Thứ 4 | 01/11/2023
     
     Sự quan tâm, đồng hành của cả hệ thống chính trị cộng hưởng với chính sách đúng đắn của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã giúp khơi nội lực, tạo luồng sinh khí mới làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào các DTTS.
Thay nếp nghĩ đổi cách làm
     Do những phong tục, tập quán ăn sâu, bám rễ vào nếp nghĩ, đời sống của dân bản qua nhiều thế hệ nên khuất sau sự yên bình của những bản làng có đông đồng bào DTTS sinh sống ở Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập... vẫn còn tồn tại những hủ tục, nó giống như những nét chì còn sót lại trên bức tranh với gam màu tươi sáng.
Lời ru buồn...
Đường vào bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn thẫm xanh màu của núi rừng, óng vàng những thửa ruộng vào vụ thu hoạch. “Bản Mông bình yên” là khẩu hiệu chúng tôi thấy ngay từ đầu bản. Giữa sự tĩnh lặng của không gian, vọng từ phía xa câu hát ru con như chìm vào đại ngàn. Theo tiếng ru đó, vượt qua con dốc dựng đứng, trước mặt chúng tôi là căn nhà nhỏ liêu xiêu của Vừ Thị G (nhân vật được giấu tên).
Vừ Thị G (bên phải) lấy chồng ở bản Mỹ Á và sinh con khi chỉ 16 tuổi
     G sinh năm 2007, là người Mông quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. G gặp Sùng A Dinh (người Mỹ Á) trong một lần Dinh đến bản của G chơi. Năm 2022, G “theo chồng”', kết quả là đứa con gái nhỏ ra đời khi G mới 16 tuổi. Trong căn nhà trống trơn không có thứ gì giá trị, chỉ có mấy cái nồi méo mó, đen nhẻm, tôi hỏi G: “trưa rồi, em đã ăn cơm chưa”, G bình thản đáp như thể ngày nào cũng vậy “em chưa có gì để nấu“”...!!! Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại phải làm dâu, làm vợ, làm mẹ, sự non nớt, ngây ngô vẫn hiện hữu trên gương mặt người mẹ trẻ.
     Ngồi thẫn thờ ở bậc cửa, G lí nhí thổ lộ: “Em cũng muốn đi học nhưng chữ xấu quá nên em nản”. Trường hợp của vợ chồng G chỉ là một trong nhiều những trường hợp tảo hôn. Tức “góp gạo thổi cơm chung”, đợi khi nào đủ tuổi theo quy định của pháp luật thì lên UBND xã làm đăng ký kết hôn. Tập tục này tuy không còn phổ biến ở Mỹ Á, song vẫn còn, nhất là khi nó đã ăn sâu vào nếp nghĩ đồng bào Mông, là khi một bộ phận thanh thiếu niên tìm hiểu, quen biết và lấy người ở các tỉnh có địa bàn giáp ranh với Phú Thọ như Sơn La, Yên Bái...
      Rời Mỹ Á, chúng tôi đến khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. Trưởng khu Đinh Thị Linh thoáng trầm ngâm khi nghe chúng tôi hỏi: “Trai, gái bản ta giờ kết hôn sớm không chị?”. “Vẫn có đấy. Chủ yếu là người Mông”.
     Thuộc gia đình hộ nghèo, Lý A Lo (sinh năm 1998) vẫn "quyết" lấy vợ sớm. Vợ em là Sùng Thị G (nhân vật được giấu tên), sinh năm 2004 ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Về nhà chồng từ khi mới 16 tuổi, đến nay hai vợ chồng G đã có một đứa con 2 tuổi. Em gái của Lo là Lý Thị N (nhân vật được giấu tên, sinh năm 2010) cũng đã bỏ học.
      “Từng xảy ra trường hợp một đôi trai gái người Mông yêu nhau là anh em họ rất gần nên cán bộ xã, khu dân cư phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục, không để xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống", chị Linh cho biết.
Gia đình Lý A Lo và Sùng Thị G (thứ hai bên trái sang) lấy nhau khi G mới 16 tuổi. Đến nay hai vợ chồng đã có một con gái 2 tuổi.
