Thứ 5 | 24/03/2016
Nền Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam được xây dựng theo quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ nhiệm vụ cách mạng, vì lợi ích của nhân dân. Trên cơ sở phát huy truyền thống thượng võ hàng nghìn năm của dân tộc. Đến nay, ngành thể dục thể thao Việt Nam đã có chiều dài lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển. Đi suốt chiều dài lịch sử, qua từng chặng đường đấu tranh cách mạng của đất nước, sau 70 năm thực hiên lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, ngành thể dục thể thao Phú Thọ đã có những thành tích đáng phấn khởi và có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của phong trào thể dục thể thao cả nước.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha Thanh Niên và Thể dục trong Bộ quốc gia giáo dục và lời kêu gọi toàn dân tập thể dục (27/3/1946). Trong hoàn cảnh chính quyền còn non trẻ, giặc đói, giặc dốt đang hoành hành, thực dân Pháp đang lăm le cướp nước ta một lần nữa, Bác Hồ đã nêu ra vấn đề có tính quốc gia: phải nâng cao sức khỏe toàn dân, mà một trong những biện pháp tích cực là tập thể dục – một công việc “không tốn kém, khó khăn gì”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một phong trào “Khỏe vì nước” được dấy lên mạnh mẽ. Thanh niên học sinh và các chiến sĩ tự vệ tích cực tham gia rèn luyện thân thể tạo nên một không khí mới góp phần xây dựng “đời sống mới” cả ở đô thị và nông thôn.
Kháng chiến thành công, hòa bình lập lại trên miền Bắc, TDTT có điều kiện phát triển. Tháng 6 năm 1956 chính phủ quyết định thành lập Ban TDTT trung ương. Ngày 16/3/1957 Phủ Thủ tướng phát động cuộc rèn luyện thân thể mùa xuân. Sau cuộc vận động này nhân dân hiểu thêm về lợi ích của TDTT, các cấp chính quyền nhận thức rõ hơn TDTT là một công tác cách mạng; hệ thống tổ chức cơ sở của TDTT được ra đời và phát triển. Vì vậy ngày 6/4/1960 Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về cuộc vận động phong trào thể dục vệ sinh đã đẩy phong trào lên một bước. Các hình thức tập thể dục buổi sáng và rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn để lao động và bảo vệ tổ quốc được phổ biến rộng rãi.
Năm 1964 khi miền Bắc bước vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, công tác TDTT chuyển hướng lấy thể thao phục vụ quốc phòng làm nhiệm vụ trọng tâm với nội dung chủ yếu là phong trào rèn luyện 5 môn: chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc. Trong khí thế hào hùng chống mỹ cứu nước của cả nước, phong trào “Luyện vai trăm cân, chân ngàn dặm” để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng. Các cuộc thi đấu 5 môn thể thao quốc phòng được tổ chức ở các địa phương, ngành, bất chấp bom đạn máy bay của Mỹ, đoàn VĐV của các đơn vị vẫn về thi đấu. Phong trào đã có tác dụng tích cực trong việc chuẩn bị thể lực , kỹ năng cho thanh niên thực hiện “3 sẵn sàng” gia nhập quân đội, thanh niên xung phong cùng “chiếc gậy Trường Sơn” nô nức ra mặt trận.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, một thời kỳ thể dục thể thao mới đã mở ra. Phong trào TDTT của cả nước được tiếp tục củng cố và phát triển. Hơn nửa thế kỷ qua, cùng với sự đi lên của Cách mạng, sự nghiệp TDTT của Phú Thọ có nhiều chuyển biến tích cực và đáp ứng được yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Hoạt động TDTT luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước để tổ chức các hình thức hoạt động đa dạng phong phú và phát triển mỗi ngày ở một trình độ cao hơn phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới và đặc biệt những năm gần đây các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cơ quan đoàn thể, nhà trường, đơn vị lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đã nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và tác dụng to lớn của công tác TDTT trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao sức khỏe, giáo dục nhân cách, đạo đức cũng như nâng cao năng suất lao động xã hội và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang. Công tác TDTT bước đầu được xã hội hóa, phong trào đã phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thanh niên, học sinh, các đơn vị lực lượng vũ trang, cả đô thị và nông thôn. Đã hình thành và phát triển mạnh các mô hình CLB TDTT và gia đình thể thao. Lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao bước đầu được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng dưới nhiều hình thức. Thành tích thi đấu thể thao tại các giải Quốc gia và khu vực có bước phát triển khá. Cơ sở vật chất phục vụ cho huấn luyện, thi đấu TDTT từ tỉnh đến cơ sở đã được chú ý đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho phong trào phát triển.
Phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kể từ năm 1997 tỉnh Phú Thọ được tái lập đến nay, với nhiều khó khăn, thử thách nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Uỷ ban Thể dục thể thao (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các địa phương, ngành thể dục thể thao Phú Thọ với quyết tâm cao độ, trước sự nghiệp đổi mới của đất nước, đã nỗ lực phấn đấu, từng bước vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trên các nhiệm vụ chiến lược của ngành là"Thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, và xây dựng cơ sở vật chất ".
Phong trào TDTT quần chúng luôn phát triển và có sự chuyển hướng phục vụ nhiệm vụ chính trị theo từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Đến thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc phong trào đi dần vào các cơ sở sản xuất ở nhiều cơ quan, xí nghiệp. Cán bộ công nhân tập luyện bài thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ chống mỏi mệt. Việc tập luyện TDTT nội khóa trong các nhà trường bắt đầu phát triển, đã xuất hiện một số trường có phòng trào TDTT khá. Hưởng ứng phong trào rèn luyện 05 môn thể thao quốc phòng “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc” do Tổng cục TDTT phát động, thanh niên và dân quân tự vệ đã tích cực tập luyện thiết thực phục vụ chiến đấu. Phong trào “luyện chân đồng lập công thắng Mỹ” được thanh niên thích ứng tạo nên khí thế sôi nổi. Sau những năm đất nước thống nhất phong trào TDTT của tỉnh ta được củng cố và phát triển hòa nhập chung với tình hình phát triển của đất nước. Các môn TDTT được quần chúng tập luyện nhiều chất lượng, hiệu quả TDTT được nâng lên. Trong những năm gần đây công tác giáo dục thể chất toàn dân trước hết là học sinh và lực lượng vũ trang tiếp tục duy trì. Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tổng cục TDTT phối hợp giải quyết những vấn đề về chương trình thể dục trong nhà trường các cấp, về tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh và về các vấn để đảm bảo cho việc dạy và học thể dục trong nhà trường. Phong trào tập luyện và thi đấu TDTT mang tên Hội khỏe Phù Đổng được tiến hành có hiệu quả chất lượng, thực sự là những cuộc hội tụ phong trào TDTT học sinh, là nơi gặp gỡ của những tài năng thể thao trẻ, đã thúc đẩy phong trào TDTT trong trường học, động viên ngày càng đông đảo học sinh tham gia thi đấu, biểu diễn tạo không khí sinh hoạt văn hóa - thể thao vui tươi lành mạnh ở các địa phương. Hội khỏe Phú Đổng các cấp tiến tới Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc dành cho học sinh các cấp phổ thông định kỳ là 5 năm một lần. Qua 4 lần Đại hội “Hội khỏe Phù Đổng” thành tích của các vận động viên tỉnh ta đã có những bước phát triển vượt bậc, chất lượng VĐV không ngừng được nâng lên.Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc IX năm 2016 đoàn VĐV tỉnh Phú Thọ phấn đấu đạt thành tích xếp hạng từ 10 đến 12 trên tổng sắp 63 đoàn VĐV của các tỉnh thành tham gia.  
Tiêu chuẩn “Chiến sỹ khỏe”“Đơn vị công an khỏe” được Tổng cục TDTT và Bộ quốc phòng, Bộ công an phối hợp ban hành đã góp phần đưa việc rèn luyện thân thể của cán bộ chiến sỹ các lực lượng vũ trang vào nền nếp. Hàng năm đã tổ chức kiểm tra, công nhận ở hầu hết các đơn vị và tổ chức cuộc thi vô địch “Chiến sỹ khỏe” trong toàn lực lượng 2 năm một lần. Phong trào tập luyện trong cán bộ công nhân viên chức, nông dân được duy trì và phát triển.
Các câu lạc bộ TDTT từ một môn đến nhiều môn được thành lập, nhiều địa phương đã coi các câu lạc bộ sức khỏe, câu lạc bộ TDTT là nhân tố bảo đảm cho TDTT phát triển nhằm mục tiêu “Vì sức khỏe cho mọi người”. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 1535 CLB thể dục thể thao.
Chất lượng phong trào thể thao quần chúng được nâng cao, ổn định và đi vào nề nếp, đẩy mạnh công tác xã hội hoá thể dục thể thao, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội chủ động hoạt động. Phú Thọ tiếp tục thực hiện tốt “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác thể dục thể thao. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 438.044 người thường xuyên tập thể dục thể thao (đạt 31% dân số của tỉnh); số gia đình luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 96.274 gia đình (đạt 25,4% tổng số gia đình toàn tỉnh).
