Thứ 3 | 11/07/2023
PhuthoPortal - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Sáu - HĐND tỉnh khóa XIX, chiều ngày 11/7/2023, HĐND tỉnh tiếp tục tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề liên quan đến việc cung ứng điện trong thời tiết nắng nóng gay gắt; nâng cao chất lượng hệ thống y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở; quản lý giá thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm; thực trạng thiếu giáo viên mầm non; quản lý, sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa… mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm đã được các đại biểu chất vấn thủ trưởng các sở, ngành.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn

Đảm bảo cung ứng điện trong điều kiện nắng nóng gay gắt thường xuyên xảy ra

Trả lời chất vấn của đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu huyện Cẩm Khê về vấn đề điều hành cung ứng điện để bảo đảm đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong điều kiện nắng nóng gay gắt thường xuyên xảy ra trong những tháng qua, với nhiều đợt kéo dài, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ Nguyễn Quang Lâm cho biết: Hằng năm, Công ty đều thực hiện đầu tư cải tạo lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt khi phụ tải tăng cao trong mùa nắng nóng.

Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ Nguyễn Quang Lâm trả lời chất vấn

Nhận định thời tiết năm 2023 khắc nghiệt, nắng nóng cực đoan, ngay từ đầu năm Công ty Điện lực Phú Thọ đã xây dựng phương án cung ứng điện trong khi thiếu nguồn ứng với mức từ 5 - 50% trình UBND tỉnh và Sở Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/2023 xảy ra tình trạng thiếu nguồn công suất khả dụng trên hệ thống điện miền Bắc.

Nguyên nhân là do diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng; có thời điểm lượng nước còn lại trong hồ thủy điện chỉ đủ cho nhu cầu của miền Bắc trong 4 ngày, công suất huy động được từ thủy điện chỉ đạt 3.100MW, bằng 23,7% công suất lắp đặt. Có thời điểm cả miền Bắc thiếu 5.000MW công suất khả dụng, khi đó tỉnh Phú Thọ được sử dụng công suất bằng 70  - 75% nhu cầu (phân bổ 540MW/nhu cầu 720MW), tương ứng thiếu hụt 180 MW. Từ ngày 2 - 11/6 phân bổ công suất cho tỉnh Phú Thọ từ 380MW - 483MW; từ ngày 12 - 18/6 phân bổ từ 417MW - 538MW theo từng khung giờ.

Đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu huyện Cẩm Khê chất vấn về tình hình cung ứng điện trong điều kiện nắng nóng gay gắt thường xuyên xảy ra

Căn cứ vào phân bổ khả dụng nguồn điện cho tỉnh Phú Thọ, Công ty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch cung ứng điện, tiết giảm phụ tải báo cáo Ban chỉ đạo phát triển Điện lực tỉnh Phú Thọ thông qua theo nguyên tắc ưu tiên đảm bảo cấp điện sự kiện chính trị - xã hội quan trọng và khách hàng quan trọng được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 16/2/2023; ban ngày ưu tiên điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên cấp điện cho sinh hoạt, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hạn chế tối đa thiệt hại đến sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với khách hàng sinh hoạt tiết giảm điện từ 8 - 10 giờ/ngày; đối với các khách hàng sản xuất, chia thành các nhóm khách hàng để xây dựng kế hoạch điều tiết; trực tiếp làm việc với các khách hàng để thông báo kế hoạch và đề nghị khách hàng giảm công suất tại các giờ cao điểm và chủ động bố trí ca sản xuất phù hợp, hạn chế tối đa thiệt hại.

Công ty cũng chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện. Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thực hiện tiết kiệm được 32,4 triệu kWh. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong gần 1 tháng khó khăn về nguồn điện, Công ty đã cơ bản vận hành lưới điện an toàn, đáp ứng được nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Chất vấn Giám đốc Công ty Điện lực, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Tổ đại biểu thị xã Phú Thọ phản ánh: Cử tri phản ánh một số nơi vẫn còn tình trạng cắt điện không báo trước, báo trước thời gian rất ngắn hoặc thông báo lịch cắt, khoảng thời gian cắt không chính xác, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tính chủ động trong sắp xếp công việc và sinh hoạt của người dân.

Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Công ty Điện lực Nguyễn Quang Lâm cho biết: Trong khoảng thời gian đầu tháng 6, hệ thống cung ứng điện bị động do nguồn điện thủy điện suy giảm, nguồn nhiệt điện trước đó phải vận hành kéo dài dẫn đến bị sự cố. Khi xảy ra sự cố, nguồn nhiệt điện chỉ khai thác khoảng 76% công suất; thủy điện khoảng 23% công suất, dẫn đến có thời điểm phải san tải khẩn cấp không thông báo kịp thời tới khách hàng. Cùng với đó, trong thời điểm mất điện, tổng đài thông báo tin nhắn cũng quá tải, số lượng khách hàng lớn dẫn đến có thời điểm tin nhắn chưa được gửi kịp thời tới khách hàng.

