Thứ 3 | 08/04/2025

Nguyễn Hương - Phòng QL VH&GĐ

     Hèm tục là một bộ phận có tính lễ nghi và tục lệ trong thờ lễ, trong hội đám, đó là một lễ thức nhất thiết phải tuân thủ không thể tuỳ tiện thay đổi hoặc bỏ qua. Hèm tục chủ yếu là thuộc các lễ dâng thần và cách thức ẩm thực sau lễ. Có những hèm tục riêng mỗi làng xã. Hèm tục cũng thường gắn với sự tích thần được thờ lễ, hoặc đó là sở thích riêng của thần về ẩm thực hoặc đó là biểu hiện một tình tiết, một sự kiện đáng ghi nhớ trong tiểu sử, trong thần tích của thần. Các hèm tục này thường là có nguyên nhân lịch sử, nguyên nhân xã hội, có ý nghĩa phản ánh một hình thái xã hội nhất định hoặc một hình thức lễ nghi cổ xưa mà trong đó không loại trừ những xạ ảnh của xã hội công xã nguyên thuỷ.
      Dưới đây là một số hèm tục mang tính địa phương của từng làng xã: Làng Dữu Lâu (Việt Trì) có hèm tục lễ phải có măng tre chấm muối vừng và quả đài hái làm xôi như gấc (đài hái là một loại cây leo có quả to như quả bưởi); Làng Vĩnh Mộ (xã Cao Xá - huyện Lâm Thao) cỗ hèm có bánh dầy và cá rán, đó là những món ưa thích của vị thần làng. Cũng ở Vĩnh Mộ, xóm Mới có miếu thờ một người ăn trộm nên có tục khi cúng lễ tắt đèn đuốc, ăn cỗ bằng cách ăn mò và tranh cướp, ai vớ được gì ăn nấy; Xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) cỗ bày trên rế lót lá, xôi bày giữa chung quanh bày thịt luộc và chả. Cỗ này được gọi là cỗ khao quân chia làm 3 bậc: Tầng trên là lễ dâng tử sĩ, tầng giữa lễ dâng quân sĩ nói chung và tầng chót là các thủ lĩnh quân sự địa phương; Xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ) có mổ lợn tế ngày 5 tháng Giêng, trước khi bắt lợn có lệ những người dự đánh nhau dữ dội. Khi mổ lợn không ai được nói, ông từ là người bắt phèo. Khi ăn cỗ vặn nhỏ đèn và cũng ăn yên lặng; Làng Thúc Phê (thị trấn Hưng Hóa - huyện Tam Nông) có tục cướp rượu. Làng có hai giáp, giáp đăng cai sửa rượu lễ bằng nếp cái, cúng rượu mộng. Tế xong chủ tế rước hũ rượu ra sân đình, mọi người đưa bát chìa tay tranh cướp lấy khước; Làng Hữu Bổ (xã Kinh Kệ - huyện Lâm Thao) thờ Đinh Công Tuấn là một tướng của An Dương Vương. Sau khi An Dương Vương mất, Đinh Công Tuấn về bản hương cầm quân chống lại Triệu Đà. Làng Hữu Bổ kiêng thịt bò trong tế lễ và cả trong sinh hoạt đời thường, gọi con bò là con "nhổn". Tại sao có tục này? Vì khi Đinh tướng quân bị giặc vây đánh chạy tới bờ sông, tình thế rất cấp bách, chợt một xác bò trôi đến, Đinh tướng quân đã dựa vào xác bò ấy mà bơi về làng mình, những mũi tên giặc bắn theo đều găm vào xác bò.
Tục kiêng thịt bò không chỉ ở Hữu Bổ mới có, các làng Di Bình, Thượng Lạp (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) và Lủ Thượng (Hà Nội) cùng có hèm tục như trên và cũng cùng mô típ như Hữu Bổ nhưng đây là các tướng của Hai Bà Trưng.
      Nếu các nơi trên kiêng thịt bò thì người dân làng Hướng Lại - xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) lại kiêng làm cỗ bằng thịt trâu và cũng kiêng thịt trâu trong sinh hoạt hàng ngày. Theo truyền thuyết địa phương, làng thờ hai vị tướng của Hai Bà Trưng, có lần hai ông đánh giặc vào một ngày trời nắng to, quân và tướng đều khát khô cả cổ, tình thế có chiều bất lợi. Chợt có đàn trâu cái đi qua, thế là quân ta tranh nhau bú sữa trâu. Ai nấy được tiếp thêm sức mạnh, hăng hái tiến lên đánh cho quân Tô Định chạy tan tác. Ghi công ơn trâu, người Hướng Lại không bao giờ đụng tới thịt trâu.
Phải chăng tục kiêng tế lễ và sinh hoạt với thịt trâu và thịt bò là phản ánh thời kỳ tô tem giáo, phản ánh tục thờ lễ động vật rất phổ biến ở các tộc người trên phạm vi toàn thế giới trong thời kỳ công xã thị tộc nguyên thuỷ và trong thời cổ đại?

