Chủ nhật | 17/11/2024

Góp ý hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là cần thiết, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập và phù hợp với xu thế phát triển của quảng cáo trên thế giới.

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra.

Bởi thực tế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm chính về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu, thông tin doanh nghiệp cung cấp. Những cá nhân này không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác của thông tin cung cấp.

Sửa Luật Quảng cáo: Khắc phục những vướng mắc, bất cập và phù hợp với xu thế phát triển của quảng cáo trên thế giới - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

"Hiện nay, các sản phẩm quảng cáo trên truyền hình thường lấy doanh nghiệp của những người nổi tiếng: có thể là ca sĩ, các nhà khoa học để quảng cáo, nhưng chính bản thân những người đó cũng không đủ điều kiện để đánh giá chất lượng sản phẩm đó. Nếu chúng ta không quy rõ trách nhiệm thì sẽ rất khó khăn trong việc này", đại biểu Trần Đình Gia nói.

Điểm c khoản 5 Điều 15 quy định "trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng có nghĩa vụ đăng ký khi đăng tải ý kiến cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm". Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định này là chưa chặt chẽ, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại vấn đề này.

Liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, Điều 22 của Luật Quảng cáo được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 dự thảo luật. Tại điểm b, khoản 10 quy định "mỗi chương trình vui chơi, giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá năm phút. Mỗi chương trình, phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, mỗi lần 15 phút, tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm một lần, mỗi lần ngắt để quảng cáo không quá 5 phút". Như vậy, tất cả các chương trình giải trí đều có thể quảng cáo đến bốn lần, mà không kể thời lượng dài hay ngắn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rõ mốc thời lượng của chương trình vui chơi, giải trí tương tự với số lần quảng cáo được ngắt để quảng cáo đảm bảo chất lượng chương trình.

Góp ý vào Dự án Luật, đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, trong kết luận phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu tiếp tục đối chiếu và rà soát với các luật chuyên ngành, như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bao quát hết các đối tượng, hoạt động quảng cáo trên mạng đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả chống thất thu thuế.

Liên quan đến các hình thức quảng cáo đã được liệt kê, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, luật hiện hành có các hình thức quảng cáo, như: quảng cáo trên các phương tiện băng rôn, khẩu hiệu hay ghi hình sản phẩm, in sản phẩm… là chưa đủ. Hiện nay, một số bộ phim truyền hình dài tập, những nhà tài trợ cho các bộ phim này lồng ghép các sản phẩm quảng cáo rất nhiều. Do đó, cần cập nhật, bổ sung những nội dung phát sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Sửa Luật Quảng cáo: Khắc phục những vướng mắc, bất cập và phù hợp với xu thế phát triển của quảng cáo trên thế giới - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Một số đại biểu nêu thực tế, đối với các kênh truyền hình quốc gia có hai loại là kênh truyền hình trả tiền và kênh truyền trình không trả tiền. Do đó, quảng cáo cũng cần phân biệt hai loại hình này. Nhưng ngay cả kênh truyền hình không trả tiền cũng có hai loại là kênh truyền hình quốc gia và những kênh truyền hình không phải là quốc gia (ví dụ như các doanh nghiệp làm truyền hình). 

Đại biểu cho rằng, đối với những kênh truyền hình quốc gia, nên ưu tiên những thông tin về chính trị, về kinh tế, văn hóa, những nội dung mà Đảng, Nhà nước cần truyền thông mạnh mẽ để toàn dân tiếp cận. Những kênh truyền hình quốc gia như vậy cần phải có quy định về thời lượng quảng cáo, nội dung quảng cáo khác so với những kênh truyền hình khác./.
Đăng Nguyên
Dẫn nguồn: 
Sửa Luật Quảng cáo để phù hợp với xu thế phát triển của quảng cáo trên thế giới

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com