Thứ 3 | 21/01/2020
Lê Thoa - TP. QL di sản văn hóa
 
Lễ hội Đền Chu Hưng là lễ hội truyền thống gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của di tích lịch sử quốc gia đền Chu Hưng, là nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương - người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi Chu Hưng vào thời kỳ Vua Hùng thứ 18 - Hùng Duệ Vương. Nhân dân Chu Hưng tỏ lòng thương kính Côn Nhạc đại vương nên đã lập Đền để đời đời khói hương phụng thờ Ngài. Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, ngôi đền nhận được 11 đạo sắc phong. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngôi đền, nhân dân nơi đây luôn tôn kính, bảo vệ và hương khói để ca ngợi công đức của Ngài.
Đền Chu Hưng diễn ra ba kỳ lễ là ngày mồng 7 tháng Giêng gắn liền với lễ rước dâng lễ vật cúng Thánh, ngày mồng 8 tháng Hai là ngày Giỗ của Côn Nhạc Đại Vương, ngày 15 tháng 8 là ngày hội khao quân. Nhưng kỳ lễ trọng và lớn nhất là ngày lễ hội của đền Chu Hưng vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.



Theo thông lệ, công việc chuẩn bị cho ngày hội lớn được nhân dân chuẩn bị từ tháng Chạp của năm trước. Tại đền Chu Hưng, tổ chức họp với các thành phần tham gia như: Ban quản lý đền, thủ nhang, các bậc cao niên… phân công nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức lễ hội được trang nghiêm, chu đáo, tuyển chọn nam thanh nữ tú rước kiệu, chọn lễ vật dâng cúng thánh… và tiến hành vệ sinh các ban thờ sạch sẽ, bao sái tượng thờ, các ban thờ để đón tết Nguyên Đán cũng như chuẩn bị cho những ngày lễ hội của Đền. Việc chuẩn bị đội tế được các cụ cao niên trong đội tế nam đã bắt đầu luyện tập từ những tháng của năm trước; đoàn rước với đội rước cờ hội, đội nhạc, đội chấp kích, bát bửu, Chủ lễ  và thủ nhang, khiêng kiệu ngai 8 nam thanh niên, rước Tàn, lọng do 4 thiếu nữ đảm nhận, Ban tổ chức lễ hội, các cụ cao niên, kiệu lễ của Hội phật giáo, kiệu lễ của các khu dân cư, kiệu lễ của các tổ chức hội, các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương cùng tham gia lễ rước…
Chuẩn bị lễ vật: Theo lệ cũ, ngày mồng 6 tháng Giêng, dân làng chuẩn bị lễ vật để dâng cúng thánh, gồm lợn đen (Ông Ỷ) với thủ, mỡ chài, đuôi (luộc chín), lông mao, huyết (tiết sống) để cúng tế và các bộ phận của “Ông ỷ” thì đặt trên kiệu cùng xôi nén và mâm ngũ quả để đoàn rước vào đền mới cúng tế; gà dâng thánh phải chọn gà màu lông tía, mào đỏ, đẹp, mổ lấy cả nội tâm làm chín cúng tế cả con; xôi nén được làm từ gạo nếp dẻo thơm, đồ chín, nén lại; chè kho được làm từ những hại đỗ xanh đẹp, đều hạt, đồ chín, giã nhuyễn, nắm chặt, thái nhỏ, thắng mật, bỏ đỗ vào đánh,nén thành từng đĩa; rượu mọng cũng được cất từ một năm trước, thanh bông, hoa quả đặt tại đền. Nhân dân các khu dân cư, các đoàn thể trong xã Ấm Hạ cùng nhau tấp nập chuẩn bị lễ vật để dâng Thánh, mỗi tập thể chuẩn bị một lễ chay hoặc lễ mặn tùy vào điều kiện; các xã trong huyện cũng chuẩn bị mâm lễ vật riêng để dâng Thánh với tất cả tấm lòng thành kính của mình và cầu xin sự phù hộ của Thánh cho nhân dân được yên vui, phồn thịnh và no ấm.
Lễ khai hội: Sáng sớm ngày mùng 7 tháng Giêng, trước khi lễ rước kiệu diễn ra Chủ lễ cùng thủ nhang đền thắp hương mật khẩn tại đền và đến thắp hương tại chùa Trúc Lâm - Nơi đặt lăng mộ Côn Nhạc đại vương rồi thực hiện rước kiệu vào đền để tế lễ. Đám rước được nhân dân duy trì 13 kiệu lễ theo truyền thống, kiệu rước lễ vật chính của địa phương gồm: thủ lợn đen bọc mỡ chài, đuôi (luộc chín), 1 bát tiết (sống), lông mao, xôi nén kèm theo mâm ngũ quả bày biện, trang trí trang nghiêm, đẹp mắt. Các kiệu còn lại là lễ của địa phương, kiệu của các khu dân cư, kiệu của Hội phật giáo xã...
