Nguyễn Thị Hoàn - Phòng Phát triển tài nguyên du lịch
Tỉnh Phú Thọ có diện tích rừng là hơn 169,33 nghìn ha gồm: rừng phòng hộ hơn 32,32 nghìn ha, rừng đặc dụng hơn 16 nghìn ha, rừng sản xuất hơn 120,9 nghìn ha. Trong đó rừng Vườn quốc gia Xuân Sơn 15.048ha, Khu rừng Quốc gia Đền Hùng 538ha, Khu cảnh quan Núi Nả huyện Hạ Hòa 67ha và Khu vực văn hóa lịch sử Phục Cổ huyện Yên Lập 330ha. Bên cạnh giá trị của hệ sinh thái đa dạng, phong phú, các khu rừng còn đem lại cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, núi non hùng vĩ có thể kể đến như: Núi Nghĩa Lĩnh (Khu rừng Quốc gia Đền Hùng), các đỉnh Núi Voi, Núi Ten, Núi Cẩn (Vườn quốc gia Xuân Sơn), Núi Nả (Khu cảnh quan Núi Nả huyện Hạ Hòa); một số hang động có vẻ đẹp kì ảo và hấp dẫn như hang Lạng, hang Lun, hang Na, hang Thổ Thần, Núi Nả (Vườn Quốc gia Xuân Sơn); có nhiều suối, thác nước đẹp như suối Lấp, suối Thang, thác Ngọc, thác Chín Tầng, thác Mơ (Vườn Quốc gia Xuân Sơn), cảnh quan suối (Núi Nả)... bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ là nơi hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hóa tín ngưỡng, chứa đựng các giá trị phong phú về lịch sử, văn hóa, giáo dục... Tất cả những điều kiện thiên nhiên, văn hóa đó tạo nên những tiền đề, những tài nguyên du lịch đặc sắc, nổi trội của tỉnh Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư, hình thành những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách như du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên, giáo dục môi trường; du lịch văn hóa gắn tham quan, tìm hiểu bản sắc dân tộc thiểu số, làng nghề, di chỉ khảo cổ, tham quan di tích; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, cắm trại...
Những năm vừa qua, với nhiệm vụ của UBND tỉnh giao phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên rừng, ngành du lịch Phú Thọ đã phối hợp với các địa phương lồng ghép, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án khác và kết hợp với nguồn xã hội hóa đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ để phát triển giá trị đa dụng của rừng. Tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận một Khu du lịch quốc gia đó là: Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và có sáu điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận: Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc thuộc thành phố Việt Trì, Điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ thuộc huyện Hạ Hòa, Điểm du lịch cộng đồng Bản Dù, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi, Điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc thuộc huyện Tân Sơn. Với việc được công nhận Khu du lịch, điểm du lịch cấp tỉnh đã tạo điều kiện để Phú Thọ khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (trong đó hệ sinh thái rừng có vai trò vô cùng quan trọng), từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch; từng bước nâng cao chất lượng quản lý, khai thác và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch; phát huy tốt những hoạt động kết nối, cung cấp các chương trình tham quan học tập, trải nghiệm văn hóa, đồng thời hoàn thiện những dịch vụ tiện ích phục vụ du khách về vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm; chú trọng vệ sinh môi trường, các điều kiện về an toàn cho du khách được quan tâm thực hiện.
Nhận diện được nguồn nội lực tiềm tàng của hệ sinh thái rừng trong việc đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch 2501/KH-UBND ngày 24/6/2024 về Triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ số 171/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030; số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024 phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học;khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinhthái rừng, nâng cao chất lượng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái và chức năngcủa từng loại rừng đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và người dân trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng, chia sẻ lợi ích, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong đó phát triển du lịch sinh thái rừng được xem là tiền đề quan trọng, là hướng đi thiết thực để đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch theo hướng bền vững, việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, bảo tồn thiên nhiên trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.
Tỉnh Phú Thọ tiếp tục đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên rừng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển hoạt động du lịch sinh thái ,nghỉ dưỡng, giải trí gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị từ rừng; khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa và truyền thống văn hóa của cộng đồng; Tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Phương án quản lý rừng bền vững, đề án và dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí; Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, như: Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, khu rừng đặc dụng Núi Nả… có tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống của địa phương; Phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc, người dân miền núi và người dân sống trong và gần rừng; thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng.
Kế hoạch cũng hướng đến nhiều giá trị, lợi ích về kinh tế, văn hóa, như chú trọng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương phát triển hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng, đồng thời huy động và sử dụng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất trong phát triển du lịch; Các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách các giá trị tự nhiên, lịch sử - văn hóa của địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giảm thiểu tác động của người dân ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học… để tiếp tục khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch địa phương, đặc biệt thế mạnh từ rừng đem lại trong lĩnh vực du lịch. Trong thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ để phát triển du lịch nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư trọng tâm tại các địa bàn có nhiều rừng sinh thái nguyên sinh với phương châm khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của địa phương đi đôi với việc bảo tồn sinh thái tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch bền vững./.
Một góc cảnh quan của Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn
Bãi tắm phục vục khách du lịch tại Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn
Nhân dân và du khách giao lưu văn nghệ đốt lửa trại tại Điểm du lịch cộng đồng Bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn