Thứ 2 | 30/12/2024

     Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam, trải qua bao thăng trầm, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học luôn là nguồn sức mạnh tinh thần, là cơ sở nền tảng được đề cao và coi trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Hệ thống giáo dục và khoa cử của nước ta, một phần nào đó, được bắt đầu xây dựng từ thời kỳ Bắc thuộc nhưng phát triển vào thời nhà Lý về sau ngày càng ổn định và hoàn thiện với nội dung giáo dục và khoa cử cơ bản là Nho học. Phú Thọ là vùng đất phát tích của dân tộc là một vùng đất giàu truyền thống hiếu học.Thời phong kiến, Phú Thọ có tổng số 26 vị đỗ khoa bảng dưới các triều nhà Trần, Hồ, Lê, nhà  Mạc, và Lê Trung Hưng. Trong đó có những người đỗ đạt cao như trạng nguyên, bãng nhãn, làm đến các chức Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ… và nhiều rất nhiều nhà khoa bảng khác có mặt và tham gia điều hành trong bộ máy chính quyền phong kiến, làm sáng danh cho hậu thế, xứng nghiệp tổ tiên.  
Tại bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ trong phần trưng bày về truyền thống hiếu học của lịch sử tỉnh nhà, Bảo tàng đã xây dựng mô hình cảnh các sĩ tử học ôn thi thời phong kiến, phục chế bia Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh nhà khoa bảng đỗ đạt của tỉnh Phú Thọ, giới thiệu toàn bộ danh sách các sỹ tử tỉnh Phú Thọ đã được vinh danh. Mô hình tái hiện này nhằm giúp cho người dân có thêm hiểu biết về hoàn cảnh, điều kiện học tập của các sĩ tử xưa, hình thức vinh danh, thông tin về các nhà khoa bảng của tỉnh và sự trân trọng đối với người hiền tài của cha ông ta.


Hình ảnh các sĩ tử học thi thời phong kiến phục dựng lại tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ.

     Như chúng ta đã biết, vào năm Canh Tuất 1070 vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu ở phía Nam Hoàng Thành Thăng Long và khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Dưới thời phong kiến, đặc biệt từ thời Lê, việc thi Nho học do nhà nước chỉ đạo được hoàn thiện và đi vào nề nếp: Vào thời kỳ này cứ 3 năm mở khoa thi một lần, mỗi khoa có 3 lần thi (Thi Hương, thi Hội, thi Đình) mỗi lần thi Hương và thi Hội, các sĩ tử phải trải qua bốn kỳ: ám tả (viết chính tả), kinh nghĩa, thơ, phú, chiếu, chế, biểu (các loại công văn), văn sách (văn chương, lịch sử và triết lý); riêng năm 1404 nhà Hồ còn tổ chức thêm kỳ thi thứ 5 là thi toán và viết chữ. Nhà nước quây một khu đất rộng là trường thi, các trường thi như vậy đều do các quan đầu lộ đạo tổ chức có sự giám sát của triều đình và có lính canh nghiêm ngặt. Thi Hội là kỳ thi diễn ra ở kinh đô chỉ những người đạt danh hiệu Hương Cống (những người đỗ 4 kỳ trong thi Hương) và những người làm quan nhưng chưa phải là Hương cống được tham dự, kỳ thi Hội chọn ra các Tiến sĩ. Ba chức danh cao nhất của chế độ khoa cử là Tam khôi gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa dành cho những người đạt điểm cao nhất của kỳ thi Đình với các ứng viên là Tiến sĩ thi Đình, gọi là thi Đình vì các khoa thi tổ chức tại các đình, nghè thuộc hoàng thành của nhà vua. Bài thi do đích thân vua ra và các vị đại thần có ý kiến. Lịch sử khoa bảng Việt Nam kéo dài 744 năm, từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919. Theo số liệu thống kê được, có 2.898 người đỗ đại khoa (từ Tiến sĩ trở lên, trong đó 50 Trạng nguyên, song không có phụ nữ) với hàng trăm khoa thi được tổ chức và sự xuất hiện của nhiều bậc hiền tài góp phần đảm bảo cho sự thịnh vượng của biết bao triều đại. Những người đỗ đạt không chỉ được triều đình trọng ban nhiều ân điển, mà kể từ khoa thi năm 1442, họ còn được khắc tên trên bia tiến sỹ đặt tại Văn Miếu ở kinh đô để lưu danh đến muôn đời. Về Thi quan võ: Có từ thời Lý, nhưng đến thời Lê sơ mới được tổ chức một cách quy củ và nền nếp. Năm 1478 Lê Thánh Tông tổ chức kỳ thi Đô ti ở kinh đô cho quân đội và tổ chức Trường Võ bị (Giảng võ sở), đối tượng dự thi là con cháu các quan văn, võ ở kinh thành; học ba năm, ai đỗ trường này được bổ chức võ úy. Năm 1721, chúa Trịnh Cương mở Sở Võ học ở Thăng Long, cứ ba năm một lần mở kỳ thi võ (khoa Bác cử). Thi võ cử có hai cấp: Sở cử (tương đương với thi Hương bên văn) và thi Bác cử (tương đương với thi Hội, thi Đình). Việc cấp bằng cho những người thi đỗ hai kỳ thi võ cử cũng có sự tương đương với thi văn: Hương cống, Cử nhân và Tạo sĩ - Tiến sĩ võ, người đỗ cao nhất gọi là Tuấn sĩ - Trạng nguyên võ. “Ai có bằng Tạo sĩ được ra làm quan võ, làm trấn thủ, được phong tước công, hầu, bá, tử nam”.

