Thứ 2 | 16/05/2016

 
                                               
1. Đến mỗi vùng đất, ngoài nhu cầu trải nghiệm, thăm thú cảnh quan, du khách thường tìm mua những sản phẩm đặc trưng của địa phương về làm quà tặng kỷ niệm cho người thân, bè bạn. Thế nhưng hiện nay, tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ, các sản phẩm này vẫn vắng bóng hoặc nếu có thì cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần chủ yếu đều có nguồn gốc từ các tỉnh bạn hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc tạo ra những sản phẩm quà tặng lưu niệm, kỷ vật mang dấu ấn và bản sắc văn hoá đặc trưng của vùng Đất Tổ Hùng Vương đang là vấn đề được các ngành, các cấp, nhất là các nhà làm du lịch có trách nhiệm quan tâm. Bởi, làm tốt việc này sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Phú Thọ đến với du khách, mặt khác góp phần tác động thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương.
2. Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch. Tuy nhiên, trong bức tranh du lịch của tỉnh Phú Thọ, thị trường quà tặng lưu niệm vẫn còn đơn điệu; các doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả...
Đồ lưu niệm, quà tặng đặc trưng là một trong những yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách và đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các vùng, miền. Tuy có nhiều lợi thế nhưng Phú Thọ lại chưa hình thành những cơ sở chế tác, dịch vụ chuyên nghiệp đưa sản phẩm du lịch đến tay du khách.
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Thành phố Việt Trì) mỗi năm đón hàng triệu lượt khách, nhưng những thứ du khách mua được làm quà tại đây thường chỉ là những củ từ lông, củ sắn, bảnh chè lam, chè củ mài, chè khô, chiếc bánh chưng, cặp bánh giầy. Nếu khách đến đúng mùa thì may mắn hơn mua được một số nông sản như: măng rừng, rau sắng, dưa chuột hay con gà nhiều cựa... 
Tại các đền, chùa nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, vào dịp lễ hội có không ít hàng quán bày bán các sản phẩm lưu niệm, trông có tính dân tộc và khá bắt mắt. Nhưng hỏi ra nguồn hàng chủ yếu đều có xuất xứ vẫn từ Trung Quốc và các tỉnh khác.
Trong hội thảo về phát triển du lịch Phú Thọ năm 2014, có chuyên gia đề xuất ở Bảo tàng Hùng Vương có thanh “Nha chương”, thuộc văn hoá Phùng Nguyên, dài gần 0,7m; có trống đồng Đền Hùng; Khoá thắt lưng bằng đồng hay Rìu đồng Làng Cả ...thuộc văn hoá Đông Sơn, nên chụp ảnh, in thành tập gấp hoặc phục chế “sao nguyên” trên chất liệu đồng hoặc đá quý để bán tại KDT lịch sử đền Hùng và tại các khu, điểm du lịch. Ngoài ra có thể làm những móc khóa hay tờ tranh bằng chất liệu bảo quản được lâu dài về hình ảnh các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Rừng Xuân Sơn có loài gỗ hương chuyên dùng để chưng cất tinh dầu thơm, nên gieo trồng nhân giống để khai thác sử dụng làm đồ mỹ nghệ, thủ công và quà tặng lưu niệm sẽ vô cùng bắt mắt...
 

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Câm Khê
được giới thiệu, quảng bá
tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2106. 
Ảnh- Quách Sinh.
 
Sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm nhiều yếu tố cấu thành; điều đó đồng nghĩa với việc hoàn chỉnh các sản phẩm lưu niệm cần phải đặc biệt quan tâm tới sức hấp dẫn của sản phẩm ấy. Tạo ra những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn và đặc trưng của vùng văn hoá Đất Tổ Hùng Vương đang là vấn đề được các ngành, các cấp, nhất là các nhà làm du lịch quan tâm. Bởi, làm tốt việc này sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Phú Thọ đến với du khách; mặt khác sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh nhà trong tương lai.
Có thể nói, sản phẩm lưu niệm thiếu vắng một phần còn do các nghệ nhân làng nghề, chủ các cơ sở sản xuất chưa nghiên cứu, đầu tư cho chuyển đổi sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm của nghề truyền thống với những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, nhằm thu hút du khách khi đến với tỉnh nhà. Một phần, các điểm du lịch chưa quan tâm, ưu tiên đến việc xây dựng các quầy bán đồ lưu niệm là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Vì thế, các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn chưa có chỗ đứng tại các điểm du lịch.  
