Thứ 5 | 08/12/2022
PhuthoPortal - Chiều ngày 7/12/2022, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Năm, các đại biểu HĐND tỉnh chia 5 tổ thảo luận, đóng góp 30 ý kiến vào các báo cáo, tờ trình trình tại Kỳ họp. Phiên thảo luận tại tổ đã trở thành diễn đàn tích cực để các đại biểu đóng góp ý kiến tâm huyết về các nội dung đưa ra tại Kỳ họp; trong đó có nhiều ý kiến thiết thực về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các giải pháp trọng tâm năm 2023.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu phát biểu chỉ đạo phiên thảo luận tại Tổ

Tại các tổ thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với các báo cáo trình tại Kỳ họp và đánh giá điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được trong năm 2022. Trong đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung cao nhất cho công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất, thiếu việc làm; kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ như miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay. Đặc biệt, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin COVID-19…

Đại biểu Hà Đức Quảng - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Phù Ninh khẳng định: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước cao nhất từ trước tới nay; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đi vào thực chất… đã khẳng định công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh nhằm phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 được triển khai kịp thời, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Hà Đức Quảng - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Phù Ninh tham gia ý kiến về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến về việc một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trọng điểm chậm tiến độ; việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của hệ thống ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã còn khó khăn khăn, vướng mắc; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương thực hiện chậm, vướng mắc của một số dự án còn kéo dài,... Bên cạnh đó, công tác quản lý chấp hành pháp luật về đất đai có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, chưa kiên quyết, nhiều địa phương có tình trạng người dân lấn chiếm đất hoặc chuyển mục đích và sử dụng đất trái phép; tình trạng di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp…

Thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các đại biểu HĐND tỉnh đồng tình với các nhóm giải pháp được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh. Nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; có các biện pháp quyết liệt để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Các đại biểu đề nghị tỉnh cần đánh giá rõ hơn kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; làm rõ nguyên nhân mức giải ngân thấp hơn so với kế hoạch đề ra, có giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; đồng thời quan tâm hơn nữa đến các địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là đối với việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ các hộ dân được dùng nước sạch tập trung, nhà văn hóa đạt chuẩn…

Đại biểu Trần Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Việt Trì đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần triển khai đồng bộ các biện pháp, nắm chắc tình hình cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh mới; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích, nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự đồng thuận triển khai các dự án trọng điểm; đôn đốc việc bố trí sắp xếp cán bộ cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập. Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh.

Đại biểu Trần Quang Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Xây dựng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thị xã Phú Thọ tham gia ý kiến về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt

Cũng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu phản ánh hiện nay toàn tỉnh còn 218km đường tỉnh đã được đầu tư hơn 10 năm hiện đã xuống cấp, các tuyến đê kết hợp giao thông bị sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn giao thông của người dân, đề nghị tỉnh có biện pháp khắc phục, nâng cấp. Bên cạnh đó, tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng có phương án giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản từ năm 2014 trở về trước. Tăng cường công tác quản lý để ổn định thị trường xăng dầu, giá cả các mặt hàng; có giải pháp quyết liệt để chống thất thu thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân đối với lao động nước ngoài, kinh doanh bất động sản, thuế và phí môi trường, cho thuê bến bãi…

Đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường, các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời tăng cường quản lý đất đai, nhất là đất bãi ven sông; có giải pháp để tạo quỹ đất sạch thúc đẩy thu hút đầu tư.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều đại biểu cho biết: Do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều năm không tuyển dụng nên số lượng giáo viên hiện nay thiếu; toàn tỉnh hiện còn 2.600 giáo viên hợp đồng, chủ yếu là giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên hợp đồng còn hạn chế, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều và áp lực. Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét tuyển dụng giáo viên và có cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước và đảm bảo đời sống cho giáo viên.  

Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử; xử lý dứt điểm việc nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp; giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc do tình trạng các doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động; quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động Trạm Y tế cấp xã…

Đại biểu Nguyễn Kim Chi - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Thanh Ba tham gia ý kiến về việc nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở khu dân cư

Cho ý kiến đối với các nội dung chuyên đề trình tại Kỳ họp, các đại biểu đồng tình với việc thông qua các Nghị quyết trình tại Kỳ họp. Trong đó, việc thông qua Nghị quyết giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để đảm bảo bù đắp chi phí, giảm phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (giai đoạn 2021 - 2025) là cần thiết. Bởi hiện nay, môi trường đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý kịp thời; mức thu đối với dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn còn thấp, không đủ chi phí bảo đảm việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác và đề nghị xem xét tăng mức thu để bảo đảm việc chi trả thù lao cho công nhân thu gom rác và các hoạt động phục vụ thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh. Đối với Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao làm việc tại tỉnh Phú Thọ, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện trong tuyển dụng và đào tạo.

Kết luận phiên thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu đề nghị Tổ thư ký tổng hợp các ý kiến, nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm để đề nghị các cơ quan chuẩn bị giải trình, chất vấn trong ngày mai (8/12/2022).

Hương Giang - Lệ Thủy
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com