Thứ 3 | 30/01/2024

baophutho.vnThực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân. Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực cho sản xuất trong nước, trong tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tiêu dùng, mua sắm của người dân.

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” của chị Nguyễn Thị Hương Lan ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao.

Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng
Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ vận động các doanh nghiệp, hội viên, các ngành chức năng tổ chức các chương trình như: “Người tiêu dùng bình chọn sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao”, Ngày hội “Thanh niên đồng hành với hàng Việt”, Hội chợ “Người Việt dùng hàng Việt”, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”... nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chất lượng tốt; thúc đẩy hỗ trợ liên kết, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, tư vấn pháp lý; khuyến mại, giảm giá cho người tiêu dùng... Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Đoàn thanh niên... tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hưởng ứng tích cực Cuộc vận động.

Điển hình như các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các mô hình cụ thể, những cách làm hay, sáng tạo như: Phối hợp với Sở Công thương xây dựng, duy trì tám điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” cho hội viên tại các huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Đoan Hùng, Tân Sơn, Lâm Thao, Thanh Ba, Tam Nông; xây dựng mô hình “Quầy hàng phụ nữ” tại 65 xã trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 450 chị tham gia quầy hàng... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ trong ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt có chất lượng, góp phần làm cầu nối, tiếp sức đưa sản phẩm hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Là một trong những điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” từ năm 2019, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Hương Lan ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao được bố trí theo kiểu cửa hàng tiện ích, đảm bảo các yêu cầu thuận tiện, văn minh. Chị Hương Lan chia sẻ: “Để trở thành cầu nối giữa hàng Việt và người tiêu dùng hàng Việt tại địa phương, cửa hàng tôi đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh, cung ứng các mặt hàng thiết yếu mà khu vực nông thôn thường xuyên tiêu dùng như gạo, dầu ăn, bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt gia đình, đồ nhựa... có xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá luôn được niêm yết công khai và bán đúng giá”.

Không chỉ Hội LHPN mà các cấp Hội Nông dân cũng tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thành lập mới ba điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại thành phố Việt Trì và các huyện Cẩm Khê, Yên Lập... Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền mạnh mẽ tới đoàn viên, người lao động về những chính sách ưu đãi cho đoàn viên công đoàn, người lao động khi tham gia sử dụng các sản phẩm dịch vụ của các đối tác. Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng Việt thông qua các tờ rơi, khẩu hiệu, truyền thanh nội bộ, qua các trang thông tin tiện tử của Hội, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Hàng Việt còn đến với người tiêu dùng thông qua các hội chợ như: Hội chợ Công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ 2023 với 280 gian hàng của 147 đơn vị thuộc 28 tỉnh, thành phố tham gia, thu hút hơn 10.000 lượt khách thăm quan, mua sắm; phiên chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Yên Lập, Thanh Sơn với 32 gian hàng, 29 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia; hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ năm 2023 tại huyện Yên Lập...

Các sản phẩm chè của Phú Thọ được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Để nông sản Phú Thọ vươn xa
Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên chú trọng tuyên truyền, triển khai sâu rộng Cuộc vận động gắn với thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước. Trong đó, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia Chương trình, tổ chức sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, chất lượng, hiệu quả.

Để các sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được triển khai bài bản, đồng thời xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt”, các hội nghị kết nối cung cầu, triển lãm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn và http://nongsan.phutho.gov.vn/. Nhiều sản phẩm sản xuất trong tỉnh đã có trên kệ hàng của các siêu thị.

Năm 2023, các cấp Hội Nông dân đã vận động, hướng dẫn gần 77.000 hội viên, nông dân giới thiệu trên 100 sản phẩm OCOP của tỉnh và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng chuyển đổi số, được hỗ trợ xây dựng và bảo hộ sản phẩm, cấp tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có Fanpage trên mạng xã hội và áp dụng nhiều cách làm sáng tạo để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ như các sản phẩm chè, hồng không hạt Gia Thanh, thịt chua Thanh Sơn, cá thính Tử Đà, gà thảo mộc, mì gạo Hùng Lô, bưởi Đoan Hùng, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề và nhiều đặc sản, nông sản khác được người tiêu dùng biết đến, lựa chọn nhiều hơn.

Triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, uy tín nhãn hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm của Phú Thọ ngày một vươn xa.

Phương Thanh
Dẫn nguồn: 
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (baophutho.vn)

 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com