Thứ 2 | 07/08/2023
baophutho.vn Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là quá trình áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), các công nghệ mới trong thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, địa phương để từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng công nghệ số và nền tảng, dữ liệu số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Tân Sơn tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bước chuyển tích cực trong chuyển đổi số
     Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trong tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tính đến tháng 6/2023, hệ thống cung cấp 2.024 TTHC, trong đó có 690 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 868 thủ tục dịch vụ công trực tuyến một phần, 69,86% hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, thực hiện kết nối liên thông 1.116 TTHC của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã triển khai các ứng dụng phần mềm chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công việc như: Sử dụng bệnh án điện tử, hệ thống truyền tải hình ảnh PACS, kết nối phần mềm quản lý nhà thuốc… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai phần mềm “Agritech- Chuỗi nông nghiệp số”; Điện lực Phú Thọ triển khai các phần mềm như CMIS trong quản lý kinh doanh, khách hàng, FMIS/ERP trong quản lý tài chính - vật tư, IMIS trong quản lý đầu tư, HRMS trong quản lý nguồn nhân lực...
     
Việc ứng dụng CNTT góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 18/63 (tăng 13 bậc so với năm 2020), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 10/63 (tăng 28 bậc so với năm 2020), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so năm 2020), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố.
     
Theo kết quả xếp hạng mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2022, Cục Thuế tỉnh tiếp tục dẫn đầu với 826,8 điểm. Đây được coi là nỗ lực của ngành trong triển khai ứng dụng CNTT quản lý thuế, từng bước thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Cục thuế tỉnh đã triển khai ứng dụng eTax Mobile- đây được coi là khâu quan trọng trong chuyển đổi số, là xu thế tất yếu nhằm xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch. Ứng dụng còn bổ sung thêm chức năng tra cứu thông tin người phụ thuộc và hỗ trợ cho cá nhân nộp thuế điện tử thông qua liên kết với ứng dụng thanh toán của ngân hàng.
     
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như công tác quản lý, góp phần tích cực cùng ngành Thuế chuyển đổi số. Trong đó, nổi bật là các ứng dụng như: Quản lý xăng dầu thông qua chỉ số đồng hồ, công tơ tổng của các thiết bị đo xăng dầu; khởi tạo biên lai điện tử thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, triển khai ứng dụng gửi tin nhắn qua Zalo cho người nộp thuế... Đến nay, 100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng Internet, 100% các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử theo quy định.
     
Không chỉ ở các sở, ngành mà các địa phương cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng huyện Tân Sơn đã dành nguồn lực quan trọng đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT thiết yếu, đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền sâu rộng để người dân tích cực tham gia chuyển đổi số. Năm 2022, huyện Tân Sơn đứng thứ tư trong các huyện, thành, thị về xếp hạng mức độ chuyển đổi số, tăng bảy bậc so với năm 2020. Tỉ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến chuyển biến tích cực qua từng năm: Năm 2022 đạt 98,9%; sáu tháng đầu năm 2023, trên 99% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.
     
Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Nguyễn Xuân Toản cho biết: “Từ nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ 1,1 tỉ đồng xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại UBND huyện, Tân Sơn đã đầu tư xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại năm xã: Tân Phú, Kiệt Sơn, Thu Cúc, Long Cốc, Kim Thượng. Chúng tôi cũng đã đề ra lộ trình thực hiện chuyển đổi số cụ thể, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khắc phục khó khăn, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, BHYT, BHXH đồng bộ, thống nhất với cấp tỉnh, Trung ương”.

BHXH tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt, tra cứu thông tin trên ứng dụng VssID.

Đảm bảo điều kiện xây dựng chính quyền số
     Nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị Quyết số 55-NQ/TU ngày 13/8/2021, về Đề án phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, hướng đến 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định 467/QĐ-UBND ngày 02/3/2021 về việc phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ, tạo tiền đề thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh.
     Để thực hiện xây dựng chính quyền số, 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (Trừ văn bản mật theo quy định); triển khai có hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Phú Thọ là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thành công hệ thống truyền hình trực tuyến liên thông bốn cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được duy trì đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu Trung ương. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; đảm bảo đầy đủ các điều kiện để tích hợp liên thông với Trung tâm điều hành của Chính phủ. Các hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
     Hạ tầng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác, cấp xã là 82%, 100% các cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao, được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, đáp ứng được nhu cầu khai thác và sử dụng trong hoạt động cơ quan nhà nước. Trong đó, 73% đơn vị cấp sở, cấp huyện có hệ thống mạng nội bộ hoàn chỉnh kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm, tăng 22% so với năm 2020; 100% các cơ quan, đơn vị đã quan tâm trang bị thiết bị sao lưu dự phòng nội bộ ở các mức độ khác nhau như: NAS, SAN, USB và các trang, thiết bị phòng, chống cháy, nổ mạng nội bộ. Hiện nay, khoảng 82% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, đây là một trong điều kiện quan trọng giúp người dân có thể tạo lập tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu BHXH, tạo lập tài khoản thanh toán các khoản phí, lệ phí trực tuyến, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, thay đổi thói quen thanh toán truyền thống, từng bước gửi hồ sơ qua mạng, thanh toán lệ phí không dùng tiền mặt... góp phần đưa chuyển đổi số đi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
     Theo đồng chí Trịnh Hùng Sơn- TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn nói chung và trong các cơ quan nhà nước nói riêng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ công được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông ba cấp từ tỉnh đến xã, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi phương thức, lề lối làm việc, rút ngắn thời gian xử lý công việc, công khai, minh bạch thông tin, đưa công tác chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Phương Thanh
Dẫn nguồn: https://baophutho.vn/
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com