Thứ 5 | 16/10/2014
Thành phố Việt Trì hôm nay- Kinh đô cổ của quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước nằm trên một vùng rộng lớn từ ngã Ba Hạc- Nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn Hồng- Lô- Đà đến chân núi Nghĩa Lĩnh ( Núi Hùng- Núi Cả). Từ các xã ở tả ngạn sông Lô như Hùng Lô, Phượng Lâu, Trưng Vương đến các xã Thanh Đình, Chu Hoá ( Lâm Thao) đều nằm trong phạm vi của kinh đô xưa của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Đây là một vùng đất địa linh có hình thế “ Sơn chầu thuỷ tụ; sơn thuỷ hữu tình” tả có dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa và sừng sững ngọn Ba Vì hùng vĩ; hữu có dòng sông Lô nước xanh trong lững lờ trôi xuôi và xa xa là ngọn Tam Đảo án ngữ. Thật là một vùng đất có sông, có núi có tụ thuỷ ở phía trước mặt, thế núi dựa ở hai bên. Phía sau lưng là ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh, nhìn về vùng đồng bằng rộng lớn , có xu hướng tiến xa, mở rộng bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau.
Có thể nói, nơi đây là một vùng đất dựng đô rất phù hợp trong buổi đầu bình minh dựng nước của lịch sử dân tộc, là địa bàn rất thuận lợi cho việc " Tiến khả dĩ thủ", thuận lợi cho việc phát triển nghề nông, giao lưu kinh tế, văn hoá và xây dựng, phòng thủ đất nước.
Trên mảnh đất này đã hội tụ biết bao dấu tích vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình định đô dựng nước Văn Lang để khai sinh, phát triển đất nước mà các vua Hùng là những người có công khai quốc.

Lễ hội Đền Hùng

Để tìm hiểu, nghiên cứu nội dung trên, chúng ta có thể nghiên cứu, tìm hiểu các nguồn sử liệu sau đây để minh chứng rằng Việt Trì thuộc địa bàn của Kinh Đô Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước:
 
1- Qua các nguồn tư liệu thư tịch cổ:
 
Các nguồn tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam hiện đang được lưu trữ tại thư viện quốc gia như: Lĩnh Nam trích quái; Toàn thư; Cương Mục; Đại Nam nhất thống chí; Lịch triều hiến chương loại chí; Việt sử lược đều có ghi chép đến thời đại Hùng Vương và kinh đô Văn Lang. Đặc biệt là cuốn Việt sử lược nói khá rõ về thời Hùng Vương: " Đến thời Trang Vương nhà Chu ( năm 696- 682 TrCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệulà nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương".
Ngoài ra còn có nguồn tư liệu khác rất phong phú đó là các Ngọc phả, Thần tích của các di tích Đình, Đền, Miếu hiện còn trên địa bàn Việt Trì đều có ghi chép ít, nhiều về dấu vết kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương.
Các nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc như: Thái bình hoàn vũ ký; Việt kiện thư và Đại Thanh nhất thống chí cũng có ghi chép tư liệu về kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương trên địa bàn thành phố Việt Trì hôm nay.
 
2- Qua các di chỉ khảo cổ và các hiện vật khảo cổ hoc:
 