Để tiếp tục nâng cao phong trào thể thao quần chúng, Đại hội thể dục thể thao các cấp tỉnh Phú Thọ lần thứ  VII năm 2013 đã được tổ chức theo đúng kế hoạch, chương trình đảm bảo qui mô, hình thức số lượng người tham gia phù hợp với từng địa phương đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia diễu hành biểu dương lực lượng và thi đấu các môn thể thao. Tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, đây thực sự là những ngày hội của quần chúng nhân dân trong tỉnh góp phần nâng cao sức khoẻ, đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Đại hội thể dục thể thao các cấp tỉnh Phú Thọ lần thứ  VII năm 2013. Ảnh Quách Sinh
 
Về cơ sở vật chất sân bãi dụng cụ tập luyện TDTT từ chỗ toàn tỉnh có 3, 4 sân bóng đá đơn giản đến nay đã có 01 Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh, 01 Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, 01 Trung tâm quản lý khai thác khu liên hợp TDTT tỉnh; 31 Sân vận động(trong đó 01 Sân vận động và 01 bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia); 483 sân Bóng đá;17 bể bơi các loại,1679 sân Bóng chuyền; 1670 sân Cầu lông; 17 sân Bóng rổ; 79 sân Quần vợt; 1028 bàn Bóng bàn; 37 nhà tập luyện và thi đấu đa năng.100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng được các thiết chế thể thao. Phú Thọ được đánh giá là tỉnh có các thiết chế TDTT thuộc tốp đầu của khu vực phía Bắc với hệ thống nhà thi đấu, sân vận động và bể bơi hiện đại, liên hoàn có thể đăng cai tổ chức tốt các giải thi đấu của Quốc gia và khu vực. Ba công trình lớn gồm: Nhà luyện tập và thi đấu TDTT, sân vận động trung tâm, Bể bơi được coi là điểm nhấn về thiết chế TDTT tỉnh nhà.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có phong trào luyện tập thường xuyên tiêu biểu là: Khối cơ quan tỉnh, Công an tỉnh, Công ty Giấy Bãi Bằng, Công ty supe hóa chất Lâm Thao… Đội bóng chuyền nữ Công ty Giấy Bãi Bằng được xếp ở hạng đội mạnh, đội bóng chuyền nam Công an tỉnh được chuyển lên hạng A1 quốc gia. Số trường học các cấp đảm bảo giảng dạy tốt chương trình TDTT nội khóa đạt 100%, ngoại khóa tăng lên đạt 86,3%).
Về Thể thao thành tích cao: Công tác phát triển lực lượng vận động viên và nâng cao thành tích thể thao cũng đã từng bước đạt được những kết quả bước đầu bền vững và đáng phấn khởi. Năm 2015, tỉnh Phú Thọ đào tạo 214 VĐV thể thao năng khiếu, 120 VĐV thể thao thành tích cao; tham gia thi đấu 33 giải thể thao khu vực và toàn quốc đoạt 149 huy chương các loại (30 HCV, 27 HCB, 92 HCĐ). Toàn tỉnh có 82 VĐV đạt đẳng cấp (14 VĐV kiện tướng, 68 VĐV cấp I); 06 VĐV tham gia đội tuyển trẻ Quốc gia giành được 03 HCV, 03 HCB, 01 HCĐ tại các giải khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Đoàn VĐV tỉnh Phú Thọ đoạt 2 Huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc tại Hội thao Wushu khu vực ASEAN – Trung Quốc lần thứ 3 – năm 2015. Ảnh: Cao Tuấn Đăng
 
Các tài năng chủ yếu ở đối tượng thanh niên học sinh. Vì vậy song song với việc đẩy mạnh giáo dục thể chất cho học sinh các VĐV cũng được chú ý học tập, phát triển nhân cách, đạo đức. Nhiều tài năng trẻ được phát hiện ở các đơn vị Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Sơn… được tuyển chọn từ các lớp năng khiếu nghiệp dư lên tập trung đạo tạo tài trường năng khiếu TDTT đã là nguồn cung cấp VĐV có chất lượng cao chủ yếu cho Thể thao thành tích cao của tỉnh tập huấn và tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc. Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao trong những năm gần đây đã có những thay đổi tích cực trong quản lý, định hướng phát triển các môn thể thao mũi nhọn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong huấn luyện nhằm đảm bảo thành tích của các VĐV phát triển bền vững hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 và những năm tiếp theo.


