Thứ 4 | 02/12/2015
Khởi nguồn từ vùng Đất Tổ - Trung tâm dựng nước Văn lang của các Vua Hùng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ ở một vùng, một miền mà lan toả trong cả nước, tạo nên một không gian văn hóa rộng khắp như một sự hồi quang của lịch sử, có sức sống, sự sáng tạo văn hoá và sự lan toả sâu rộng trong cộng đồng, kết thành ý thức "Nguồn cội", nghĩa "Đồng bào", trở thành yếu tố nội lực không chỉ tạo nên sức mạnh của dân tộc ta trong mọi giai đoạn lịch sử và còn mang tính đại diện toàn cầu.
Bởi ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống tinh thần và sự kết nối con người với cội nguồn gia đình, dân tộc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày mùng 6 tháng 12 năm 2012 tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003. Và sau đó, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2012 theo Quyết định số 5118/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 
Từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận trong Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này như trong phát biểu của đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tại Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 ở Paris vào ngày mùng 6 tháng 12 năm 2012. Tỉnh Phú Thọ cam kết thực hiện Chương trình hành động nhằm bảo vệ sức sống, sự lan tỏa rộng rãi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, có những chính sách để phục hồi không gian thờ tự, những lễ nghi, diễn xướng liên quan, và khuyến khích việc trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ nhằm giáo dục truyền thống và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" để di sản mãi trường tồn, xứng đáng là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
 Nhìn lại kết quả sau  3 năm từ 2013 - 2015, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt Chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy "Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ"- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là:
1. Hàng năm tỉnh Phú Thọ đã tổ chức rất tốt Giỗ Tổ Hùng vương - Lễ hội Đền Hùng, với sự tham gia từ 3 đến 5 tỉnh, thành trong cả nước. Phần lễ được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và đại biểu nước ngoài tham gia. Phần hội vui tươi, lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ cội nguồn. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của dân tộc, Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng như hiện nay. Sự thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng - với sự hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “Đồng bào", ý thức nguồn cội của hàng triệu triệu người dân Đất Việt và sự lan tỏa mạnh mẽ từ Trung tâm Nghĩa Lĩnh không chỉ đến các di tích thờ Hùng vương, danh tướng Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước, đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, trọng thể có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Các xã vùng ven rước kiệu về Đền Hùng
 
2. Thực hiện công tác đầu tư, tôn tạo, tu bổ xây dựng Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng theo đúng tiến độ quy hoạch phát triển mở rộng đến năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đã tổ chức xây dựng Dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển Di tích Đền Hùng giai đoạn 2015 - 2025 với nhiều công trình văn hóa được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân khi hành hương về Đền Hùng. Trong những năm gần đây, các công trình đền, đài, lăng tẩm được tu bổ khang trang, trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, giữ gìn " Không gian thiêng". Các thiết chế văn hóa mới được xây dựng như Trung tâm lễ hội giai đoạn 2; nhà đón tiếp khách; công trình Cổng vào Trung tâm lễ hội với quy mô hoành tráng, cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường: công trình hồ Mẫu, cảnh quan xung quanh đền Quốc Tổ Lạc Long Quân... giao thông được mở mang tạo nên không gian rộng rãi, thoáng mát, trang nghiêm của thế giới tâm linh phục vụ cộng đồng hành hương về lễ Tổ.
Theo thống kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại hơn 100 làng,  có tín ngưỡng gắn với việc thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, có khoảng 50% số di tích được phục dựng (từ sau 1990), 10% di tích được tu bổ, 20% di tích đã xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích và 20% di tích đã hoàn toàn trở thành phế tích hoặc biến dạng. Nhiều nơi đi liền với di tích được phục dựng, xây lại mới, tập tục thờ cúng, lễ hội, diễn xướng dân gian cũng được dân làng phục hồi. Một vấn đề quan trọng là Nhà nước và chính quyền các cấp ở Phú Thọ không chỉ đầu tư kinh phí, hỗ trợ trùng tu, tu bổ Khu di tích lịch sử Đền Hùng mà cần quan tâm hơn nữa tới di tích, lễ hội, tập tục thờ cúng, và hệ thống các tài liệu ở các làng quê, các đền thờ Vua Hùng, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương có thực hành nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. 
