baophutho.vnChiều 18/6 tại Tổ 19, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Nam Định và Bình Dương thảo luận tại Tổ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận tổ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu chủ trì phiên thảo luận tổ.
Liên quan đến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu đã cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến sở hữu di sản văn hóa, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể...
Về sở hữu di sản văn hóa, Dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu Nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình nội dung trên; quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đề nghị Ban soạn thảo tập trung rà soát các chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực... để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Việc xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa.
Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Dự thảo Luật quy định các loại hình di sản văn hóa phi vật thể gồm: Các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống. Các loại hình cơ bản phù hợp với điều ước quốc tế và đã khắc phục hạn chế của Luật Di sản văn hóa hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định về loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần bám sát hơn nữa Công ước quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể năm 2003, đồng thời quy định cụ thể tiêu chí xác định các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tham dự phiên thảo luận tổ.
Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Dự thảo Luật xác định mốc thời gian kiểm kê di vản văn hóa phi vật thể ở địa phương 5 năm một lần và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần. Có ý kiến đề nghị cân nhắc về tính khả thi trong quá trình thực hiện kiểm kê đối với quy định về mốc thời gian; làm rõ cơ sở, lý do và sự phù hợp của quy định mốc thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.
Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật, hiện nay, việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 2 nghị định của Chính phủ và giao 2 Bộ phụ trách (Bộ VHTT&DL xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Công thương xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ). Tuy nhiên, quy định về đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 2 nghị định chưa phân định rõ ràng; các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có quy định khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân.
Về quản lý bảo vật quốc gia, Dự thảo Luật quy định “... Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng ở trong nước theo quy định; không được kinh doanh theo quy định...”. Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau; đồng thời quy định cụ thể về “chế độ đặc biệt” trong việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia.
Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Dự thảo quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách... để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ; nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật; ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ... Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, cơ sở thành lập và đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, các đại biểu cơ bản nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của Nhân dân; những nội dung mang tính chiến lược, chưa rõ, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa.
Về các hình thức, phương thức kinh doanh dược mớ, hai hình thức, phương thức kinh doanh dược mới được quy định trong dự thảo Luật, đó là kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị cần có quy định để phân biệt hình thức kinh doanh theo chuỗi nhà thuốc với hình thức kinh doanh nhượng quyền; đồng thời cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.
Về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoà, các ý kiến cho rằng, đây là vấn đề lớn cần xem xét thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng từ nhiều góc độ (lợi ích của người tiêu dùng, cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, nâng cao hiệu quả cung ứng, phân phối thuốc của doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, mục tiêu phát triển công nghiệp dược trong nước...) để cân nhắc việc mở rộng từng bước quyền của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài.
Về quản lý giá thuốc, đây là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán... Vì vậy, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng. Việc sửa đổi quy định quản lý giá thuốc cần bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; về quản lý oxy y tế; về Chứng chỉ hành nghề dược...
Khổng Thủy
Dẫn nguồn: Quốc hội thảo luật tại Tổ về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (baophutho.vn)