     Mặc dù có nhiều trường hợp cấp ủy, chính quyền đã kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng rồi đâu lại vào đấy bởi những đứa trẻ nhận được sự đồng tình của gia đình. Nhiều thôn bản đã xây dựng hương ước, quy ước, thậm chí xử lý hành chính nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn nhưng cũng chưa thể giải quyết triệt để.
Trong báo cáo tổng kết, đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất, kiến nghị giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc nhận định: “Các tệ nạn xã hội (nghiện ngập, nhất là nghiện rượu), tập quán về tảo hôn, vấn đề hôn nhân cận huyết thống... đã làm suy thoái giống nòi, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các dân tộc”.
     Theo mục tiêu trong thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 9 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình MTQG 1719) là giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN.
      Trong đó, nhấn mạnh việc tập trung vào nhóm vị thành niên, thanh niên là người DTTS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; nhóm phụ nữ và nam giới người DTTS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại hai thôn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống là: Thôn Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn và thôn Khe Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.
Rào cản hủ tục
      Không chỉ là vấn nạn tảo hôn, một số hủ tục lạc hậu dù đã được “gạn đục khơi trong” nhưng vẫn còn tồn tại trong đời sống của đồng bào DTTS. Trong đó có tục làm ma người chết của đồng bào Mông
      Trước đây, người Mông thường làm ma kéo dài nhiều ngày, người chết không cho vào quan tài mà được buộc trên một tấm gỗ đặt trên cái giá giữa nhà làm ma đủ ngày theo tục lệ mới được đem đi chôn. Đối với người Mông, tổ chức đám ma cho người chết rất quan trọng, với nhiều nghi lễ phức tạp, bởi họ tâm niệm khi gia đình có người chết, mổ nhiều trâu, bò, dê, lợn, gà thì người chết sẽ có thêm của cải để về dưới âm phủ có cuộc sống no đủ, sung túc, không phải chịu cảnh nghèo đói như khi còn sống. Cỗ bàn linh đình khiến cho nợ nần chồng chất, ròng rã bao năm có khi cũng chưa trả hết nợ. Hệ lụy từ những hủ tục trong tang ma của người Mông là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến cảnh nghèo khó, lạc hậu mà chính những người “ăn đời ở kiếp” như họ và con cháu họ đang phải gánh chịu.
       Già làng Sùng A Vang ở Mỹ Á nói với chúng tôi: “Vẫn có gia đình người Mông quan niệm người thân của mình khi chết là phải chôn gần nhà, chôn xa sợ bị con ma nó bắt nạt, con cháu không đi chăm sóc được ông bà, tổ tiên là có lỗi, sẽ bị tổ tiên về trách phạt nặng lắm”.
      Chẳng những dừng lại ở chuyện ma chay, vẫn còn gia đình đồng bào DTTS tin vào thầy mo cúng bái để giải hạn, giải nghiệp chứ không đến Trạm y tế khám bệnh. Chị Phùng Thị Toàn- Trưởng khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn cho biết: “Tư tưởng của một bộ phận bà con đồng bào Dao trong bản vẫn đặt niềm tin vào một “thế lực” vô hình. Họ cho rằng, nếu không làm lễ, không cúng bái thì bệnh sẽ nặng hơn, còn có làm lễ rồi nhưng vẫn bệnh thì họ lại “lạc quan” rằng nhờ cúng bái mà bệnh thuyên giảm đi nhiều chứ không sẽ chẳng biết nặng tới mức nào”.
       Đồng chí Đinh Hải Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập chia sẻ: Xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm khó, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và tâm lý, nhận thức của đồng bào. Điều quan trọng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, lấy công tác vận động, tuyên truyền là chính nhưng cũng phải xây dựng chế tài xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
       Đến nay, cơ bản các hủ tục đã được loại trừ, mê tín dị đoan đã được loại bỏ, đồng bào DTTS miền núi đã “khơi trong” để giữ lại thuần phong mỹ tục. Để có được thành quả đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là những người gần gũi với đồng bào mình nhất, hiểu đồng bào mình nhất và là tấm gương tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào DTTS xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ, để không còn những “lời ru buồn” phía sau những bản làng.
THANH TRÀ - THÙY TRANG - THU HƯƠNG
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com