Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự hào hứng, phấn khởi khi tham dự hội nghị có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện này. Nhắc lại quá trình lịch sử của các thời kỳ, Tổng Bí thư khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lần đầu Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, trong đó nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Tổng Bí thư cũng đã nêu một số giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam theo phương hướng nói trên. Trong đó nhấn mạnh phải Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Báo cáo “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước” do đồng chí Trưởng
Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày nhấn mạnh: Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…
Lê Hoàng
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/