Mô hình bản dập bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám- Hà Nội vinh danh Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, đỗ bảng nhãn khoa thi năm Mậu Dần đời Quang Thiệu thứ 3 (1518), Bia được lập ngày mùng 5 tháng giêng niên hiệu Đại Chính năm thứ 7(1537) đời vua Mạc Đăng Doanh. Trong nhà Bia ở Văn Miếu bia của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc là bia số 13 đứng hàng thứ 2. Bia  được phục chế lại trưng bày tại tầng 2 nhà trưng bày Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ.

    Tại tỉnh Phú Thọ, vùng đất phát tích, không chỉ nổi tiếng với các di chỉ khảo cổ học, các di tích lịch sử, phong tục tập quán, tín ngưỡng, truyền thuyết… khẳng định vị thế hình thành nên mảnh đất cội nguồn mà còn nổi tiếng với bề dày truyền thống hiếu học với những người con đỗ đạt cao trong các triều đại phong kiến: như Trạng nguyên Vũ Duệ (xã Vĩnh Lại- Lâm Thao), Bãng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (xã Xuân Lũng- Lâm Thao), Bãng nhãn Trần Toại (xã Phượng Lâu- Việt Trì); Bốn cha con họ Đặng( Lương Lỗ- Thanh Ba) trong đó có Đặng Minh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc, và nhiều nhà khoa bảng khác đã làm sáng danh cho hậu thế, xứng nghiệp tổ tiên. Bên cạnh đó  Phú Thọ còn có nhiều làng quê hiếu học trong đó tiêu biểu nhất là làng Xuân Lũng (hay còn gọi là làng Dòng) có trên 300 tiến sĩ tại các thời đại, có 29 từ đường của dòng họ.      
     *Trạng Nguyên Vũ Duệ (xã Vĩnh Lại- Lâm Thao),
     Trạng nguyên Vũ Duệ tên thật là Vũ Nghĩa Chi, ông là người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi Trấn Sơn Tây, nay thuộc làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại huyện Lâm Thao. Trong dân gian truyền tụng ông là một đưa trẻ thông minh, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, 7 tuổi đã biết đọc biết viết và biết làm thơ, người đời gọi ông là “Thất Tuế Thần Đồng”. Vì nhà nghèo không có điều kiện đi học nên ông đã tìm mọi cách học tập như dùng đóm đóm làm đèn học, dùng gạch non làm phấn, lấy sân đình làm tập viết, vừa trông em vừa học lỏm thầy đồ dạy học. Sau một lần trả lời được câu hỏi của thầy khi đang đứng nghe ngoài cửa sổ lớp khiến cho các bạn và thầy giáo khâm phục, ông đã được thầy đổi tên thành Vũ Duệ tỏ ý khen ngợi tài năng của cậu học trò thông minh và từ đó được thầy tạo điều kiện và giúp đỡ học