Cỗ chân sòng trong lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy

      Trên vùng đất Tổ ta còn thấy nhiều hèm tục độc đáo mà ở đây xin điểm một vài hèm tục về tế lễ bằng thịt lợn: Thôn Danh Hựu (xã Cổ Tiết - huyện Tam Nông) vào hội ngày 3 tháng Giêng có tục cướp xôi và đuôi lợn, ai cướp được đuôi lợn thì giáp đăng cai sẽ chuộc bằng 5 miếng thịt thủ; Xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) tế Tản Viên mồng 3 tết, thịt lợn bày một mâm 99 miếng, một mâm 42 miếng, cứ một miếng xấp lại một miếng ngửa.
      Trên đây là một số hèm tục của làng xã và có thể nói đó là những hèm tục địa phương. Về hèm tục có tính phổ biến ở nhiều vùng, nhiều địa phương xin kể đến tục cúng lễ bằng "mao tiết" hay "mao huyết". Trên bàn thờ cùng với các lễ vật thông thường khác như xôi, bánh, oản, quả và thịt lợn, thịt gà, các cuộc tế lễ còn có một vật không thể thiếu, đó là một bát tiết, là máu tươi của vật hiến tế, lợn hay trâu có rắc một ít lông.

Lễ vật dâng cúng trong Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao

     Cũng có nghi lễ đổ mao huyết xuống nước như ở Đồ Sơn (Hải Phòng), thì ở Phú Thọ có xã Chu Hoá (thành phố Việt Trì): Tế lễ bằng thịt trâu, đặt thịt trâu sống và xôi lên lá chuối, giữa bày một bát tiết có ít lông, cúng lễ xong, chủ tế đem bát tiết tới bên giếng làng khấn vái rồi đổ bát mao huyết xuống giếng, mọi người vái theo 3 vái.
      Khảo sát ở Phú Thọ, ta còn được thấy phổ biến hình thức cỗ lễ rất cổ. Đó là  tế thần và ăn cỗ lễ bằng mâm đan lót lá, mâm bện bằng dây rừng hình rế, hoặc mâm đan tre nứa hình vuông lót lá, lại cũng có hình thức cỗ bày trên lá không cần mâm đan, lá thường là lá chuối, lá ngoã hay lá vai. Lấy ống nứa thay chén để uống rượu, thịt nướng hay luộc phải có một món nửa sống nửa chín hay toàn thịt sống bày vào giữa. Thịt sâu que và ăn bốc, không dùng đũa. Chúng tôi tạm nêu một số trong các xã có tục lệ trên:
      Xã Gia Thanh (huyện Phù Ninh): Ngày 3 tháng Giêng, thịt lợn bày vào những chiếc lá vai to như chiếc đĩa, mỗi chiếc lá lại đặt vào những chiếc rế bện bằng dây rừng. Tế lễ xong cả làng cùng nhau ăn uống trên bãi cỏ trước đình, cả trai bạch đinh, không có phần đem về; Xã Phú Hộ (huyện Phù Ninh): Cơm lam, rượu mộng, lợn lễ thịt sống, mâm đan lót lá; Xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông): Cỗ bày lá ăn bốc ngoài trời và dù mưa to vẫn ngồi ăn, không chạy; Xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh): Mổ trâu để tiết sống, tim gan sống, thịt tái bày mỗi mâm thành 9 tầng, mỗi tầng 7 chiếc lá, thịt bầy trên lá, như thế gọi là cỗ "cửu trùng thất diệp"; Xã Xuân Quang (huyện Tam Nông): Lấy dây rừng bện rế lót lá làm mâm, tế về đêm, tế xong tắt đèn ăn bốc mấy miếng làm phép, cái dái trâu đặt ở chính tẩm...
     Hèm tục là nghi lễ khá phổ biến trong thờ Thành hoàng, nhất là vào dịp lễ hội mùa xuân. Trong những lễ hội cổ xưa, sau phần tế yết sẽ có nghi thức hèm tục. Hèm tục là một hình thức diễn xướng tồn tại dưới dạng nghi lễ nhằm tái hiện lại những nét riêng, đặc trưng, thậm chí là sở thích của vị thần linh được tôn thờ. Hèm tục thường diễn vào giờ thiêng và những người tham gia là các cụ cao niên đại diện nội bộ cộng đồng. Các hình thức trong tế lễ và ẩm thực như vậy rõ ràng là phản ánh và tái hiện qua tín ngưỡng những hình thức sinh hoạt của một xã hội cổ sơ, hẳn là vào thời kỳ bộ lạc nguyên thuỷ mình chứng cho sự sáng tạo của dân gian rất đa dạng và phong phú của cộng đồng làng xã Việt Nam./.

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com