Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của các thế hệ người dân Việt Nam. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, hướng về Tổ tiên với tấm lòng thành kính tri ân. Việc dâng lễ vật lên ban thờ, trong đó mâm cơm là một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng của Tổ tiên. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã vận động, khuyến khích các gia đình làm mâm cơm để tưởng nhớ công đức các Vua Hùng vào mùng 10/3 âm lịch để nối tiếp nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Phạm Bá Khiêm - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cho biết: Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng Tổ tiên bao đời vẫn vậy, chưa từng đổi thay. Mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh giầy là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho trời đất. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hằng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình ông Nguyễn Kim Đức ở khu 3B, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì dậy từ sớm chuẩn bị lễ vật thắp hương tại Đình Thượng mời các Vua Hùng về gia đình hưởng mâm cỗ ngày Giỗ Tổ. Việc thờ cúng xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong gia đình. Mâm cơm gồm các món ăn truyền thống nhưng không thể thiếu một số món quan trọng như: Bánh chưng, bánh giầy, dưa hấu và gà rang kiệu (món đặc sản của người dân xã Chu Hóa bao đời nay).
“Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng”
Ông Đức chia sẻ: Hằng năm cứ vào mùng 10/3 âm lịch, gia đình tôi cũng như các gia đình khác trên địa bàn đều làm mâm cỗ để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Dịp này tôi mời anh em, con cháu đến dự để cùng sum vầy; đồng thời là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Với người dân ở các xã lân cận Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, việc sửa soạn mâm cỗ tri ân các Vua Hùng đã trở thành nét đẹp truyền thống được duy trì từ nhiều đời nay. Cứ đến chiều mùng 9/3 âm lịch, các gia đình lại sửa soạn và lau dọn bàn thờ. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình có thể làm to, nhỏ, nhưng ít nhất cũng có mâm cơm để 7 giờ sáng mùng 10/3 âm lịch tiến hành làm lễ cúng.
Gia đình ông Nguyễn Kim Đức quây quần thụ lễ “Mâm cơm tri ân công đức các Vua Hùng”
Ông Hoàng Xanh - Chủ tịch UBND xã Chu Hóa cho biết: Sau khi được sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố về tuyên truyền người dân tại các địa phương làm mâm cỗ tri ân vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với hình thức tự nguyện,chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng khu dân cư vận động người dân thực hiện “Mâm cơm tri ân công đức các Vua Hùng” tại gia đình. Thông qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”và khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt.
Có thể nói việc khuyến khích, động viên các gia đình trên địa bàn làm mâm cơm tri ân ngày giỗ Tổ nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt, việc làm mâm cỗ kính dâng Tổ tiên chung của dân tộc tại nhà có ý nghĩa quan trọng, vừa đảm bảo nghi lễ tín ngưỡng được thực hiện mà vẫn trang nghiêm, thành kính và đảm bảo an toàn, phù hợp với hoàn cảnh thực tế cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngọc Kiên
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/