hành. Vào khoa thi năm Canh Tuất 1490 dưới thời vua Lê Thánh Tông Vũ Duệ đã đỗ đầu đệ nhất giáp , được vua ban danh hiệu Trạng Nguyên kèm lời tiên tri được ghi chép và chính sử: “Sau này quốc gia có biến cố tất phải trông cậy vào người này”, năm đó ông 22 tuổi. Ông được bổ nhiệm chức Tham chính xứ Hải Dương, ông đã phục vụ 6 đời vua nhà Lê trong hơn 30 năm làm quan của mình: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực của nhà mạc với nhà Lê, để bày tỏ lòng trung thành của mình với vua Lê Chiêu Tông ông đã tuẫn tiết xuống biển và sau này khi Lê Huyền Tông dẹp xong nhà Mạc đã xếp ông đứng đầu trong số 13 công thần tử tiết. Di cốt ông được đem về quê hương mai táng.

Ảnh Đền thờ Trạng Nguyên Vũ Duệ xã Vĩnh Lại Huyện Lâm Thao trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ


     * Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (xã Xuân Lũng- Lâm Thao)
      Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc sinh năm 1492 người làng Dòng thuộc xã Xuân Lũng huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Ông là con của Lại bộ thị lang Nguyễn Doãn Cung, ông đậu bảng nhãn năm 1518 (26 tuổi) dưới thời vua Lê Chiêu Tông, làm đến chức thị thư Viện hàn Lâm. Năm 1522 ở tuổi thứ 30 trong một cuộc khởi nghĩa “Phù lê, diệt Mạc”. Nghĩa khí của ông đã được các triều đại liệt vào hàng trung thần, trung quân ái quốc được nhiều lần sắc phong và truy phong là Tiết Nghĩa Đại Vương- Thụy Nhã Lượng- Thượng Đẳng phúc Thần. Năm Đinh Mùi (1667) vua Lê Huyền Tông cho xây lăng miếu lập “Tiết nghĩa từ” ở quê hương. Đôi câu đối được vua ban: “Tảo tuế khôi khoa thiên hạ hữu- Thiếu niên tiết nghĩa thế gian vô ” tức “ Đỗ đạt sớm thì thiên hạ có người- ít tuổi mà tiết nghĩa thế gian không có ai” hay “ Thần trung tử hiếu cương thường tại- Địa hiếu thiên lưu tiết nghĩa trường” tức “Bề tôi trung, con cháu hiếu thảo; Cương thường còn, tiết nghĩa bền” hiện còn lưu giữ ở Viện Hán Nôm bản chữ Hán và quốc ngữ. Các triều đại vua kế tiếp nhau đều sắc phong cho bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, có tất cả 12 đạo sắc. Ông được đặc cách phong thành Hoàng làng Xuân Lũng  và làng bản quán của ông. Sang đến thế kỷ XXI, đến thờ ông đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử quốc gia với mong muốn tưởng nhớ, nêu gương và phát huy truyền thống hiếu học trên mãnh đất quê hương Xuân Lũng của ông.