 Trên cơ sở khảo sát đánh giá hiện trạng các di tích tín ngưỡng thờ cúng ở các làng xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng, với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và  xã hội hóa trong việc khôi phục xây dựng, tu bổ các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, như: đình Cả (Thị trấn Hùng Sơn - huyện Lâm Thao; Đình Đông (Thị trấn Hùng Sơn - huyện Lâm Thao); Đình Cả (xã Tiên Kiên - huyện Lâm Thao); đình Hữu Bổ Thượng (xã Kinh Kệ - huyện Lâm Thao) thờ các vua Hùng vv… Trong 02 năm 2013 – 2014, nguồn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và ngân sách của Tỉnh Phú Thọ, của chính quyền địa phương đã cấp trên 08 tỷ VNĐ để tu bổ 15 di tích liên quan đến không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
3.   Nâng cao vai trò của cộng đồng, chủ thể sáng tạo, bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị di sản, tỉnh Phú Thọ đã  tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong các dịp lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống, thi chọi gà, thi nấu cơm, đấu vật, đu quay, bơi chải, bắn nỏ vv… Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm những tập tục thờ cúng, nghi lễ cúng tế của Ban tế lễ ở các đình, đền thờ Hùng Vương, Danh nhân Danh tướng thời Hùng Vương, cách làm lễ vật, dâng cúng lễ vật (từ việc chọn vật nuôi, quá trình nuôi, và kỹ thuật chế biến lễ vật vào dịp lễ hội). Cách thực hiện cúng tế của các ông Chủ tế, của các thành viên trong đội tế, các hình thức diễn xướng (tiêu biểu là trò bách nghệ khôi hài, trò săn lợn chạy địch, đánh phết, trò bắt chạch trong chum, trò tùng rí, rước ông Khiu bà Khiu, rước lúa thần) là những trí thức dân gian được thực hiện hàng năm và được người này trao truyền cho người khác, thế hệ này kế tiếp thế hệ sau. Những thể loại văn hóa phi vật thể được lưu truyền bằng miệng khác như truyền thuyết về Hùng Vương lưu hành trong dân gian được văn bản hóa bằng chữ Hán, hoặc chữ Quốc ngữ, hàng năm được thể hiện lại một phần trong Văn Tế, và được các thế hệ kể lại cho nhau nghe trong gia đình, trong cộng đồng.
4. Chú trọng đến việc thực hành tín ngưỡng truyền thống và trao truyền cho các thế hệ mai sau để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc.
 Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày mùng 6 tháng 3 Âm lịch là ngày Giỗ đức Quốc Tổ tại đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, các ông trong Hội người cao tuổi của các xã thuộc Thành Phố Việt Trì đã tập luyện công phu nhiều tháng liền, tổ chức tế lễ Đức Quốc Tổ trang nghiêm thành kính theo nghi lễ truyền thống nhằm ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân có công dựng nước và nhắc nhở các thế hệ mai sau nhớ về cội nguồn.
Hàng năm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với chính quyền địa phương các các xã vùng ven di tích tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn nghi thức hành lễ cho các ông trong hội người cao tuổi để làm ông Từ tại các đền trên Di tích lịch sử Đền Hùng và ở các đền thờ Hùng Vương tại địa phương; Củng cố và thành lập các Ban quản lý di tích tại các địa phương có di tích thờ Hùng Vương và vợ, con, tướng lĩnh. Những người tham gia trong Ban quản lý này là các cụ cao tuổi, có uy tín ở địa phương. Họ là những người đóng vai trò chính trong việc hướng dẫn cộng đồng thực hành tín ngưỡng và trao truyền các tập tục tín ngưỡng cho các thế hệ tiếp nối.
5. Tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn Phú Thọ và cả nước. Tổ chức sưu tầm, bổ sung các truyền thuyết, các nghi thức, trò diễn dân gian. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã  phối hợp với Viện nghiên cứu Hán nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch Hán Nôm như: sắc phong, ngọc phả, thần tích, văn bia... tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh, thành phía Bắc, gồm: TP. Hà Nội, Phú Thọ,Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình. Đã nghiên cứu, sưu tầm lập thư mục thống kê và phiên âm, dịch nghĩa được 410 bản thần tích liên quan đến Hùng Vương và vợ, con, tướng lĩnh các vua Hùng hiện nay đang lưu giữ ở các viện nghiên cứu và Trung tâm lưu trữ quốc gia.
6. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Xây dựng các chương trình văn hóa, giáo dục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Thực hiện nhiều chuyên mục định kỳ trên Đài phát thanh và truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ, tập san Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, tạp chí Di sản văn hóa của tỉnh nhằm giới thiệu, phổ biến, quảng bá, tuyên truyền về Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
  Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tích cực chỉ đạo Sở giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cùng phối hợp tổ chức chương trình giáo dục đưa di sản vào trường học. Đổi mới và nâng cao nội dung chương trình học lịch sử, ngữ văn cho học sinh, chú trọng giáo dục phổ biến cho các em nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và sự cần thiết bảo vệ di sản, về các truyền thuyết lịch sử và về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chú trọng công tác nghiên cứu, bảo tồn tín ngưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác quản lý di sản. Trong 3 năm đã có 16 cán bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ về quản lý di sản. Xây dựng 01 ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng thường xuyên cập nhật để lưu trữ các thông tin được sưu tầm, nghiên cứu thông qua những cuộc khảo sát đã bổ sung tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Tổ chức trưng bày chuyên đề về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Bảo tàng Hùng Vương phục vụ đông đảo đồng bào về thăm viếng Di tích. Bằng hình thức giới thiệu trực tiếp cho khách đến tham quan, phối hợp với các trường học, các công ty du lịch lữ hành đưa sinh viên các trường đến học tập với những trải nghiệm thực tiễn.  
Trong năm 2013 - 2014 số lượng học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành lân cận đến tham quan di tích Đền Hùng tăng lên rõ rệt. Theo thống kê có 186 đoàn học sinh, với số lượng gần 10 vạn em đã đến thăm viếng và trải nghiệm các hoạt động thực tiễn tại di tích. 
Dự báo định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ chịu nhiều tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi dân số, những biến đổi của các vấn đề văn hóa, xã hội. Nhưng những yếu tố có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn hết chính là thế hệ các Nghệ nhân ngày càng mai một, thế hệ trẻ không quan tâm đến tập tục, nghi lễ truyền thống. Nhiều không gian thờ cúng Hùng Vương đã bị phá hủy và chưa phục hồi, nhiều lễ hội, diễn xướng dân gian, lễ nghi liên quan đến thờ cúng Hùng Vương đã bị mai một. Những vấn đề của bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế đặt ra cho ngành Văn hóa phải xây dựng những định hướng bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến năm 2020, và đưa ra tầm nhìn đến năm 2030. Việc thiết kế xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần phải được nghiên cứu kỹ, đặc biệt là vấn đề lưu giữ, phát huy tín ngưỡng, và trao truyền cho thế hệ trẻ. Các biện pháp bảo tồn và truyền dạy cần phải được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức, với sự tham gia của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức từ Trung Ương đến địa phương, và với sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một việc làm thiết thực, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngược lại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có những tác động như những yếu tố nội lực lớn lao vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, làm điểm tựa cho khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành triết lý sống với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây”là một di sản văn hóa quý báu, được các thế hệ tự nguyện và đồng thuận với hiểu biết đầy đủ và sự tham gia rộng rãi nhất của cộng đồng, được gìn giữ phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong bối cảnh cuộc sống đương đại và toàn cầu hóa hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là nhiệm vụ cấp thiết nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO đảm bảo di sản mãi trường tồn và luôn giữ được danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh./.
Tạ Thị Kim Nhung
PGĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com