Quách Thị Sinh
Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ
Gia đình luôn là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Bác từng nói “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình là nơi ta được quan tâm, che chở từ vòng tay của ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, vợ chồng và bữa cơm gia đình chính là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ “sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng để bảo vệ sức khỏe mà còn là phương tiện để tương tác và quan tâm chia sẻ giữa các thành viên qua đó có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam
góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc trên quê hương đất Tổ
Có lẽ mỗi người dân Việt ai cũng hiểu rằng từ truyền thống cội nguồn sâu xa, bữa cơm gia đình chứa đựng những yếu tố văn hóa rất tinh tế và thú vị, lay động trong trái tim mỗi người về mái ấm gia đình. Người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn coi bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền - nhận kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Do vậy, bữa cơm gia đình thực sự có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống mỗi chúng ta. Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày dài xa cách. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con thì ăn ở lớp học bán trú, chỉ đến buổi tối cả gia đình mới được gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò, tâm sự, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày. Đây cũng là cơ hội để các thành viên trong gia đình sum họp, yêu thương, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau, qua đó có thể tìm hiểu, cảm thông, giúp đỡ hoặc hoá giải những vướng mắc, những áp lực mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống. Tình thương và sự liên kết là liều thuốc quý giá nhất đối với quả tim, cũng là liều thuốc chống stress hữu hiệu. Do vậy, nếu không có những khoảng thời gian cả gia đình đoàn tụ xung quanh mâm cơm thì họ chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để trò chuyện. Mỗi thành viên trong gia đình luôn luôn quan tâm, chia sẻ, động viên lẫn nhau, luôn cố gắng sống tốt vì nhau. Tình yêu từ cha mẹ dành cho con cái cũng như tình yêu của con cái dành cho cha mẹ là những tình cảm hết sức tự nhiên. Nếu cha mẹ phải bận bịu nhiều công việc mà không có thời gian quan tâm đến con thì sẽ hình thành nên khoảng cách, con cái sẽ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và sẽ nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Vì vậy các thành viên trong gia đình cần phải yêu thương nhau bằng trái tim chân thành để khiến các thành viên lúc nào cũng hướng về nhà, nơi ấm áp và hạnh phúc nhất mà không có thứ tiền bạc nào có thể mua được.
Bữa cơm gia đình ông Đinh Công Đào, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn
Qua bữa cơm gia đình, ông bà và cha mẹ dạy con cháu “học ăn, học nói, học gói, học mở”; “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, qua đó giáo dục con cháu tinh thần đoàn kết, lối sống lành mạnh, lễ phép, lịch sự và kính trên nhường dưới... Để từ đó, liên hệ đến những bài học đạo lý sâu xa hơn, và con người cũng vượt ra khỏi không gian gia đình để đi ra với láng giềng, họ hàng, xã hội và những hành trình khác trên cuộc đời. Đó là cách giáo dục hết sức cụ thể, thiết thực về ý thức, đạo đức từ gia đình ra xã hội. Trước mỗi bữa ăn, các thành viên trong gia đình đều tham gia quá trình chuẩn bị như con nhặt rau, vợ và chồng cùng nhau nấu ăn. Từ đó giúp cho mọi thành viên sống đoàn kết và có trách nhiệm với nhau, giúp cho tình cảm gia đình ngày càng bền chặt. Trong bữa ăn, các cháu nhỏ được dạy dỗ cách cư xử với người lớn, có miếng ăn ngon gắp mời ông bà, bố mẹ trước. Từ đó sẽ hình thành những tính cách tốt đẹp cho trẻ sau này. Bữa ăn tuy thanh đạm nhưng trong đó cho chúng ta những bài học về thái độ hiếu kính với bề trên, đạo nghĩa vợ chồng, phép đối nhân xử thế với mọi người. Bữa cơm đầy đủ mọi thành viên và bầu không khí vui vẻ là niềm hạnh phúc sau một ngày học tập, làm việc vất vả. Chính vì vậy trong kho tàng ca dao Việt Nam vẫn có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon”. Qua thái độ, nét mặt khi ăn, ta hiểu được tâm trạng vui, buồn, sức khỏe, tình cảm của nhau.
Bên cạnh đó, bữa cơm gia đình còn góp phần bảo đảm chế độ ăn uống hợp lý, giúp phòng chống bệnh tật. Từ khâu đi chợ, chọn lựa thực phẩm đến việc nấu nướng, những người nội trợ khéo léo trong gia đình có thể hiểu được sở thích, khẩu vị của từng người và cung cấp những bữa ăn lành mạnh nhiều chất bổ dưỡng với chi phí kinh tế nhất. Ăn những bữa cơm gia đình cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt được tần suất những bữa ăn hàng quán, những bữa tiệc tùng với nhiều thực phẩm công nghiệp. Thực phẩm ăn ngoài không chỉ khó bảo đảm được điều kiện vệ sinh lại luôn có hàm lượng cao những chất đường, muối, mỡ và phụ gia hoá chất độc hại, là nguyên nhân chính của nhiều căn bệnh trong xã hội hiện đại như béo phì, tim mạch, tiểu đường, ung thư…
Do đó, tổ chức tốt bữa ăn thường ngày trong gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khỏe cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng lại đáng quý biết bao! Tôi nhớ đến bài thơ “Cơm Chiều” của tác giả Công Chinh đã thể hiện rất sâu sắc ý nghĩa của bữa cơm gia đình:
“Nhà mình còn có bữa cơm
Mỗi chiều ngan ngát mùi thơm hương tình
Bữa cơm sum họp gia đình
Cao lương chẳng có nhưng mình ngồi chung
Rau canh đạm bạc theo cùng
Ngon vì tình nghĩa, tình chung tràn đầy
Ngon vì cả nhà quanh đây
Ngon vì chia sẻ cùng bầy cháu con
Ngon vì vuông méo thành tròn
Gia đình hạnh phúc thì còn bữa cơm!”
Chính vì những ý nghĩa quan trọng của bữa cơm gia đình, ngày 13/6/2022 vừa qua, tại UBND huyện Thanh Sơn, Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025 đã tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình - Bản sắc văn hóa các dân tộc” hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Thông qua Hội thi này, Ban tổ chức mong muốn các thành viên trong các gia đình sẽ có thêm kiến thức dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, tìm hiểu những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt góp phần giữ gìn các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc các dân tộc huyện Thanh Sơn và quảng bá văn hóa truyền thống, đặc biệt văn hoá ẩm thực tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc.
Bữa cơm gia đình chính là không gian nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, nơi kết nối tình cảm gia đình, là kí ức không phai nhạt trong tâm hồn mỗi con người. Mỗi thành viên trong gia đình hãy trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình đầm ấm. Mỗi gia đình hãy luôn quan tâm, chăm lo cho cuộc sống gia đình, cho mỗi bữa cơm hằng ngày để thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, hạnh phúc trong mỗi gia đình./.
Q.T.S