baophutho.vnĐau đáu trước nỗi lo các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường dần bị mai một theo thời gian, ông Đinh Văn Chiến- xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy đã nghiên cứu, tìm mọi cách gìn giữ, truyền tình yêu nguồn cội dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ông Chiến sinh năm 1967 và lớn lên tại vùng đất Tu Vũ, nơi có đến 96% dân tộc Mường sinh sống. Từ nhỏ, ông đã được mẹ địu trên vai tham gia các hội làng, nghe điệu hát Ví, hát Rang, tiếng cồng chiêng vang vọng. Thứ âm thanh của bản làng dần dà khiến ông tò mò rồi mê mẩn lúc nào không hay. Bởi vậy mà ông thành thạo đánh cồng, chiêng, các bài hát Ví, Rang của dân tộc mình từ khi còn rất nhỏ.
Càng lớn, trong tâm trí ông càng nhân lên nỗi lo về văn hóa của dân tộc mình sẽ bị lãng quên theo thời gian. Bởi vậy, năm 2007, ông bắt đầu hành trình tìm kiếm, sưu tầm các làn điệu cồng chiêng ở các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, huyện Ba Vì (Hà Nội) và các làn điệu hát Ví, hát Rang, hát Đúm, bộ mệnh (nói chuyện), hát ru, đâm đuống...
CLB bảo tồn di sản văn hóa Mường khu 18, xã Tu Vũ hiện đã có khoảng 50 thành viên
Năm 2018, ông Chiến khởi xướng phục dựng lại các làn điệu cồng, chiêng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong khu. Tháng 8/2019, CLB bảo tồn di sản văn hóa Mường khu 18 được thành lập với hơn 30 thành viên. Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, tại Nhà văn hóa khu, CLB tập luyện hát Ví, Rang, gọi hồn chiêng, lớp dạy múa sênh tiền... thu hút đông đảo trẻ em, thanh niên và người dân học hỏi và tập luyện theo.
Những buổi giao lưu, kể chuyện lịch sử, phong tục tập quán của người Mường xưa đưa thế hệ trẻ trở về với quá khứ đầy tự hào và yêu mến. Qua thời gian cùng sự bền bỉ, cần mẫn với công việc thầm lặng, công sức của ông Chiến đã có kết quả. Nhiều người trong khu, nhất là thế hệ trẻ đã biểu diễn cồng chiêng rất thuần thục. Đến nay, CLB đã tăng lên 50 thành viên tham gia ở mọi lứa tuổi.
Ông Chiến chia sẻ: Âm nhạc cồng chiêng của người Mường là sự hội tụ đầy đủ của tự nhiên và cuộc sống, tiết tấu nhịp nhàng, có lúc êm đềm, sâu lắng, có lúc rộn ràng, sôi động... Với người Mường, tiếng chiêng của lễ hội là tiếng chiêng của may mắn, của những ước nguyện ấm no, hạnh phúc. Chính những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm ấy đã làm nên những giá trị độc đáo mà chỉ văn hóa cồng chiêng Mường mới có được.
Phục dựng là thế, việc truyền dạy để gìn giữ nét văn hóa dân tộc Mường cũng được quan tâm và chú trọng. Trong vài năm trở lại đây, thông qua các lớp học do Sở VH,TT&DL tổ chức, các buổi dạy tại các trường học trên địa bàn, đã có hàng trăm lượt học viên được ông Chiến truyền dạy đánh cồng, chiêng và hát Ví, Rang.
Ông Chiến trăn trở: Đến giờ các nét văn hóa đặc trưng của người Mường đã được CLB phục dựng và bảo tồn thành công. Hiện chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để phục dựng Tết cơm mới và Mo Mường là hoàn thiện. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm và tạo điều kiện để văn hóa Mường sống bền vững với thời gian.
Năm 2022, xã Tu Vũ và các cấp chính quyền đã xây dựng Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện gần 8,6 tỉ đồng. Nguồn kinh phí được sử dụng cho việc kiểm kê, mở lớp tập huấn, xây dựng nhà sàn truyền thống, mua sắm 13 bộ cồng chiêng, bảo tồn trang phục dân tộc Mường, tổ chức ngày hội văn hoá... |
Để bảo tồn văn hóa của người Mường, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa Mường để mỗi người dân có ý thức gìn giữ và phát huy. Đồng thời, tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, sưu tầm các làn điệu cồng, chiêng cổ một cách có chọn lọc, kế thừa; tích cực tổ chức các lễ hội cổ truyền để âm nhạc cồng chiêng Mường được lưu giữ cho mai sau...
Bảo Khánh
Dẫn nguồn: Truyền tình yêu văn hóa Mường (baophutho.vn)