Thứ 4 | 06/11/2024

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Bộ Chính trị cũng vừa có Kết luận số 100-KL/TW, trong đó bày tỏ sự thống nhất về chủ trương đầu tư Chương trình này.

Phân cấp tối đa cho địa phương khi thực hiện Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh)

Cho ý kiến về Chương trình, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 mà Chính phủ trình lần này đã cơ bản được tiếp thu tối đa, bổ sung, giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Để Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa của giai đoạn 2025-2035 được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, nữ đại biểu Đoàn Trà Vinh đã đóng góp một số ý kiến. Thứ nhất, về mục tiêu của chương trình. Tại nội dung thành phần của chương trình thứ nhất về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, chỉ tiêu trong Tờ trình của Chính phủ là 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên, đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu này.

Đại biểu cho rằng, nên đưa tỉ lệ này lên cao hơn là 95%. Bởi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên hiện nay các cơ sở giáo dục đều tổ chức các hoạt động này trong môi trường đào tạo. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì một trong những nguyên nhân đạt được là phải xuất phát từ các cơ sở giáo dục.

Nghị quyết số 33 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI cũng có nêu xây dựng mỗi trường học phải thật sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, giáo dục truyền thống, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cụ thể như Thông tư số 48 ngày 31/12/2020 cũng đã quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường.

Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu, đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ các lý do trên, đại biểu cho rằng chỉ tiêu này nên tăng lên 95%, như vậy mới có cơ sở đăng ký nguồn vốn để triển khai chương trình.

Thứ hai, về phạm vi, quy mô thực hiện chương trình, trong đó có việc đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.

"Tôi nhất trí về chủ trương đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công, nhưng đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác để dành nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu khác của chương trình" - đại biểu nêu ý kiến.

Về nội dung chưa được quy định trong Luật Đầu tư công, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị trong việc sửa đổi Luật Đầu tư công trình tại kỳ họp này, Chính phủ bổ sung vào nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công.

Thứ ba, về cơ chế quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình, đại biểu bày tỏ thống nhất quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị, sức mạnh của Nhân dân trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Trong quá trình thực hiện, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục hạn chế; kịp thời uốn nắn, nhắc nhở những hạn chế, thiếu sót; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ; nhân rộng cách làm hay, hiệu quả của các địa phương. Từ đó góp phần đảm bảo việc bố trí nguồn lực của chương trình, đáp ứng mục tiêu nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Thứ tư, về đối tượng thụ hưởng của chương trình, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng là các xã an toàn khu, vùng an toàn khu. Bởi vì, xã an toàn khu, vùng an toàn khu là nơi có truyền thống yêu nước, cách mạng lâu đời, nhân dân có tinh thần đoàn kết, trung thành với Đảng và cách mạng. Vùng an toàn khu còn là biểu tượng của sự đoàn kết, quyết tâm, sức mạnh của Nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hiện nay, các chính sách liên quan đến xã an toàn khu vùng an toàn khu còn nhiều hạn chế.

Đại biểu cho rằng, nếu được bổ sung vào đối tượng ưu tiên thụ hưởng sẽ góp phần quan trọng cho việc phát huy truyền thống lịch sử giáo dục truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hướng đến mục tiêu "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".
Bảo Trân - Đăng Nguyên
Dẫn nguồn: 
Phân cấp tối đa cho địa phương khi thực hiện Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com