Thứ 5 | 13/08/2015
Ngày 17- 12- 2012, kỳ họp thứ năm khóa XVII, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2012/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là Nghị quyết định hướng để phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ với tầm nhìn dài hạn và là cơ sở để xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch tỉnh phù hợp với giai đoạn và xu thế phát triển chung của du lịch Việt Nam.
Để góp phần đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ, đồng thời, cho phép thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động về du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hoàng Dân Mạc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì, giám sát UBND tỉnh và các Sở, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 30
 
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30, du lịch tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển khởi sắc và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng: Nhận thức của các cấp, các ngành và một bộ phận người dân về vị trí, vai trò của du lịch trong tổng thể nền kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm, chú trọng đầu tư, nhất là hạ tầng các Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy… đã góp phần thúc đẩy một số ngành, nghề khác phát triển như: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại... cơ bản hình thành các khu, điểm du lịch trọng điểm tại thành phố Việt Trì và các huyện: Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa, Tam Nông với một số sản phẩm du lịch đã được hình thành khá rõ nét, như: Du lịch tâm linh (Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ gắn với di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ); du lịch nghỉ dưỡng (nước khoáng nóng Thanh Thủy); du lịch sinh thái, danh thắng (Vườn Quốc gia Xuân Sơn - huyện Tân Sơn, Vườn Bưởi - huyện Đoan Hùng, Đầm Ao Châu - huyện Hạ Hòa…). Khách tham quan đến Phú Thọ từ 6 - 7 triệu lượt khách/năm với tốc độ tăng bình quân đạt 5,7%/năm (năm 2015, ước đón và phục vụ 7,5 triệu lượt khách tham quan, đạt 103% so với dự báo quy hoạch đề ra); có khoảng 11.600 lao động làm việc trong ngành du lịch; Doanh thu du lịch dịch vụ có bước tăng trưởng vượt bậc, đến năm 2015 ước thực hiện là 2.178 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với năm 2010.


Một góc Khu du lịch Văn Lang – TP Việt Trì

 
Việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch được quan tâm đúng mức. Các dự án đầu tư vào tỉnh ngoài việc được thực hiện các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi riêng của tỉnh. Do đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn đảm bảo chất lượng, có hiệu quả và ngày càng phát triển, như: Công ty cổ phần Ao Vua đầu tư Dự án Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân đầu tư Khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - thể thao Tam Nông, Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại thành phố Việt Trì... Tổng nguồn vốn huy động đầu tư vào phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 đạt 2.780,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết như: Một số chỉ tiêu kinh doanh du lịch đạt mức thấp; nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch chưa đáp ứng so với nhu cầu đề ra; hoạt động xúc tiến đầu tư về du lịch còn yếu; nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển du lịch đạt thấp; chưa hình thành được các tour, tuyến du lịch rõ nét; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách riêng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho ngành du lịch của tỉnh phát triển; hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ chưa đạt hiệu quả cao...
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xác định phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội, dần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngành du lịch sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành, thị tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng then chốt tại 5 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh (Thành phố Việt Trì, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn, Tam Nông); tích cực xúc tiến, kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế đầu tư vào các dự án, trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án có liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gắn với phát triển du lịch. Xây dựng và áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù để tạo môi trường thuận lợi đầu tư, phát triển du lịch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch về: Hạ tầng then chốt, thuế, đất đai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu phát triển du lịch trong những năm tiếp theo. Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch của tỉnh; kết hợp giữa du lịch văn hóa tâm linh với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch danh thắng; phát huy giá trị của hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gắn với phát triển du lịch. Chủ động  đẩy mạnh và đổi mới liên kết trong công tác xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp trên cơ sở nối các điểm du lịch đặc trưng tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tỉnh Phú Thọ, đồng thời tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế...
 
                                                Phòng Phát triển tài nguyên du lịch.
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com