Thứ 2 | 21/10/2024

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Mục tiêu của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa có tác động sâu rộng đến đất nước, con người Việt Nam - Ảnh 1.

Hình minh họa

Mục tiêu của chương trình có tác động sâu rộng đến đất nước, con người Việt Nam

Theo tờ trình của Chính phủ, chương trình được thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035 và chia làm các giai đoạn. Cụ thể, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Giai đoạn 2031-2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Chương trình có 7 mục tiêu tổng thể, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần.

Cho ý kiến về dự thảo chương trình, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là một chương trình rất có ý nghĩa, với những mục tiêu đặt ra rất quan trọng để hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam, xây dựng một môi trường văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

"Đây là những nội dung, những mục tiêu vô cùng quan trọng và có tác động sâu rộng đến đất nước, con người Việt Nam. Cho nên, về quan điểm, Ủy ban cho rằng ngân sách hiện nay mà Chính phủ đang đề xuất nếu làm được để phục vụ cho mục tiêu lớn đặt ra thì cần làm, đáng để bỏ ra làm" - ông Lê Quang Mạnh nêu.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, cần quan tâm đến công tác chuẩn bị đầu tư, bởi khi chuẩn bị đầu tư tốt thì việc thực thi, việc giải ngân mới hiệu quả và mới đạt được mục tiêu đề ra, do đây là một chương trình rất khó, rất phức tạp nên đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh đa chiều.

Bày tỏ lo ngại về khả năng giải ngân vốn, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, các chương trình về hạ tầng lớn khả năng giải ngân tốt hơn nên thực thi dễ hơn, chi tiêu tiền cũng có định mức, được giải ngân dễ. Còn đối với lĩnh vực văn hóa, có yêu cầu cao và đảm bảo chuẩn mực thì việc chi một vài chục tỷ hoặc vài trăm tỷ cũng rất khó khăn và cũng cần rất nhiều sự chuẩn bị cũng như nhiều thời gian.

Cần ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn, phục hồi các di sản

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thì đề nghị, các nội dung về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc cũng cần phải bổ sung chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ cụ thể cơ quan chủ trì, đối tượng thụ hưởng là người lao động, công nhân là người dân tộc thiểu số di cư lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung và ở các đô thị.

Theo ông Bùi Hoài Sơn - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, nguồn lực dự kiến bố trí cho giai đoạn 2025-2030 là rất lớn, vì vậy việc phân bổ ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực phát triển văn hóa là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo quan điểm của ông Bùi Hoài Sơn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần được chọn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc dân tộc và là nguồn tài nguyên quý giá cho du lịch. Đầu tư vào các dự án bảo tồn, phục hồi các di sản, cùng với việc tổ chức các hoạt động giáo dục và truyền thông về giá trị của chúng sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia bảo tồn.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần được chú trọng, bao gồm việc đầu tư vào các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và thiết kế. Những ngành này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thêm vào đó, du lịch văn hóa là lĩnh vực có tiềm năng lớn để phát triển và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các tour du lịch văn hóa, tổ chức các lễ hội và sự kiện lớn sẽ không chỉ thu hút du khách mà còn tạo ra việc làm cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, cũng cần chú ý đầy đủ đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành văn hóa, đầu tư vào công nghệ để bảo tồn, quảng bá và phát triển các giá trị văn hóa./.
Bảo Trân
Dẫn nguồn: 
Mục tiêu của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa có tác động sâu rộng đến đất nước, con người Việt Nam

 
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com