Để có những sản phẩm lưu niệm từ những làng nghề này, cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề, duy trì và truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách du lịch; khuyến khích sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường hoặc sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Giữa các cơ sở sản xuất và đơn vị lữ hành du lịch cần tăng cường liên kết trong khâu giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm. Đầu ra cho sản phẩm cũng cần những chiến lược quảng bá rộng rãi đến tận tay khách du lịch, xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đối với các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu…
Vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch tỉnh ta hiện nay là làm thế nào để tạo ra những sản phẩm quà lưu niệm mang dấu ấn đặc trưng, mang dấu ấn bản sắc văn hoá vùng, miền, có thương hiệu riêng để không chỉ kích thích tiêu dùng, tăng trưởng thương mại mà còn quảng bá và khắc sâu hình ảnh du lịch vùng Đất Tổ Hùng Vương trong lòng du khách.
Khi món quà lưu niệm ai đó trao tặng đến tay bạn bè, người thân, là hình thức gián tiếp chúng ta đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của con người, vùng đất mà họ đã đặt chân đến. Mỗi sản phẩm không chỉ là dấu ấn, khơi gợi trí tò mò của du khách mà còn là mong muốn được đặt chân đến để khám phá, thưởng ngoạn. Đối với ngành du lịch, sản phẩm lưu niệm không chỉ là chút "gia vị" trong hàng loạt sản phẩm du lịch mà còn là thứ để khách "gói mang về" và lưu luyến nhớ về một kỷ niệm. Thứ "gói mang về" đó sẽ góp phần không nhỏ vào việc mời gọi những du khách khác cũng như chính họ đến thăm vùng đất và con người Phú Thọ. Vì vậy sản phẩm phải chứa đựng nét đặc trưng của địa phương - nét văn hóa bản địa, sản phẩm mà du khách không thể mua ở bất cứ nơi đâu. Ngoài ra sản phẩm lưu niệm cũng cần có các yếu tố như tính thẩm mỹ phải đạt một trình độ nhất định, đa dạng kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu, giá cả phù hợp, tinh tế và dễ vận chuyển, dễ đem ra nước ngoài trong quá trình du lịch...Và để trở thành sản phẩm du lịch đích thực, nó phải là những hàng hóa được chế biến, thiết kế gắn với hệ thống tour tuyến, các dịch vụ du lịch đã và đang có tại địa phương.
Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư hạn chế, chưa có doanh nghiệp đủ mạnh, chuyên nghiệp để đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách. Tính thời vụ của các sản phẩm du lịch rất cao, không khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ. Công tác tuyên truyền quảng bá thu hút đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các sản phâm du lịch còn rất khiêm tốn và thiếu hiệu quả.
Cơ quan quản lý nhà nước không thể trực tiếp làm mà cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành ra cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng về mặt bằng, nguồn vốn, kỹ thuật, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời thu hút nguồn lực xã hội, khuyến khích cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư sản phẩm đặc thù theo hướng đa dạng mẫu mã, chủng loại. Cùng đó có thể phát động các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, xây dựng các quầy, trung tâm dịch vụ giới thiệu, cung cấp đồ lưu niệm.
Sản phẩm lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị kinh tế cho ngành du lịch mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh tỉnh nhà trên toàn quốc và ra thế giới. Thiếu những hàng lưu niệm, kỷ vật du lịch đã khiến hình ảnh Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương bớt đi sự hấp dẫn nhất định; dấu ấn đặc trưng của một vùng đất non nước hữu tình, đất địa linh, đất phát tích của dân tộc Việt Nam cũng phần nào trở thành nỗi niềm đau đáu của mỗi người con cùng chung dòng máu Lạc Hồng. 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Lê Doãn Hợp cho rằng: “Từ xưa đến nay, sản phẩm quà tặng thường xoay quanh 3 lĩnh vực tiêu biểu gồm: Cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng; di sản do các thế hệ đi trước tạo dựng và lưu truyền đến đời sau; sản phẩm lao động do khối óc bàn tay con người sáng tạo nên”.
Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần thì “...Quà tặng du lịch là những sản phẩm lắng đọng hồn văn hóa dân tộc, địa phương, vùng miền. Về mặt giao tiếp, quà tặng còn là đại sứ thiện chí chuyển tải những thông điệp nhân văn, giúp bạn bè năm châu hiểu được một phần nào đó về lịch sử và chiều sâu văn hóa hàng ngàn năm của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng”.
Điểm nhấn cũng là thế mạnh của Phú Thọ so với nhiều địa phương khác chính là ưu thế có Đền Hùng, nơi thờ tự Tổ tiên của người Việt. Hầu hết những người quan tâm đến lĩnh vực sản xuất quà lưu niệm đều cho rằng, từ thực tế thị trường quà tặng hiện nay, ngành du lịch Phú Thọ muốn có những mặt hàng lưu niệm đặc trưng, cần xây dựng đề án về quà tặng, trong đó tổ chức khâu tìm ý tưởng, thiết kế mẫu mã, nơi sản xuất, người sản xuất, tổ chức mạng lưới phân phối, nguồn vốn thực hiện…, mới mong có được những món quà ý nghĩa cả cho du lịch và ngoại giao, tạo nguồn thu cho người làm nghề, đồng thời đưa quà lưu niệm thành kỷ vật lưu niệm và là sản phẩm du lịch hỗ trợ tăng giá trị và sức hấp dẫn của chuyến du lịch hành hương viếng thăm vùng Đất Tổ Vua Hùng.