Phú Thọ đạt giải Nhất toàn đoàn giải Vô địch Pencak Silat trẻ Toàn quốc năm 2015 lứa tuổi 12_ 14.   Ảnh: Cao Tuấn Đăng
 
Thực hiện Chỉ thị 36/CT-BCT của Ban Bí thư TW Đảng về công tác TDTT trong giai đoạn mới; chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức các ngày lễ lớn, năm 2015 ngành VH, TT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Các môn thể thao dân tộc đặc sắc của tỉnh được đặc biệt chú  ý và đưa vào hệ thống thi đấu của tỉnh. Môn bắn nỏ, bóng chuyền được tổ chức hàng năm ở Hội Đền Hùng ngoài ra còn có các môn thi kéo co, vật dân tộc, bơi chải, ném còn, đánh phết… được tổ chức ở các kỳ lễ hội truyền thống thu hút đông đảo đối tượng tham gia.
70 năm qua, ngành VH, TT&DL Phú Thọ đã có những bước chuyển mình quan trọng. Phong trào TDTT quần chúng được phát triển ngày càng rộng rãi trong tất cả các đối tượng, chất lượng phong trào được nâng cao, nội dung hoạt động có nhiều hình thức phong phú hơn, TDTT ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm ủng hộ. Nhiều CLB TDTT được duy trì, số người tập luyện không ngừng tăng lên, tính xã hội hóa trong TDTT ngày càng thể hiện rõ nét. Tuy nhiên tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất sân bãi, dụng cụ luyện tập, cán bộ TDTT còn ít, ngân sách chi cho TDTT còn hạn hẹp, việc đầu tư chiều sâu cho TDTT chưa được nhiều nên ảnh hưởng đến sự phát triển phong trào.
Công tác xây dựng lực lượng VĐV đã được tỉnh chú trọng quan tâm, đã có một số môn đạt thành tích nổi bật như: Pencak Silat; Bắn cung; Judo… Hệ thống thi đấu các môn thể thao ngày càng được bố trí hợp lý hơn, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Các cuộc thi đấu vừa và nhỏ được tổ chức ở nhiều cơ sở, nhiều cơ quan đơn vị với nhiều hình thức tổ chức phong phú đa dạng thông qua các cuộc thi đấu đã phát hiện được những năng khiếu TDTT.
Công tác quản lý, chỉ đạo của ngành có nhiều cố gắng. Sự phối kết hợp với các ngành đã đi vào nề nếp, có nội dung, biện pháp và phân công trách nhiệm nên đã có hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền về hoạt động TDTT được quan tâm nhiều hơn. Thực tiễn hoạt động 70 năm qua trên lĩnh vực TDTT đã khẳng định sự đóng góp to lớn của ngành đối với sự phát triển đi lên quê hương Đất Tổ. Các hoạt động TDTT trong từng giai đoạn lịch sử có bước phát triển phù hợp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của quần chúng nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sức khỏe của cộng đồng.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành TDTT Việt Nam, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được đồng thời cũng nhận rõ hơn những mặt yếu kém tồn tại để từ đó đặt ra mục tiêu, phấn đấu từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo, xây dựng phong trào TDTT phát triển toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi nhà, mọi lứa tuổi tham gia hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phấn đấu có một vị trí xứng đáng trong khu vực và toàn quốc. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đang tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện tinh thần chỉ thị  36 của Ban Bí thư, chỉ thị 133 của Thủ tướng chính phủ về công tác TDTT trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng trọng tâm là giáo dục thể chất trong học sinh, phát động phong trào mỗi người tập luyện một môn thể thao. Tổ chức tốt phong tào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Tập trung huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng các tuyến kế tiếp nhau thông qua các lớp năng khiếu TDTT của tỉnh, huyện để tuyển chọn nhân tài bổ sung cho đội tuyển tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao.
Đề xuất với tỉnh cơ chế chính sách phù hợp để động viên khuyến khích các huấn luyện viên giỏi ở Trung ương và tỉnh ngoài về giúp tỉnh huấn luyện đào tạo vận động viên.
Tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm các tỉnh bạn trên lĩnh vực TDTT, tranh thủ giúp đỡ của Tổng cục TDTT…
Trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành của nền thể thao Việt Nam, cùng với sự phấn đấu dẻo dai và bền bỉ của các thế hệ những người làm công tác thể dục thể thao trong cả nước, đội ngũ cán bộ thể dục thể thao tỉnh nhà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm “Dân cường, nước thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân,, bằng tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, sự nghiệp TDTT của tỉnh đã có những tiến bộ rõ nét, phong trào TDTT quần chúng gắn với cuộc vân động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thể thao năng khiếu và thể thao thành tích cao đã từng bước phát triển theo hướng tích cực. Ghi nhận những thành tích, những cố gắng không mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ đã tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân và hàng trăm huy chương “Vì sự nghiệp TDTT” cho cán bộ trong và ngoài ngành. Đặc biệt năm 2015, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý nhất giành cho ngành. Với tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, VĐV, trọng tài, công chức, viên chức người lao động trong toàn ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.
Vũ Trường Thành
PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com