Chủ nhật | 26/11/2023

Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh Phú Thọ

     Phú Thọ - mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi có các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương đã thấm sâu trong tâm hồn của người Việt Nam và trở thành tinh hoa văn hóa của cả dân tộc. Cùng với dòng chảy lịch sử, giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương được hiện hữu sinh động qua những truyền thuyết, huyền tích, di tích, sắc phong, văn bia, phong tục, tập quán, nghề thủ công, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội… Trong đó, giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương thể hiện đậm nét qua bộ sưu tập Nha chương thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên; Nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh giầy và Hát Xoan Phú Thọ.

Bộ sưu tập Nha chương đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương

     Về giá trị hiện vật thời đại Hùng Vương và giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ không thể không nhắc tới một báu vật - đó là Nha chương - một minh chứng quan trọng khẳng định sự ra đời và phát triển của thời đại Hùng Vương. Hiện nay, Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ đang lưu giữ bộ sưu tập nha chương gồm 4 chiếc, có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm, hội tụ đầy đủ kỹ thuật chế tác đá của thợ thủ công thời Phùng Nguyên. Việc chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật ghè, đẽo, mài, cưa, khoan đã làm nên nét độc đáo của Nha Chương, đồng thời khẳng định cho sự phát triển đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá.
     Nha chương chỉ tìm thấy trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, chứng tỏ loại hình hiện vật này mang giá trị độc bản, quý hiếm, cho đến nay chưa địa phương nào ở Việt Nam phát hiện được. Nha chương có giá trị lịch sử to lớn mang ý nghĩa đại diện cho một thời kỳ lịch sử. Nha chương thể hiện biểu tượng quyền lực của nhà vua và quyền uy tù trưởng. Người được trao nha chương có quyền thay mặt nhà nước và bộ lạc để chỉ huy, điều binh khiển tướng trong những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm và nhiều quyền lực quan trọng khác của quốc gia, dân tộc và cộng đồng.Bộ sưu tập Nha chương hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương nhằm giới thiệu tới khách tham quan những giá trị riêng có và độc đáo về nghệ thuật chế tác đá đỉnh cao của người Phùng Nguyên. Với những giá trị to lớn đó, ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 88/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia cho bộ sưu tập nha chương của Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ.
     Phú Thọ tự hào là vùng đất kinh đô Văn Lang xưa, nơi có nền văn hóa ẩm thực độc đáo, đa dạng, mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ. Trong đó, Bánh chưng, bánh giầy được gắn với huyền sử về lòng hiếu thảo và sự sáng tạo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. Sự tích bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn minh lúa nước. Tục làm Bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ trở thành bản sắc văn hóa, nghi thức riêng biệt mà không địa phương nào có được. Không gian văn hóa của nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ trải rộng trên địa bàn tỉnh, tập trung ở nơi phát tích là Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông), xã Hùng Việt (huyện Cẩm Khê).
     Nguyên liệu để làm bánh chưng bao gồm: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, muối, hạt tiêu, lá dong. Nguồn nguyên liệu đều phải được tuyển chọn hết sức kỹ càng, cẩn thận. Kỹ thuật gói bánh chưng là một nghệ thuật khá tinh vi thể hiện tính thẩm mỹ qua cái bánh vuông vức, mối lạt buộc đẹp. Thành phẩm chiếc bánh chưng khi chín cắt ra phải đạt tổng thể màu sắc: Vàng ngà hạt đậu, bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín, trắng màu nếp thơm, xanh mát lá dong; Từ trong ra ngoài cùng thể hiện triết lý âm dương, tam tài và ngũ hành.
     Cùng với bánh chưng, bánh giầy màu trắng, hình tròn mang ý nghĩa tượng trưng cho bầu trời trong quan niệm vũ trụ của người Việt xưa. Những chiếc bánh giầy của các làng nghề ở Phú Thọ mang một phong cách chế biến ẩm thực riêng đó là cách tạo bột bánh từ xôi nếp giã nhuyễn. Xôi được đồ chín, rồi giã mịn và bắt bánh tạo hình tròn. Hai chiếc bánh chưng, bánh giầy là cặp đôi hài hòa về màu sắc, thơm về mùi vị, đẹp về hình dáng, mỹ thuật, đảm bảo cả về lượng và chất, vừa ngon, vừa bổ dưỡng.
     Từ các cuộc thi lễ vật dâng Vua Hùng, bánh chưng, bánh giầy được cộng đồng người dân ở Phú Thọ và cộng đồng người Việt gìn giữ, bảo tồn và phát triển thành nghề truyền thống. Đặc biệt, tại lễ hội Đền Hùng hằng năm đều diễn ra hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy - Đội giành giải Nhất sẽ được vinh dự thay mặt nhân dân cả nước dâng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhằm tri ân tổ tiên và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
     Bánh chưng, bánh giầy mang nhiều giá trị đối với cộng đồng người Việt và nhân dân Phú Thọ. Đó là giá trị về vật chất; tinh thần; lịch sử; văn hóa; khoa học và tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế. Đây cũng là sản phẩm đặc trưng, có ý nghĩa để du khách làm quà tặng người thân, gia đình khi hành hương về cội nguồn. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc độc đáo của di sản văn hóa thời đại Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
     Để bảo tồn và phát huy Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1180/QĐ-BVHTTDL ngày 8/5/2023 về việc đưa nghề thủ công truyền thống: Nghề làm bánh chưng, bánh giầy huyện Cẩm Khê, thành phố Việt Trì, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT&DL trao quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống - “Nghề làm bánh chưng, bánh giầy” huyện Cẩm Khê, TP Việt Trì, huyện Tam Nông.

     Cùng với sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Sông Hồng. Múa hát đã xuất hiện ở thời kỳ này. Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ được hình thành từ thời Hùng Vương được thể hiện rõ trong các truyền thuyết liên quan đến thời đại Hùng Vương. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2017, hát Xoan Phú Thọ đã được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
     Trong hành trình phát triển của lịch sử dân tộc, Hát Xoan Phú Thọ đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền. Những người thực hành và truyền dạy hát Xoan chính là những nhân chứng sống của di sản văn hóa. Mỗi nghệ nhân Hát Xoan là một “bảo tàng sống” giữ gìn một cách đảm bảo nhất, nguyên bản nhất di sản, họ là những người nắm giữ mạch nguồn của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ.
     Công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản Hát Xoan Phú Thọ là tôn vinh công lao, đóng góp của các nghệ nhân, đề cao vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Từ nhận thức đó, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện việc tôn vinh các nghệ nhân Hát Xoan nhằm động viên các nghệ nhân tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và truyền dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Hát Xoan.
     Qua 3 lần xét tặng đã có 66 nghệ nhân Hát Xoan được công nhận. Năm 2023, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan lần thứ tư, nâng tổng số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu lên 86 nghệ nhân. Hôm nay, chúng ta tổ chức trao danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan cho 20 gương mặt tiêu biểu được phong tặng dịp này, nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp, công lao của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại hát Xoan Phú Thọ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng và Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thanh Huyền trao quyết định công nhận nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ lần thứ IV

     Trong dòng chảy không ngừng của văn hoá đất nước, trầm tích giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương như mạch nguồn mang sức mạnh to lớn, tạo nên điểm tựa vững chắc để đất nước phát triển.​ Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương là trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Bằng những hành động cụ thể và thiết thực, cùng với ý thức trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân đất Việt về giống nòi và cội nguồn thiêng liêng, cao quý của mình, văn hoá thời đại Hùng Vương sẽ luôn lan toả và có sức sống trường tồn trong đời sống dân tộc./.

Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com