Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số 736/SVHTTDL-QLDSVH, ngày 11/9/2024 về việc tăng cường phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp ở bảo tàng và di tích năm 2024 gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành và Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh công tác ứng phó bão số 3 năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 05/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh; Công điện số 3749/CĐ-BVHTTDL ngày 05/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khẩn trương kiểm tra, đánh giá và sớm có biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra đối với các di tích, bảo tàng trên địa bàn quản lý. Chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích, bảo tàng và các hiện vật trong di tích, bảo tàng trước các diễn biến phức tạp, thất thường của khí hậu và ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai xảy ra trong thời gian tới.
Trong văn bản cũng nêu rõ, tăng cường kiểm tra, rà soát các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đến những di tích đã xuống cấp, các di tích đang bảo quản, tu bổ, tôn tạo để lập phương án bảo vệ an toàn cho di tích và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (nếu có); có phương án bảo vệ, xử lý kịp thời các công trình di tích trước diễn biến phực tạp do thời tiết, mưa, bão gây ra, có nguy cơ hủy hoại nghiêm trọng; bố trí, cắt cử người trông coi, bảo vệ di tích, không để xảy ra sự cố mất an toàn về phòng, chống cháy nổ và các hình thức khác làm ảnh hưởng đến di tích. Tổ chức rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm trong di tích, các khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động di chuyển hiện vật trong di tích (đặc biệt là các di vật, cổ vật có chất liệu bằng giấy, gỗ) ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến vị trí bảo quản, bảo vệ an toàn trước khi bão, lũ, úng lụt, thiên tai xảy ra. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng, tăng cường công tác bảo vệ, đầu tư trang thiết bị bảo vệ, bảo quản an toàn cho tài liệu, hiện vật, công trình kiến trúc và khách tham quan (hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động chống trộm, cháy nổ và lưu trữ hình ảnh, lắp chíp định vị đối với cổ vật, bảo vật quốc gia, …). Kiểm tra, thay thế hệ thống điện bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, có khả năng gây cháy, nổ; chủ động lắp đặt và trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại di tích; quan tâm gia cố hệ thống khóa cửa, tường bao …
Bên cạnh đó, thường xuyên, chủ động cập nhật, nắm bắt thông tin về diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp che chắn, gia cố, chống đỡ, phòng chống, ... nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho di tích khi xảy ra gió bão, mưa lớn, ngập lụt. Tổ chức thực hiện các phương án: phòng, chống ngập di tích; đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng, chống cây đổ, cắt tỉa cảnh khô, cành không đảm bảo an toàn có khả năng gây hư hại di tích; phòng, chống trộm cắp di vật, cổ vật,...; đảm bảo an toàn điện chiếu sáng công cộng,...
Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp cũng như các thủ đoạn mới của tội phạm trộm cắp di vật, cổ vật để phòng ngừa, giáo dục chung cho công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực hoạt động di sản văn hoá, Ban quản lý di tích, nhân dân cũng như du khách tham quan.
Ban quản lý di tích tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động, quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn đối với thành viên Ban quản lý di tích phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế. Phân công người chịu trách nhiệm chính, giám sát và duy trì trực sẵn sàng, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. Thường xuyên bố trí người trông coi, bảo vệ an toàn cho di tích, hướng dẫn khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, ngăn ngừa các hành vi làm xâm hại đến di tích, bỏ rác thải đúng nơi quy định, không hút thuốc lá, thắp hương, đốt đồ mã, hạn chế tối đa việc thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích. Bài trí đồ thờ trong di tích thoáng, gọn, không để đồ mã, các vật liệu dễ cháy như nến cốc, vải, nhựa ... trên các ban thờ
B.B.T