Cấp điện kịp thời cho các hộ dân mua nhà tại một số dự án khu nhà ở, đô thị

Đại biểu Trần Thanh Hải - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì tham gia chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thanh Hải - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì về việc một số dự án đô thị trên thành phố Việt Trì như: Dự án Việt Séc, Dự án khu đô thị bia Hồng Hà,… nhiều hộ dân mua nhà và đã đến ở, tuy nhiên đến nay chưa được đấu nối điện, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Đối với các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, công tác tiếp nhận tài sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục hướng dẫn tại Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do vậy chỉ khi thực hiện theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì ngành Điện mới được phép tiếp nhận tài sản. Trong quá trình thực hiện thủ tục bàn giao, để tạo điều kiện cấp điện cho nhân dân, ngành Điện có thể nhận thỏa thuận đi nhờ tài sản khách hàng, tạo điều  kiện để bán điện cho nhân dân nhưng trách nhiệm chi phí vận hành, sửa chữa… vẫn thuộc chủ đầu tư.

Đối với các công trình không thuộc nguồn vốn ngân sách, theo hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Văn bản số 2281/EVN-TCKT ngày 4/5/2022, kể từ năm 2022, các đơn vị không thực hiện tiếp nhận tài sản từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho đến khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngành Điện vẫn thỏa thuận với chủ đầu tư trong công tác quản lý vận hành để bán điện cho người nhân dân như trên, còn trách nhiệm chi phí sửa chữa… vẫn thuộc chủ đầu tư.

Kết luận vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Đây là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, do đó trong thời gian tới Công ty Điện lực Phú Thọ phối hợp với Sở Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có phương án cung ứng điện đầy đủ, kịp thời; thực hiện đúng quy trình cắt điện, xử lý tình trạng thiếu điện cho phù hợp và phải được sự đồng ý của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển Điện lực tỉnh Phú Thọ. Các địa phương rà soát các hộ dân tại các dự án nhà ở, đô thị chưa được sử dụng điện do ngành Điện cung cấp để có phương án xử lý, cấp điện kịp thời.

Nâng cao chất lượng hệ thống y học cổ truyền

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu huyện Đoan Hùng về những hạn chế trong đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác khám chữa bệnh trong hệ thống y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc cho biết: Lĩnh vực Y tế của Phú Thọ thời gian qua đã có bước phát triển khá toàn diện so với các chỉ tiêu bình quân chung của cả nước, trong đó tỷ lệ bác sĩ y học cổ truyền/vạn dân là 1,5 (toàn quốc là 0,9). Tuy nhiên, lĩnh vực y học cổ truyền phát triển còn chưa tương xứng, chưa theo kịp y học hiện đại. Đây không chỉ là khó khăn của riêng Phú Thọ, mà là thực trạng chung của cả nước.

Nguyên nhân là do trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ y tế lĩnh vực y học cổ truyền còn yếu, thiếu, chưa đồng đều giữa các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; đội ngũ có trình độ chuyên môn sâu còn ít. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 10/225 trạm y tế xã, phường thị trấn có bác sĩ y học cổ truyền; 93/225 y sĩ y học cổ truyền; còn lại chỉ được đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng về y học cổ truyền. Việc triển khai các dự án nuôi trồng dược liệu quy mô còn nhỏ lẻ.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu huyện Đoan Hùng chất vấn về vấn đề nâng cao chất lượng hệ thống y dược học cổ truyền

Nhìn nhận rõ thực tế này, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lĩnh vực Y học cổ truyền. Bên cạnh các chính sách thu hút của tỉnh, ngành Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế có thêm chính sách thu hút nhân lực y tế chất lượng cao.

Đồng thời, ký kết hợp tác với Viện Y học cổ truyền Việt Nam hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đào tạo; tổ chức các lớp thi tuyển về lĩnh vực y học cổ truyền. Chỉ đạo Bệnh viện y học cổ truyền, Trung tâm y tế các huyện, thành, thị… tăng cường hợp tác với các bệnh viện trung ương, mời trực tiếp các chuyên gia trực tiếp đào tạo “cầm tay chỉ việc”, nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong việc đầu tư các dự án sản xuất, nuôi trồng, chế biến dược liệu.

Quản lý chặt chẽ giá thuốc và giá các vật tư, nhu yếu phẩm

Đại biểu Đỗ Thị Ngọc Ánh - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì đặt câu hỏi: Hiện nay, giá thuốc và giá các vật tư nhu yếu phẩm tại các bệnh viện chênh lệch cao hơn nhiều so với giá mặt hàng cùng loại ngoài thị trường. Trong khi các bệnh nhân cần có sự quan tâm, động viên, chia sẻ, nhiều bệnh nhân còn khó khăn kinh tế.

Đại biểu Đỗ Thị Ngọc Ánh - Tổ đại biểu thành phố Việt Trì chất vấn về vấn đề giá thuốc và giá các vật tư nhu yếu phẩm

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc cho biết: Hiện nay, đối với việc sử dụng thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm trong các cơ sở y tế công lập phải được thực hiện đấu thầu rộng rãi trên toàn quốc, đấu thầu qua mạng. Đối với việc tổ chức đấu thầu cấp Quốc gia do Bộ Y tế triển khai với các loại thuốc sử dụng số lượng lớn, các loại thuốc có giá cao hoặc thuốc phải đàm phán giá. Còn ở cấp địa phương, hiện nay UBND tỉnh giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn; đối với việc đấu thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, UBND tỉnh giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung.

Giám đốc Sở Y tế khẳng định, về mặt bằng chung, giá thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm đang sử dụng trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập không có sự chênh lệch do hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc giá thuốc tại các cơ sở y tế công lập phải tuân thủ các quy định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh. Theo đó, đối với giá thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, việc mua vào không được cao hơn giá trúng thầu, còn hiệu lực trong vòng 12 tháng; giá bán ra không được phép cao hơn từ 2 - 15%; tuân thủ đầy đủ quy định về nguồn gốc, xuất xứ.

Còn đối với giá thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm được sử dụng qua hệ thống của nhà thuốc, quầy thuốc ngoài các cơ sở y tế, việc quyết định giá do chủ cơ sở và chỉ cần tuân thủ quy định niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, do đó dẫn đến có sự chênh lệch giữa các quầy thuốc, nhà thuốc ngoài cơ sở y tế với các nhà thuốc, quầy thuốc trong các cơ sở y tế công lập.

Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên các cơ sở buôn bán thuốc và các vật tư nhu yếu phẩm. Tuy nhiên để giải quyết triệt để thực trạng này, thời gian tới Sở Y tế sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên tại các quầy thuốc, nhà thuốc trong và ngoài cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra; triển khai hệ thống phần mềm quản lý các quầy thuốc, nhà thuốc; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng thuốc…

Khắc phục thực trạng thiếu giáo viên mầm non

Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh trả lời chất vấn tại kỳ họp

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Phương Hoa - Tổ đại biểu huyện Thanh Sơn về thực trạng hiện nay tại các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non; thu nhập không đảm bảo cuộc sống; cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thời gian qua, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyển dụng giáo viên Mầm non tỉnh Phú Thọ năm 2023. Theo đó, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non hạng III toàn tỉnh là 816 chỉ tiêu, trong đó giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 808; giáo viên hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp là 8 giáo viên. Sở Nội vụ đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện, dự kiến trong tháng 8 sẽ tổ chức thi tuyển.

Tuy nhiên hiện nay, so với biên chế được giao toàn tỉnh còn thiếu khoảng 2.700 giáo viên mầm non. Từ nay đến năm 2026, nếu số lượng biên chế giáo viên mầm non được giao đủ chỉ tiêu thì toàn tỉnh còn thiếu khoảng gần 1.000 giáo viên, do đó vẫn phải tiếp tục sử dụng giáo viên mầm non hợp đồng.

Đại biểu Đỗ Thị Phương Hoa - Tổ đại biểu huyện Thanh Sơn chất vấn về thực trạng thiếu giáo viên mầm non

Về giải pháp, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng. Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh cân đối tài chính có chính sách hỗ trợ cho giáo viên hợp đồng.

Tăng cường quản lý, sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn

Giải trình về công tác quản lý, sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy khẳng định: Trên địa bàn tỉnh có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa lớn, có giá trị. Hằng năm, UBND tỉnh đều cân đối từ nguồn chi thường xuyên để hỗ trợ cho công tác tu bổ các di tích. Tuy nhiên, do nhu cầu tu bổ, trùng tu các di tích lớn, công tác xã hội hóa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục rà soát và đang xây dựng đề án tu bổ di tích một cách lâu dài, bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tâm  - Tổ đại biểu huyện Lâm Thao tham gia chất vấn

Đối với công tác quản lý công tác dạy bơi, phòng chống tai nạn thương tích, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Sở đã phối hợp tổ chức tập huấn kĩ năng giảng dạy cho 400 huấn luyện bơi trên toàn tỉnh, trong đó đã cấp phép cho 373 huấn luyện viên. Đồng thời thường xuyên kiểm tra các bể bơi có hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn theo quy định.

Trước băn khoăn của cử tri về công tác quản lý di vật, cổ vật, Sở đã hướng dẫn công tác phòng chống trộm cắp, cháy nổ cho các địa phương đang quản lý, bảo quản di vật, cổ vật. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đáng tiếc xảy ra như sự việc gần 40 sắc phong cổ ở Đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, Tam Nông bị mất và sau đó bị đăng bán đấu giá ở nước ngoài. Sở đã báo các các cơ quan chức năng để tiến hành các thủ tục đưa sắc phong cổ hồi hương trong thời gian tới.

Lệ Thủy - Khánh Trang
Dẫn nguồn: 
https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com