Trên địa bàn thành phố Việt Trì còn ghi dấu rất đậm nét dấu tích văn hoá thời kỳ tiền Hùng Vương, đó là nền văn hoá Phùng Nguyên gồm có 7 địa điểm như: Đồi Giàm xã Trưng Vương; Gò Ghệ, gò Dạ (lớp dưới) , Gò Mồng, Gò Thờ, Gò Sạnh thuộc xã Thanh Đình; Gò Đồng Sấu thuộc xã Thuỵ Vân.
Các địa điểm di tích khảo cổ thuộc nền văn hoá Gò Mun trên địa bàn thành phố Việt Trì là 9 địa điểm, đó là: Gò Mã Lao ( lớp dưới), phường Minh Nông; Gò Ghệ, gò Dạ ( lớp trên) thuộc xã Thanh Đình; Bãi Dưới, gò Con Cá, gò Gai, gò Tro Trên, gò Tro Dưới, gò Thế thuộc địa bàn xã Thuỵ Vân.
Dấu tích của văn hoá Đồng Đậu được phát hiện 1 dịa điểm ở Gò Mã Lao (lớp giữa) thuộc phường Minh Nông.
Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Việt Trì đã phát hiện 7 di tích khảo cổ thuộc nền văn hoá Đông Sơn tương ứng với thời kỳ phát triển cực thịnh của thời kỳ Hùng Vương dựng nước có niên đại từ thế kỷ VII ( Tr CN) đến thế kỷ I, II ( SCN). Đó là các di tích: Di chỉ Gò Tôm thuộc xóm Phú Thịnh phường Minh Phương; Gò Mã Lao ( lớp trên); di chỉ Gò Hào thôn Quất Thượng xã Trưng Vương; di chỉ thuộc thôn Nỗ Lực xã Thuỵ Vân; di chỉ Thậm Thình, phường Vân Phú; xã Hy Cương ( phát hiện trống đồng Đông Sơn); Gò De xã Thanh Đình. Đặc biệt là 2 di chỉ khảo cổ học nổi tiếng tại Làng Cả thuộc phường Thọ Sơn và Gò De xã Thanh Đình là hai trong nhiều di chỉ khảo cổ nổi tiếng của văn hoá Đông Sơn chứng minh về dấu vết của kinh đô Văn Lang trên địa bàn Việt trì ngày nay.
Tại di chỉ Làng Cả ( chỉ cách chùa Hoa Long phường Bến Gót khoảng 2 km- Ngôi chùa được nhắc đến trong bản Ngọc phả Hùng Vương hiện đang lưu giữ tại khu DTDBQG Đền Hùng). Đây là di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng năm 2300 năm không những tiêu biểu trên địa bàn Phú Thọ mà còn là di chỉ tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn trên phạm vi cả nước. Tại đây, hiện vật khảo cổ được phát hiện rất phong phú: Hiện vật bằng đồng thau chiếm 85,8 %. Đồ tuỳ táng gồm có rìu, giáo, dao găm, đồ trang sức, trống đồng minh khí. Các đồ dùng sinh hoạt như thạp, thố, âu... Trong đó đặc biệt chú ý bộ khoá thắt lưng bằng đồng đúc hình các con Rùa và hai chiếc Nha chương. Tại di chỉ Gò De đã phát hiện các ngôi mộ cổ thời Hùng Vương, trong đó có chôn theo các đồ tuỳ táng thể hiện sự phân chia giai cấp khá rõ nét. Đặc biệt đã phát hiện nha chương bằng đồng được đúc và gia công rất đẹp chôn theo người chết. Đó là các hiện vật tiêu biểu thể hiện quyền uy của người đứng đầu Bộ Lạc có niên đại cách ngày nay từ 2000 năm đến 2500 năm phản ánh dấu vết của một vùng dân cư đông đúc là cơ sở để khẳng định về xã hội thời Hùng Vương bước đầu đã có sự phân chia giai cấp, người giàu, kẻ nghèo- Người thống trị và kẻ bị trị trong xã hội hình thành mô hình nhà nước mang tính sơ khai và như vậy thì việc hình thành một kinh đô để làm nơi vua ở và cai quản, thống trị một quốc gia mới hình thành như quốc gia Văn Lang là có tư liệu khoa học lịch sử đáng tin cậy.
Như vậy, có thể thấy rằng: Địa bàn thành phố Việt Trì ngày nay là địa bàn sinh tụ từ rất sớm của cư dân người Việt cổ sinh sống qua các giai đoạn văn hoá nối tiếp nhau từ thời kỳ tiền Hùng Vương- văn hoá Phùng Nguyên- văn hoá Đồng Đậu- văn hoá Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn- Đỉnh cao của nền văn minh sông Hồng gắn với thời kỳ phát triển rực rỡ của thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang ( Tổng số 23 địa điểm di tích khảo cổ). Điều đó là căn cứ khoa học vật chất rất quan trọng chứng minh cho nhận định địa bàn thành phố Việt Trì hôm nay chính là địa bàn định đô ( trung tâm) của nước Văn Lang xưa.
Các hiện vật khảo cổ được phát hiện tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn thành phố Việt Trì đã cho ta nhận định khoa học là: Quy mô kiến trúc đô thị thời Hùng Vương mặc dù còn rất khiêm tốn. Nó chưa phải là kinh đô như thời kỳ Phong kiến độc lập tự chủ, có thành quách hoành tráng, nhưng quy mô đô thị đã được định hình thông qua các hiện vật khảo cổ vô cùng phong phú, đa dạng phản ánh sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và các nghề thủ công khác và đặc biệt là đã có sự phân chia giai cấp bị trị và thống trị, người giàu, kẻ nghèo (thị dân) thông qua các hiện vật tuỳ táng không bằng nhau được phát hiện tại di chỉ Làng Cả. Đó là những chứng cứ khoa học để khẳng định địa bàn thành phố Việt Trì chắc chắn nằm trong phạm vi địa bàn kinh đô ( hay ít ra là trung tâm) của quốc gia Văn Lang với người đứng đầu có vai trò thủ lĩnh đó là Vua Hùng.
 