Chủ lễ (Chủ tịch UBND xã) là người khai mạc, đọc lời tri ân công đức vị tướng Côn Nhạc Đại Vương, ôn lại những chiến công hiển hách và lịch sử hình thành, phát triển của đền Chu Hưng…, sau đó, cùng với thủ nhang đền nổi trống, chiêng khai lễ. Sau khi khai lễ, đoàn rước dâng lễ rước kiệu vào trong đền trong tiếng cử hành của đội bát âm và múa xênh tiền. Mâm lễ của nhà Đền đặt ở ban chính giữa, mâm lễ vật của các khu dân cư, các địa phương khác đặt xung quanh. Chủ lễ, Thủ nhang, Chủ tế thắp hương dâng lễ, sau đó mời các khu dân cư, các hội dâng lễ theo thứ tự. Sau phần dâng lễ là lễ tế của đội nam với trình tự lễ tế: Dâng tế hương, đăng; dâng tế rượu; cuối cùng dâng tế trầu nước (mỗi loại tế tam tuần). Mỗi nghi lễ cử hành trong buổi tế đều được bắt đầu với tiếng nhạc, trống, chiêng làm cho không khí lễ hội càng linh thiêng và uy nghiêm. Kết thúc nghi lễ dâng lễ vật, chủ tế đọc văn tế Côn Nhạc đại vương.
Lễ dâng hương: Nghi thức dâng hương trong lễ hội đền Chu Hưng được thực hiện rất trang nghiêm mô phỏng theo quy cách của lễ tiết cung đình. Chủ lễ mặc lễ phục màu đỏ, đầu đội khăn xếp, thắp nén hương thơm, vái 9 vái, thành kính cầu khấn, mọi người kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ vong hồn các vị anh hùng có công với tổ quốc, thầm cầu mong có được sự phù hộ của các Ngài cho quốc thái, dân an, người yên vật thịnh. Sau khi chủ lễ hoàn tất nghi lễ dâng hương, các vị lãnh đạo đứng đầu địa phương, các cậc cao niên lần lượt lên dâng hương tưởng nhớ Côn Nhạc Đại Vương. Sau khi kết thúc nghi lễ tế lễ, dâng hương của nhà đền, Chủ lễ, chủ tế, thủ nhang, đội tế và đại diện các khu dân cư, các tổ chức Hội nhân dân và du khách thập phương vào trong đền thắp hương lễ tạ xin đài cầu an cho bản thân, gia đình và mọi người sức khỏe, tài lộc, bình an..
Lễ hội Đền Chu Hưng giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ của xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn cha ông đã đổ xương máu dày công gây dựng giang sơn gấm vóc để mỗi con người có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Yêu nước, tự hào dân tộc và lòng biết ơn cội nguồn là điểm căn nguyên và khởi nguồn của lễ hội Đền Chu Hưng. Bởi vậy, lễ hội là con đường trao truyền sức mạnh thiêng liêng để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Lễ hội Chu Hưng chính là thời gian thiêng trong đời sống nhân dân, là nơi bảo tồn và hội tụ rất nhiều giá trị văn hóa vật thể cũng như tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật biểu diễn, tạo hình, các trò diễn, các nghi lễ… gắn với nhân vật được phụng thờ và đưa con người hòa vào không gian thiêng, thời gian thiêng. Với tất cả những đặc tính như vậy, lễ hội tự bản thân nó đã là một giá trị văn hóa lớn trong đời sống truyền thống và hiện đại; là chất keo trong sự gắn kết của cộng đồng làng xã trên quê hương giàu truyền thống cách mạng này. Sức sống của lễ hội đền Chu Hưng qua thời gian đã và đang tồn tại một cách hữu thức trong tâm hồn các thế hệ đi sau, mà không phai nhạt đi những nghi thức, những ước vọng và tình cảm của con người trong các lớp văn hoá tín ngưỡng của lễ hội.
Giá trị về mặt chính trị quân sự: Côn Nhạc Đại Vương là một vị tướng tài. Tài đức và sự uy linh của Ngài đã vượt qua biên giới của không gian, thời gian, vượt qua ranh giới văn hóa tộc người để trở thành một vị Thánh chung của cộng đồng vùng đất Chu Hưng xưa và xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa ngày nay. Trong không gian thiêng của lễ hội Đền Chu Hưng, các quan hệ giữa quyền lực chính trị và bản sắc xã hội, giai tầng, dân tộc, khu vực,… sẽ trở nên đồng thuận, hòa hợp hơn nhờ có một quá khứ chung được chia sẻ, một nguồn cội truyền thống được thuộc về. Nhân cách văn hóa xuất chúng của Ngài là mẫu hình mà mỗi thế hệ hôm nay và mai sau đều hướng đến với điểm chung là chiêm bái và phụng hiến.
Giá trị về kinh tế, du lịch: Đền Chu Hưng được quy hoạch thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn kết nối tuyến du lịch tâm linh về nguồn cội giữa các di tích: Di tích Đền Hùng, di tích đền Mẫu Âu Cơ…. Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống đền Chu Hưng cùng với việc quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương tại lễ hội đền Chu Hưng đã kích thích các xã trong huyện và các huyện lân cận trong toàn tỉnh đẩy mạnh chương trình biến di sản thành tài sản.
Giá trị khoa học: Bằng chứng cứ văn bản thần tích, truyền thuyết, các bài tụng ca của nhiều đời, các di tích phụng thờ và các nghi thức tế lễ hội hè, có thể khẳng định Đền Chu Hưng, nơi thờ vị tướng Côn Nhạc Đại Vương có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức dân gian người Việt với một vòng hào quang thần thánh. Một nhân vật lịch sử, một anh hùng cứu quốc đã trở thành một vị Thánh. Sự chuyển hóa từ Côn Nhạc Đại Vương đến một vị Thánh cần được lý giải sâu hơn về bản chất cũng như những căn nguyên xã hội lịch sử của nó. Đây vẫn là chủ đề nghiên cứu cho nhiều bộ môn khoa học trong thời gian tới.
Với ý nghĩa và giá trị của di sản, Lễ hội đền Chu Hưng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4603/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019./.
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com