Ảnh đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương

      Bảo tàng Hùng Vương phục chế lại và trưng bày một mô hình bản dập bia tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám vinh danh bãng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, ông đỗ bảng nhãn khoa thi năm Mậu Dần đời Quang Thiệu thứ 3 (1518), Bia được lập ngày mùng 5 tháng giêng niên hiệu Đại Chính năm thứ 7(1537) đời vua Mạc Đăng Doanh. Trong nhà Bia ở Văn Miếu bia của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc là bia số 13 đứng hàng thứ 2. Năm 1667 (Đinh Mùi), đời Cảnh Trị thứ 5, niên hiệu vua Lê Huyền Tông cho phép lập "Tiết Nghĩa từ" ở quê hương để tưởng nhớ công lao to lớn của Ông. Bản dập bia gồm bố cục 3 phần: Trán bia, thân bia và đế bia. Phần trên cùng gọi là Trán bia có hình khung vòm, khắc chạm hoa văn tinh xảo, ở giữa chạm vòng tròn tượng trưng cho mặt trời, xung quanh mặt trời có nhiều tia sáng hình ngọn lửa và hình các đám mây. Thân bia hình chữ nhật, xung quanh có 1 khung rộng, được khắc chữ ở hai mặt, một mặt chữ Hán, một mặt chữ quốc ngữ, nội dung ghi tên tuổi, quê quán, năm sinh, năm mất, năm đỗ khoa trường, chức vụ của các vị Tiến sĩ. Phần cuối là đế bia, mỗi bia được đặt trên lưng rùa. Theo quan niệm của ông cha ta Rùa là một trong 4 con vật linh thiêng (long, li,quy, phượng) sống lâu khỏe mạnh. Bia đặt trên lưng rùa biểu tượng cho sự tôn vinh hiền tài, trường tồn vĩnh cửu.
          *Bảng nhãn Trần Toại (xã Phượng Lâu- Việt Trì)
          Trần Toại là một trong hai bảng nhãn của tỉnh Phú Thọ đứng danh sách thứ hai hàng đệ nhất giáp tiến sĩ. Ông điển hình cho tấm gương hiếu học, được gọi là thần đồng vượt khó. Ông là người xã phượng Lâu huyện Phù Ninh phủ Tam Đái Trấn Sơn Tây nay là xã Phượng Lâu thành phố Việt Trì. Trần Toại vốn tên Trần Tụy, ông là con một gia đình nhà nông nghèo khó, cha làm nghề đốn củi, mẹ mò cua bắt ốc. Thủa nhỏ ông vừa phải đi học vừa phải mò cua bắt ốc. Ông học bài bằng cách lấy than viết xuống nền nhà, tối bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh làm đèn học bài. Bảng nhãn Trần Toại đỗ đạt và làm quan vào đời vua Mạc Đăng Doanh khoa thi thứ 3 năm Mậu Tuất năm 1538. Tại kỳ thi Hội diễn ra vào mùa xuân ông đứng thứ nhì trong danh sách 36 tiến sĩ từ hơn 4000 sĩ tử. Ông thi đỗ năm 25 tuổi và làm quan tới chức Thị thư tại viện Hàn lâm.

Danh sách các nhà khoa bảng tỉnh Phú Thọ thời kỳ phong kiến trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương

     Ngoài những nhà khoa bảng tiêu biểu đã nếu trên, nhà nước và chính quyền phong kiến trung ương đã vinh danh rất nhiều các nhà khoa bảng khác của tỉnh Phú Thọ, đã đóng góp công sức, tài năng trí tuệ của mình vào việc điều hành và xây dựng đất nước. Tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung đã và đang tiếp tục gìn giữ, duy trì và phát huy những truyền thống quý báu về tinh thần hiếu học, trọng người tài , tinh thần yêu quê hương đất nước mà cha ông ta để lại cho con cháu với mong muốn xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp hơn.

Nguyễn Thị Bích Viên
Bảo tàng Hùng Vương Phú Thọ

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com