3- Qua các di tích tín ngưỡng, tôn giáo:
 
Thành phố việt trì tổng số di tích xếp hạng: 50 di tích. Trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp đặc biệt quốc gia; di tích quốc gia: 13 di tích. Di tích xếp hạng cấp tỉnh: 36 di tích. Trong đó có 31 di tích là đình, chùa, đền, miếu thờ Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh của các Vua Hùng chiếm 84 % tổng số di tích tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn Việt Trì.
Như vậy, trên địa bàn thành phố Việt Trì là nơi còn bảo tồn được khá nhiều các dấu vết vật chất về tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến thời đại Hùng Vương.  Điều này phản ánh khá rõ nét tính chất kinh đô của bộ Văn Lang nằm trong quốc gia Văn Lang với 15 bộ lạc trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc và thành phố Việt Trì ngày nay nằm trong địa bàn kinh đô đầu tiên ấy của lịch sử dựng nước của các Vua Hùng trên địa bàn Phú Thọ- Đất Tổ Hùng Vương.
 
4- Qua các truyền thuyết dân gian:
 
Ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố Việt Trì hiện nay còn lưu giữ rất nhiều truyền thuyết dân gian được các thế hệ quần chúng nhân dân truyền nhau đến ngày nay có nội dung phản ánh việc Vua Hùng chọn đất đóng đô: “... Vua đi mãi nơi này, nơi khác mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Vua đi đến một vùng, trước mặt có ba con sông hội tụ, hai bên có Tản Viên( Ba Vì)- Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như “Rồng chầu, Hổ phục”... Vua cả mừng và chọn nơi đây làm đất đóng đô”.
Mặt khác, các câu truyện dân gian, các truyền thuyết hiện còn được bảo lưu trên địa bàn Việt Trì đều phản ánh những nét sinh hoạt, cuộc sống và những lễ nghi của cư dân thời Hùng Vương (đã mang tính chất như là thị dân) trên địa bàn kinh đô Văn Lang, đó là các truyền thuyết Vua Hùng dựng Lầu kén rể ở làng Lâu Thượng xã Trưng Vương; lập quân đội và huấn luyện binh mã ở Cẩm Đội xã Thuỵ Vân; Lập đàn Tịch điền và tổ chức Lễ tịch điền để cầu cho mưa thuận, gió hoà cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu và dạy dân cấy lúa ở  Kẻ Nú, làng Minh Nông phường Minh Nông; làng Hương Trầm, làng Dầu- Trầu, phường Dữu lâu tương truyền là nơi dân trồng giống lúa nếp có mùi hương thơm đặc biệt và trồng Trầu không ăn trầu làm lễ vật dâng Vua Hùng và giao thương trao đổi với mọi nơi; làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc liên quan đến truyền thuyết Lang Liêu gói bánh chưng, giã bánh giày dâng vua cha và được vua Hùng truyền ngôi báu; vùng Thanh Đình liên quan đến truyền thuyết vua Hùng đi săn.v.v... Những mảng mầu huyền thoại ấy là tấm gương phản xạ những nét sinh hoạt đã để lại dấu tích của một kinh đô thời kỳ dựng nước Văn Lang do các Vua Hùng khởi nghiệp mà địa bàn thành phố Việt Trì ngày nay nằm trong địa bàn Kinh đô của nước Văn Lang xưa.
Đặc biệt qua 02 di sản văn hoá phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ thuộc xã Kim Đức và xã Phượng Lâu và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ thuộc địa bàn thành phố Việt Trì đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là bằng chứng sinh động, chứng minh về địa bàn cố đô Văn Lang xưa với nét sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo, cổ xưa, với tín ngưỡng đặc sắc của cư dân thời Hùng Vương dựng nước trên vùng quê Đất Tổ.
Quá trình phát triển của thành phố Việt trì là quá trình tiếp nối giữa quá khứ lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước. Việt Trì luôn luôn được xác định là trung tâm của tỉnh Phú Thọ và là thành phố được chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là nơi xây dựng thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCH (1962). Ngày nay với việc Thủ tướng Chính Phủ đã ra các quyết định số 277/2005/ QĐ-TTg ngày 02/11/2005 về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Quyết định số 99/2008/ QĐ- TTg ngày 14/7/2008 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 đạt đô thị loại I và ngày 04/ 5/ 2012 thành phố Việt Trì chính thức được công nhận là đô thị loại I trước thời hạn 3 năm. Đây là những căn cứ pháp lý để khẳng định những căn cứ khoa học về dấu tích của kinh đô Văn Lang xưa đã được các Vua Hùng đặt nền móng từ thuở khai quốc với tên gọi Văn Lang.
Hướng tới một thành phố Lễ hội " Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam" trong tương lai, thiết nghĩ những nguồn tư liệu trên đây rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể hiện còn được bảo tồn trên địa bàn thành phố Việt Trì, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội phục vụ phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội và phục vụ du khách thập phương trong hành trình hành hương về thăm viếng miền đất Cội nguồn của dân tộc Việt Nam./.
 
Đặng Đình Thuận
PCT Hội VNDGPT- TP Nghiệp vụ Văn hoá.
 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com