Thứ 3 | 14/08/2018
Luật thể dục, thể thao (TDTT) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Sau 11 năm ra đời và đi vào cuộc sống, có thể khẳng định Luật TDTT đã phát huy hiệu quả tích cực tuy nhiên đã bộc lộ nhiều điểm cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cũng như xu thế phát triển của TDTT Việt Nam…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Quốc hội khóa XIV nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
  

Sáng 14/6/2018, các đại biểu Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Thể dục, thể thao với tỷ lệ tán thành 93.84%.
Luật đã trực tiếp sửa đổi, bổ sung 27 điều, bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Để triển khai hiệu quả, đồng bộ, thống nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 2913/KH-UBND ngày 04/7/2018 với việc thực hiện hai nội dung cơ bản: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TDTT; tuyên truyền phổ biển Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.
Theo kế hoạch của Bộ, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sở Văn hóa, Thể thao) các tỉnh sẽ tiến hành rà soát các quy định của địa phương về thể dục thể thao để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp, chủ động trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều Luật TDTT tại địa phương. Văn bản được xây dựng cần tập trung vào các nội dung: kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh; hoạt động giáo dục thể chất; chế độ, chính sách với huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, cộng tác viên thể thao; chính sách khuyến  khích xã hội hóa đối với cơ sở thể thao; quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể dục thể thao…
Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật thông qua các hình thức như tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến, quán triệt, tập huấn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TDTT; xây dựng các chuyên mục, viết tin, bài tuyên truyền về Luật sửa đổi, bổ sung… nhằm tuyên truyền các điểm mới của Luật tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và tới mọi tầng lớp nhân dân. Việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT phải đảm bảo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm; công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, rộng khắp, lựa chọn các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; lồng ghép hiệu quả với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước. Tổ chức hiệu quả, đồng bộ, thống nhất việc tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao, từ đó phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.
Với sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung Luật TDTT sẽ có tác dụng to lớn trong việc làm xương sống cho cả hệ thống TDTT của nước nhà phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền thể thao nước nhà trong giai đoạn mới.
* Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT
Về thể dục thể thao quần chúng:
- Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi cho các các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 11).
- Bổ sung các tiêu chí đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng: Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; Số gia đình thể thao; Số cộng tác viên thể dục, thể thao; Số câu lạc bộ thể thao; Số công trình thể thao; Số giải thể thao tổ chức hằng năm (Điều 12).
- Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng.
Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 21: Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 22: Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc
- Sửa đổi, bổ sung Điều 25 về thi đấu thể thao trong nhà trường, quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học. Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Về thể thao thành tích cao:
- Tại Luật TDTT năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng và còn chung chung.
Vì vậy, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên thể tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32); Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 33).
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (các Điều 37, 38, 40).
- Bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành hoặc áp dụng luật thi đấu của môn thể thao (Điều 38a).
Về cơ sở thể thao:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 54 về các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao.
- Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao và giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp (Điều 55).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (Điều 56).
Về nguồn lực phát triển TDTT:
- Về đất đai dành cho TDTT: Sửa đổi, bổ sung nội dung về đất đai cho thể dục thể thao cho phù hợp với Luật quy hoạch, Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan; quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch , kế hoạch sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho công trình thể dục, thể thao, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế. (khoản 1 Điều 65)
- Chính thức luật hóa đặt cược thể thao (điều 67a)
 
                               Nguyễn Thị Nha Trang, chuyên viên Văn phòng
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com