Ở nhiều nước trên thế giới, quà tặng du lịch dù to hay nhỏ, cực kỳ tinh xảo hay đơn giản đều thể hiện được nét đặc trưng nhất của nước đó; ví dụ như ở Paris (Pháp) là tháp Effel; Đan Mạch có nàng tiên cá; Malaysia có tòa tháp đôi; Bỉ là chú Phỗng; Lào là biểu tượng voi gắn vào các vật dụng nhỏ gọn như bộ dao dĩa bằng đồng...
Nhu cầu mua sắm vật phẩm lưu niệm của du khách tại các điểm tham quan tương đối lớn. Tuy nhiên, việc sáng tạo các sản phẩm du lịch đón đầu thị hiếu vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Trong khi đó những sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tiêu biểu, đặc sắc, thể hiện được nét đặc trưng của tỉnh; góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ  với du khách; phục vụ hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế, đối ngoại du lịch của tỉnh hầu như vắng bóng.
Tháng 8 năm 2014, ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đã ký kết hợp tác liên kết tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng kết nối các điểm Đền Tam Giang - Đền Du Yến - Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) với các đền dọc sông Hồng hình thành sản phẩm du lịch mới chào bán đến các hãng lữ hành. Tuy nhiên hiện tại các sản phẩm du lịch, sản phẩm dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí mới dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu tối thiểu của khách du lịch, chưa có các sản phẩm đặc trưng riêng, sản phẩm chất lượng cao có sức thu hút hấp dẫn khách du lịch; lượng khách lưu trú chiếm tỷ lệ thấp so với khách du lịch đến Phú Thọ. Thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của khách còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.
Kết quả điều tra xã hội học từ khách du lịch khi thăm viếng Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho thấy: “Trước mỗi chuyến đi bao giờ du khách cũng dự trù sẵn cho mình một khoản kinh phí để chi tiêu cho việc mua sắm quà tặng, kỷ vật lưu niệm”. Song để họ mở hầu bao, đương nhiên chúng ta phải có những sản phẩm tốt, mang bản sắc địa phương để chào bán. Trong khi đó, sản phẩm lưu niệm, đặc sản tại khu du tích lại khá đơn điệu, không những thế du khách còn khó tiếp cận được sản phẩm tốt. 
Nguyên nhân chủ yếu do Phú Thọ là tỉnh miền núi nghèo, nội lực yếu, nguồn lực còn hạn hẹp, du lịch được đánh giá có tiềm năng nhưng chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.Thiếu các doanh nghiệp lớn mạnh có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch lớn, tạo chuyển biến lớn cho phát triển du lịch. Việc tập trung nguồn lực đầu tư để tạo ra được đột phá trong du lịch gặp khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng của các cơ chế, chính sách cắt giảm đầu tư, kìm chế lạm phát của nhà nước. Mặt khác do công tác dự báo, dự đoán để xây dựng các chỉ tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 chưa lường trước được hết những khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước. Sự vào cuộc của một số ban, ngành, đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, chưa đề ra được những giải pháp, biện pháp thiết thực, hiệu quả phù hợp với địa phương. Chưa xây dựng những chính sách ưu đãi đặc thù trong lĩnh vực du lịch để hấp dẫn các nhà đầu tư tạo nên chuyển biến tích cực trong việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới hấp dẫn du khách.
3. Non nước Phú Thọ như hình ảnh thu nhỏ của giang sơn gấm vóc Việt Nam. Vùng đất cội nguồn của quốc gia dân tộc có hình thế sơn chầu thuỷ tụ, có tài nguyên dồi dào làm tiền đề cho kinh tế xã hội phát triển. Du lịch Phú Thọ ngày càng đóng vai trò quan trọng nhằm khai thác tốt các tiềm năng để góp phần kiến thiết quê hương thêm giàu đẹp.
Hành trình về thăm Đất Tổ, du khách gần xa, hy vọng sẽ được chứng kiến những đổi thay tươi đẹp. Xuân hội tháng ba, Đất Tổ là nơi hội tụ của những thế hệ người Việt Nam từ mọi miền đất nước hay ở xa Tổ quốc. Với vị thế địa chính trị - địa văn hoá của mình, Phú Thọ sẽ vươn cao. Tương lai rạng rỡ, bừng nở dưới trời Đất Tổ như mùa vàng trĩu hạt báo hiệu cho ngày vui hội nhập và phát triển./.
Phạm Bá Khiêm
                                                PGĐ Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com