạt động cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế trên các khu vực biển, đảo. Trong quá trình hoạt động, các lực lượng chấp pháp trên biển phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau trong mọi tình huống; đồng thời, thường xuyên phối hợp với các lực lượng hoạt động kinh tế.

Bốn là, tập trung xây dựng, điều chỉnh thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đảo kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Thế trận quốc phòng, an ninh trên biển được gắn chặt với thế trận quốc phòng, an ninh của cả nước - “bờ mạnh, đảo vững”. Vì thế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trên biển, đảo thực chất là hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng vùng chiến lược quốc phòng với phát triển vùng kinh tế chiến lược, nhằm tạo ra và tăng cường thế bố trí chiến lược mới cả về kinh tế và quốc phòng trên các vùng biển, đảo theo ý đồ phòng thủ chiến lược. Trước mắt, cần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm kinh tế ở các vùng biển và ven biển, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ven biển trên các vùng, miền của cả nước. Tăng cường huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ; xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ở các vùng biển xa bờ và hoạt động viễn dương. Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trong các ngành kinh tế biển; tập trung nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh, làm tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng quốc phòng tại chỗ, trong các cơ sở kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương dân sự hóa trên đảo có đủ điều kiện sinh sống gắn với tổ chức sản xuất và khai thác biển; có chính sách đặc biệt để khuyến khích nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển, đảo. Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở khu vực ven biển và một số vùng biển, đảo, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Năm là, chủ động, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển. Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng, cần mở rộng, tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược; các nước có tiềm lực về biển, có chung lợi ích,... trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi. Phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy ký Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển; đồng thời, giải quyết, xử lý kịp thời các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tăng cường tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương. Phối hợp thực hiện tốt thỏa thuận tuần tra liên hợp, luyện tập trên biển nhằm tăng cường kinh nghiệm, nâng cao năng lực đối phó với các thách thức an ninh trên biển.

Nghị quyết 36 phản ánh những nhận thức mới, sâu sắc, toàn diện của Đảng ta về phát triển bền vững kinh tế biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh trên hướng biển là nội dung quan trọng, thiết thực đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dẫn nguồn: baophutho.vn
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com